(Baonghean) - 3 ngôi nhà khuất trong những con hẻm phố Vinh chứa những số phận, những cuộc đời khác biệt. Thế nhưng, điểm gặp gỡ của họ là nỗi đau. Nỗi đau chiến tranh mang lại, nỗi đau không chỉ là những vết thương trên cơ thể, mà nhức nhối hơn thế, là những khát khao chưa bao giờ chạm tới. Nhưng, điều kỳ diệu mà họ mang lại cho cuộc đời này chính là họ biết “nén lòng để sống”, và để còn mang lại những niềm vui đến mọi người...
Mong con biết gọi tiếng người
Ngôi nhà của ông Nguyễn Khánh Nhã khuất trong con hẻm Khối Tân Vinh, phường Lê Mao. Tiếng là “khuất” thế chứ nhiều phen trở thành “tâm điểm” của sự chú ý bởi sự náo loạn của cậu con út. Trời mà nóng, thì cậu chàng lại càng đập phá, la hét tợn. Ông Nhã nói vậy, rồi dẫn tôi vào hành lang phía sau của căn nhà. Một cậu thanh niên to khỏe chừng hơn 30 tuổi, đang nằm sấp trên nền nhà, giữa lưng buộc một dây xích gắn vào với chấn song cửa sổ. Ông Nhã kể, thực ra con ông cũng có phòng riêng, được Hội Nạn nhận chất độc da cam Thành phố Vinh, các ban ngành, đoàn thể tài trợ, cùng với gia đình xây rất kiên cố. Nhưng dường như mỗi khi cánh cửa phòng khép lại là cậu ta lại chẳng thể chịu nổi, đành phải mang cậu ra ngoài thế này, xích lại...
Ông Nhã quê Hưng Khánh, Hưng Nguyên. Tháng 8 năm 1971, tròn 20 tuổi, ông háo hức lên đường nhập ngũ, biên chế vào đoàn huấn luyện 22 thuộc Quân khu 4. Đến tháng 11 năm đó, ông nhận nhiệm vụ “đi B”, bổ sung cho Trung đoàn 84, Sư 325 vào mặt trận B5 (Quảng Trị). Trung đoàn pháo binh của ông thường xuyên ở trong rừng. Ông nhớ, cả đơn vị mình ngày ấy uống nước suối của những cánh rừng trơ trọi lá do giặc Mỹ thả chất độc hóa học. Đến tháng 8 năm 1972, tại cao điểm 544 miền Tây Quảng Trị, ông Nhã bị thương sau một trận oanh tạc của B52. Điều trị ở Viện 43 ổn định, ông xin trở lại đơn vị chiến đấu. Ông đã tham gia 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, đến cuối năm 1974 đơn vị ông lại lên đường tham gia Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn, cho tới toàn thắng 1975, ông trở về quê hương với thương tật 35%. Lúc này, vì hoàn cảnh gia đình nên ông chuyển về Vinh sống, lấy vợ là nhân viên Cửa hàng ăn Bến Thủy. Lần lượt những đứa con ra đời: Nguyễn Khánh Thành (1976), Nguyễn Thị Vinh (1978), Nguyễn Thi Lan (1982), Nguyễn Khánh Sơn (1983). Không đứa con nào sinh ra được trọn vẹn. Thành và Lan thì bị tật nói ngọng, Vinh thì thiếu 2 ngón chân, còn Sơn nặng nhất thì câm điếc bẩm sinh, thêm bệnh về não nữa nên hầu như không nhận biết được gì. Đã hơn 20 năm, ông Nhã phải xích con lại bởi bỏ xích ra là Sơn chạy ra ngoài, khó mà tìm về được. Năm Sơn chừng 6, 7 tuổi, gia đình đã có 2 lần phải lên ti vi tìm trẻ lạc. Giữa đêm, Sơn đã bung cửa chạy ra. Một lần, người quen tìm thấy ở Cổng Thành, lần khác thì ra tới cầu Bến Thủy. “Thôi thì thương con, mong được nhìn thấy con mỗi ngày, đành phải xích cháu lại”- ông Nhã nói. “Tôi, cả quãng đời chiến đấu vào sinh ra tử nơi chiến trường, không biết run sợ, nhưng khi mình thấy yếu mềm, bật khóc là khi biết những đứa con mình sinh ra vẫn phải chịu nỗi đau từ chiến trường của bố chúng. Mỗi lần xích con lại là nước mắt chực trào. Nói thật là tôi đã từng mong, thằng Sơn biết nói tiếng người, vì từ nhỏ đến giờ nó chỉ biết la hét!”.
