(Baonghean) - Không ai thấu rõ nỗi đau của chiến tranh bằng những người phụ nữ. Những người mẹ, người vợ ấy đã âm thầm nuốt nước mắt vào trong khi tiến chồng, con ra đi vì nghĩa lớn; lặng lẽ hy sinh, trở thành hậu phương tiếp sức cho chiến trường. Hòa bình, nhưng chồng con đã “ra đi mãi mãi”, để “Những vết thương lòng/ Mẹ còn nặng mang”…
Trong tháng tri ân, chúng tôi đã về xóm 2, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn thăm mẹ Hồ Thị Tứ, mẹ của 2 liệt sỹ, người vừa được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ngày 11/6 vừa qua. Mẹ Hồ Thị Tứ năm nay đã gần 90 tuổi nhưng hãy còn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Bây giờ cuộc sống no đủ rồi, con cháu đề huề (10 cháu, 26 chắt) nhưng mẹ Tứ vẫn chưa vui. Bởi mẹ nhớ thương 2 đứa con liệt sỹ của mình là anh Lưu Phi Hường, Lưu Phi Vinh. “Thằng Hường thì đã tìm được, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện rồi. Còn thằng Vinh (em trai anh Hường) thì vẫn còn nằm lại đâu đó ở Quảng Trị”. Kể chuyện các anh, mắt mẹ buồn nhìn vào hư không, nhìn ra khoảng sân phơi trước nhà có ánh nắng cuối ngày nhảy nhót …
Ngày chưa xa. Anh Hường nhập ngũ lúc mới học xong lớp 7, tầm 16-17 tuổi, chân vẫn chưa bước qua khỏi ranh giới huyện nhà. Trước khí thế cả đất nước cùng vào trận đánh, anh Hường cùng các bạn học của mình đều ý thức rõ tư tưởng “tổ vỡ thì chẳng có trứng lành” nên đăng ký tham gia quân ngũ, lên đường ra trận. Mẹ Tứ thương con còn nhỏ dại, ngây thơ nên động viên: “Học xong đã rồi con đi, bố mẹ không cản”. Nhưng tất cả chẳng ngăn cản được quyết tâm vì đất nước, vì dân tộc của anh… Anh Hường đi đánh giặc được 3 năm thì đến lượt em trai thứ 3 Lưu Phi Vinh cũng tiếp bước khi vừa học xong lớp 7. Sợ bố mẹ ngăn cản, anh Vinh cùng bạn bè lén đi đăng ký. Ngày nhận được giấy báo, anh Vinh chỉ lẳng lặng: “Đất nước cần chúng con. Anh Hường đi được thì con cũng đi được, rồi nhanh chóng bước đi như sợ phải thấy dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mẹ.
Nhà đông con, quần quật đồng áng lo toan, mỗi khi rảnh tay nghĩ về hai con ngày đi còn nhỏ dại, mẹ Tứ lại rũ rượi như thân chuối sau bão, chẳng còn thiết tha việc gì… “Con trai của mẹ đều mất trong các trận đánh năm 1972. Thằng Hường thì hy sinh ở Long An, thằng Phi thì hy sinh ở Quảng Trị” – Giọt nước mắt hiếm hoi còn lại của mẹ lại chắt ứa ra từ đôi mắt nhuộm khói sương. Mẹ Tứ kể: “Năm 1997, có người bên Truông vào Long An cất bốc người thân thấy phần mộ của Hường nên báo về, gia đình đã vào đưa em nó về yên nghỉ, hương khói tại nghĩa trang liệt sỹ huyện. Còn mộ của Vinh giờ vẫn chưa tìm thấy, dẫu gia đình đã đi khắp các nghĩa trang của Quảng Trị. Không biết giờ con đã được quy tập về chưa, hay vẫn nằm trong rừng xanh, nước đỏ. Mẹ bây giờ đã già rồi, không sống được mấy nữa, nhưng cứ nghĩ đến Vinh là thấp thỏm không yên, thấy thương, thấy đau như ai lấy dao cắt vào thịt mình”… Lần này được Nhà nước tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Tứ có vui nhưng không mừng, bởi còn đó nỗi buồn trĩu nặng, nỗi chờ mong con đi mãi chưa về. Chiều nay lại như bao chiều trước, mẹ Tứ ngồi trong bóng chiều mênh mang, lẩm nhẩm hát ru con bài ví, dặm ngày xưa.