Giấc mơ những đứa trẻ
Nếu như ông Nhã lo cậu con út làm ầm ĩ cả nhà, cả khối phố thì ông Nguyễn Quang Hòa, bà Nguyễn Thị Niêm lại nhiều phen thắt lòng vì cái sự yên ắng, quạnh quẽ . Bao nhiêu năm, căn nhà của ông bà ở khối 4, phường Hà Huy Tập cũng chỉ vào, ra 2 bóng người. Đặc biệt, từ khi ông Hòa bị tai biến thì căn nhà càng trở nên buồn lặng.
Ký ức chiến trường thường trở về day dứt trong ông những khi ngồi chờ bà đi chợ, hay đi vận động bà con, đi họp khối phố. Ông nhớ năm 1961, mình mới là chàng trai 21 tuổi, quê Minh Sơn, Đô Lương nhận giấy gọi nhập ngũ biên chế vào Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Ông nhớ cái mái lán nilon nghiêng nghiêng, trên đó thứ hóa chất mà máy bay Mỹ rải có màu trắng đục rơi lộp độp như mưa rào. Ông nhớ, lần bị thương ở mặt trận B3 (Gia Lai - Kon Tum), bị mảnh bom găm vào đầu và chân tay, phải vào trạm phẫu rồi chuyển ra tuyến sau. Lần ấy, ông chịu thương tật tới 51%. Đi an dưỡng tại Hà Nam, ông đã gặp người con gái cùng xóm, để rồi sau này duyên phận đã gắn chặt họ lại với nhau. Sau đó, ông lại vào chiến trường Đường 9- Nam Lào.Tranh thủ đợt phép năm 1974, ông làm một đám cưới đơn sơ. Cưới ông, khi bà biết ông đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Cưới ông, vì bà nghĩ “thương anh bộ đội”, nhìn lại thì nhà mình cũng rất nhiều người là bộ đội. 2 lần có thai, là 2 lần bà mừng vui để rồi chết điếng. Những đứa con không mang hình hài của con người và chúng cũng chẳng ở lại với ông bà. Cả ông và bà đều biết, mình không thể có được những đứa con bình thường, và nếu cố gắng sinh ra cũng chỉ làm chúng khổ cả đời. Vì vậy, họ đã nắm lấy tay nhau, mà an ủi: “Thôi thì có anh và em, cùng nhau đi qua ngày tháng”.
Thèm lắm chứ tiếng con thơ, nhưng mỗi lúc đêm về, họ lại cắn chặt những tiếng nấc nghẹn để đỡ làm đau lòng nhau. Cái tết năm 2002 là cái tết đáng nhớ nhất của cuộc đời bà Niêm, khi mà bà đã phải vật lộn cùng nỗi sống chết của ông trong cơn tai biến. Thế rồi, sau đó là hành trình dài chiến đấu cùng bệnh tật. Hơn 1 năm ông nằm một chỗ, ai bày thuốc gì bà cũng lặn lội đi tìm. Rồi bà quả quyết phải cứu ông bằng khoa học, bằng sự kiên trì. Bà về làm ròng rọc quanh giường, chăng dây, nối cây quanh nhà để dìu ông tập đi. Không ai ngờ, cái con người bé nhỏ, mảnh mai là bà mà vực dậy được cả thân hình to lớn của ông. Bây giờ thì ông đã ngồi được xe lăn. Luôn là bà ở phía sau để làm đôi chân cho ông vào nhà, ra ngõ. Bà nói, đôi lúc gặp tiếng ông thở dài, bà biết, ông cũng như bà, đang nghĩ rằng: giá mà có một đứa con, cuộc đời họ sẽ được an ủi biết mấy...
Giá như có một mái ấm
Trong căn nhà mới còn thơm mùi vôi, vừa được bàn giao sáng nay (23/7), bà Nguyễn Thị Thành (phường Hưng Dũng), không giấu được niềm vui. Bao nhiêu năm cô quạnh trong căn nhà xập xệ, mỗi lần mưa xuống là trắng đêm chăng bạt, hứng mưa, mỗi lần nghe bão gió về là sang hàng xóm ngủ nhờ, đến nay bà đã có nhà mới được nhiều đoàn thể chung tay, góp sức dựng lên. Thế nhưng, vẫn có những giọt nước mắt tủi phận rơi xuống, khi bà đối diện với bóng mình trong bức tường mới ấy. Bà đã có một mái nhà vững chãi, nhưng chưa bao giờ có được một mái ấm đúng nghĩa...
Năm còn bé xíu, cô bé Thành (xóm 2, Đặng Sơn, Đô Lương) đã mất mẹ, phải sống cùng bà nội. Năm lên 7, cô bé lại mất bà về sống với bố và dì. Lên 17 tuổi, cô gái trẻ trung, xinh đẹp ấy đã giơ cánh tay mình xung phong ra chiến trường trong một buổi họp Đoàn. Cô về nói với cha: ‘Con xung phong đi bộ đội cha ạ”. Ông bố trầm ngâm: “Mi định đi thật sao?”. Cô quả quyết: “Dạ, chí con đã quyết”.
Nguyễn Thị Thành được biên chế vào C33 D2 BT18, công việc là chuyển cáng thương binh, hậu cần. Tại chiến trường Lào, cô đã gặp một anh bộ đội người Thanh Chương (vốn là sinh viên Y khoa) ở đoàn nghiệp dư phục vụ văn nghệ cho các đơn vị. 17 tuổi, trái tim cô gái đã trao gửi cho người con trai ấy với lời hẹn: “Chúng ta sẽ lấy nhau khi đất nước hết chiến tranh. Khi ấy, cả anh và em lại cùng đi học”.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, Đoàn nghiệp dư giải tán, anh lính theo đơn vị mới chiến đấu ở Quảng Trị. Từ đó, Nguyễn Thị Thành bặt tin ngươi yêu. Những đợi chờ vô vọng được cô tự an ủi, chắc anh ấy mải chiến đấu không có thời gian viết thư? Thế rồi, cả đến khi hòa bình đã lập lại, cô về quê và mỗi ngày lại mong mỏi từ phía đường xa kia, anh ấy sẽ tìm về... Đến năm 1978, cô mạnh dạn viết một mảnh thư về quê anh, và khi nhận được lá thư trả lời từ anh trai của người yêu, tim cô như vỡ vụn; Anh ấy đã hy sinh ngay trên dòng Thạch Hãn năm 1973, nghĩa là khi vừa mới chia tay cô để vào trong đó!
Cho đến giờ, bà Thành vẫn nhớ từng dòng nhật ký được người yêu viết trong sổ tay mình, nhớ lời họ hẹn thề, nhớ mình đã sụp đổ đến mức không còn thiết sống khi hay tin người ấy hy sinh. Khi đó, bà đã được chuyển về làm tạp vụ tại Sở Giáo dục Nghệ An. Thế là bao nhiêu năm, bà chọn cuộc sống một mình, vì hai lẽ: nỗi đau mất người yêu quá lớn, và một lẽ nữa là bà biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam sau những tháng ngày dùng nước suối trong cánh rừng bị rải chất độc. Thời gần 40 tuổi, có người đã làm mối cho bà một người đàn ông góa vợ, lúc này bà đã chuyển về làm công tác thư viện tại Trường Hưng Dũng. Nhưng bất hạnh thay, niềm mong mỏi được có một nơi mà nương tựa khi xế bóng đã tan thành mây khói bởi một tai nạn, ông đã ra đi khi họ vừa làm đám cưới vừa 2 tháng...
Bà Thành thường ngồi với những bức tường trống, nhìn lên bóng mình với nỗi buồn không cất thành lời.
Lời kết
Thế nhưng, bà Thành, ông Nhã, cả ông Hòa, bà Niêm đã cho tôi thấy, nỗi buồn không làm họ mất đi niềm tin, ý chí. Bà Thành nói “Phải tự làm vui mình, để sống”, với ông Nhã là: “Mình phải vươn lên làm chỗ dựa cho vợ con chứ”, còn ông Hòa, bà Niêm thì cùng nắm tay nhau mà nói “sẽ cùng nhau đi đến những ngày cuối cùng”. Ông Nhã còn tích cực tham gia công tác xã hội, làm trưởng ban liên lạc trung đoàn và nhờ vậy ông biết được hoàn cảnh nhiều đồng đội. “Nhiều đồng đội còn khó khăn gấp ngàn lần mình”, ông nói. Bà Niêm, thì ngoài nhiệm vụ chăm chồng còn là một tổ trưởng dân phố mẫu mực 14 năm liền, rồi kiêm cả chi hội trưởng phụ nữ, chi hội khuyến học... Biết là những khát khao giản dị, cả một đời không thể nào chạm tới, nhưng mình vẫn phải sống tốt, sống có ích và biết ơn cuộc đời. Cuộc đời mà chính mình, đồng đội đã góp phần gây dựng nên hôm nay. Ấy chính là tâm sự chung của những con người tưởng chừng bất hạnh mà tôi đã gặp tận sâu trong những hẻm phố.
Bài, ảnh: Thùy Vinh