Cũng như bao nhiêu làng quê khác của Khu 4 cũ, xóm 2, xã Nam Anh những năm chiến tranh chỉ vài mươi nóc nhà nhưng có trên dưới 50 người từng tham gia quân đội, lực lượng thanh niên xung phong; trong đó, khoảng 20 người đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do của dân tộc, vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường. Chỉ tính riêng trong 11 người con của mẹ Hồ Phi Tứ thì đã có 5 người tham gia quân đội, 1 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong… Chỉ cách nhà mẹ Tứ mấy bước chân là nhà của mẹ Trần Thị Em. Mẹ Em là vợ của liệt sỹ Lưu Phi Tư, mẹ của liệt sỹ Lưu Phi Hòa. Thấy khách lạ đến chơi, thăm hỏi sức khỏe, mẹ Em cười tươi lắm. Trong nét cười vẫn in dấu lệ, mẹ kể chuyện chồng, con – nỗi buồn thương xen lẫn tự hào: “Rứa là cũng xa ông trên 40 năm rồi. Ông Tư giờ còn sống thì cũng được 80 rồi đó. Ông đi bộ đội thế là thành ra hai lần, lần một từ năm 1960 đến năm 1963, lần hai là từ năm 1965. Ông mất vào tháng 1/1968 tại Thị xã Nha Trang nhưng đến năm 1977 mới có giấy báo tử về”.
Nối tiếp bước cha, năm 1974, con trai mẹ Em là liệt sỹ Lưu Phi Hòa cũng lên đường vào Nam chiến đấu. Bước chân con lại theo bước chân cha. Trở về sau ngày thống nhất, anh Hòa là thương binh 1/4, tỷ lệ thương tật lớn với một mảnh đạn lớn nằm trong đầu. Thương mẹ già, anh Hòa vẫn đi về từ trại an dưỡng – Nam Anh. Năm 1987, anh Hòa đã ra đi mãi mãi sau khi thương tật biến chuyển xấu, để lại mẹ già, vợ dại cùng hai đứa con thơ… Mẹ Em khoe: “Hai đứa giờ đều đã trưởng thành, đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc cả. Hai đưa đều to cao, đẹp trai như ông và cha nó. Đứa thứ 2 cũng vừa về cưới vợ đó nhưng giờ lại đi rồi”… Mẹ đã sống trong cảnh mòn mỏi chờ chồng, đợi con suốt đời. Mẹ nhớ chồng, nhớ con nhưng có lẽ vì đã khóc quá nhiều nên bây giờ lệ đã cạn khô. Giờ thì mẹ Em bảo phải cố gắng sống tích cực lên: “Mẹ gắng gượng gồng gánh để nuôi con, nuôi cháu trưởng thành. Giờ cũng phải cố vui vẻ, lạc quan để con cháu yên tâm làm ăn công tác…”.
Mẹ cười nhưng trong sâu thẳm trái tim vẫn nhói những cơn đau – Phần mộ chồng vẫn chưa tìm thấy. “Có lẽ cũng phải chịu, chấp nhận là ông mãi mãi đi không về thôi. Lớp ông Tư đi 4, 5 người quanh đây đi cùng lúc giờ cũng chưa tìm được mộ”, mẹ Em thở dài. Việc mẹ Em thừa nhận sự thật sao mà cay đắng, đau đớn thế. Nhưng mẹ vẫn mong có một ngày tìm thấy mộ chồng...
Trên mảnh đất hình chữ S này, biết bao người mẹ, người vợ có con mình, chồng mình là liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, nơi những dòng nước mắt vẫn chưa nguôi. Mẹ Đặng Thị Hài ở xã Hưng Đông, Thành phố Vinh năm nay đã 102 tuổi hằng ngày vẫn ngồi trước cửa, ngóng về đường hun hút xa, chờ 2 con liệt sỹ Hoàng Văn Hiến, Hoàng Văn Vinh trở về; Mẹ Lưu Thị Linh – mẹ liệt sỹ Hồ Văn Nuôi, hy sinh ở trận bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 vẫn hàng ngày ra biển ngóng trông nơi con mẹ và các đồng đội đã hóa thành hải đảo, sóng nước Biển Đông; Mẹ Hoàng Thị Thìn – mẹ liệt sỹ Cao Đình Lương vẫn hàng ngày ngắm di ảnh của anh, ôm bộ quần áo anh mặc ngày xưa như muốn tìm kiếm hơi ấm đứa con thơ… Những người phụ nữ là mẹ, là vợ liệt sỹ mà chúng tôi đã gặp đều là những người mẹ, người vợ anh hùng. Những liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, tên tuổi chính là những nỗi đau chưa bao giờ nguôi.
Toàn tỉnh hiện vẫn còn gần 13.000 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được tên tuổi – Nỗi đau còn lớn hơn, gấp hàng trăm nghìn lần con số thống kê đó. Nếu có một lúc nào, có một ai đó vô tình hay cố tình quên đi công ơn những cha anh mình thì hãy nhớ rằng nỗi đau của những người mẹ, người vợ anh hùng còn chưa nguôi. Nước mắt của mẹ đã chảy dài như năm tháng chờ mong…
Bài, ảnh: Thanh Sơn