(Baonghean) Qua sách báo, tôi biết Trung tá Đặng Văn Việt (SN 1920), quê làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng bào Cao-Bắc-Lạng vinh phong gọi ông là "Đệ tứ lộ đại vương", quan quân Pháp gọi ông là "Hùm xám Đường số 4", ông nổi tiếng cầm quân trăm trận trăm thắng, tỷ lệ thắng trận rất cao, tỷ lệ thương vong cho cả đôi bên rất thấp. Cụ Việt là "vàng ròng" được trui rèn trong lửa cứu nước.
Mọi thứ qua đi chỉ tình người đọng lại. Khi biết tin đoàn con cháu tháp tùng cụ Việt cùng hai người em gái 87 và 77 tuổi, về quê làm nghĩa vụ hương khói, tôi nhập đoàn để được vài giờ hầu chuyện.
- Em đã đọc nhiều trận mạc của bác rồi, giờ bác kể chuyện tình của thời "Anh đi bộ đội sao trên mũ"?. Tình yêu lứa đôi của chiến sỹ Vệ quốc đoàn đẫm chất bi hùng trong "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, "Núi Đôi" của Vũ Cao, sau nữa là "Quê hương" của Giang Nam, liệu tình yêu của bác Việt có thế không?
Cụ Việt trải lòng, cụ tán thành quy luật mọi cuộc chiến dần bị phủ lấp dưới tro bụi thời gian, chỉ còn tình thương con người với con người là tồn tại với đời, cuộc gặp này gác lại chuyện "oánh nhau" để tập trung vào chuyện tình của lính. Nhưng tình yêu đi vào thi ca thì to tát - cụ Việt chậm rãi-trong khi tình yêu ngoài đời mất mát hy sinh thì lặng lẽ âm thầm đến khó hiểu. Đời tôi có nhiều cái tôi cũng không nghĩ đến, có những việc tôi làm được mà cũng không biết vì sao mình làm được, riêng về hạnh phúc lứa đôi, cho đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình bị mất vĩnh viễn dù đã cầm nó trong tay? Đúng là "Núi vẫn đôi mà anh mất em"!
Năm 1943, đang là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, anh Việt tham gia phong trào sinh viên cứu quốc. Đêm mồng 9/3/1945, thình lình Nhật hất cẳng Pháp, Trường Y đóng cửa, anh trở về quê tham gia phong trào Thanh niên tiền tuyến của Luật sư Phan Anh, sau đó được chọn vào Huế học lớp đào tạo kiến thức vở lòng về quân sự.
Theo học lớp quân sự gần 1 tháng, chưa kịp tốt nghiệp thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Ngày 21/8/1945, Huế chưa khởi nghĩa, anh Việt cùng một người nữa đã nhận nhiệm vụ lên kỳ đài treo cờ đỏ sao vàng của Chính phủ Cụ Hồ, thay cho cờ tam tài của chính quyền Bảo Đại. Mấy hôm sau trong buổi Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Cụ Hồ, anh nghe viên chỉ huy đội cận vệ Hoàng gia kể lại, ngày 21/8, khi anh và đồng đội đang trên kỳ đài treo cờ đỏ sao vàng, nhóm lính Hoàng gia từ nơi mai phục đã sΩn sàng nổ súng tiêu diệt hai anh, cũng may Bảo Đại kịp phát hiện ngăn lại, nếu không thì...
Nước Việt Nam mới ra đời, anh Việt gia nhập Vệ quốc đoàn. Vừa làm lính được chừng 3 tiếng đồng hồ thì trên giao cho anh chỉ huy Trung đội chiến đấu, rồi chỉ huy Đại đội, rồi ít lâu sau giao làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Trung Bộ. Đang trai trẻ, để rảnh rang thực hiện chí hướng hoạt động cách mạng, anh không muốn yêu sớm, song tình yêu là lĩnh vực của con tim nên không thể định trước điều gì!
Từ chỗ là bạn học cùng Trường Đồng Khánh (Huế) với em gái Đặng Thị Tâm, cô Lan Huê người Huế, con ông Thượng thư triều đình Huế, chủ động đi lại với bạn Tâm, với gia đình bố mẹ anh Việt tại làng Nho Lâm. Những lần anh chưa vợ chị chưa chồng gặp nhau để đôi mắt nói nhiều hơn miệng, và "tự nhiên yêu nhau lúc nào không biết". Năm 1946, bấy giờ anh Việt đang dạy Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, đôi bên gia đình các cụ tổ chức đám cưới cho cặp trai tài gái sắc. Được tranh thủ về nhà cưới vợ, vừa cưới xong cấp trên điện anh ra Hà Nội gấp nhận nhiệm vụ mới, vậy là chú rể ba lô lộn ngược trở lại đơn vị mà không kịp có đêm tân hôn với nàng dâu tuổi mới 20.
Trước đó ít hôm, cô Đặng Thị Tâm-em gái anh Việt vừa về làm dâu nhà chồng tại làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương. Cưới vợ hôm trước, hôm sau bác sỹ Nguyễn Tài Chất (bạn thân của anh Việt) phải trở ra Quân y viện Hà Nội, cô Tâm ở lại làm dâu được 2 ngày thì cụ Tài Đức bảo:
- Đốc tờ Chất mới ra trường, lúc này công việc nặng gánh lắm, con nên ra Hà Nội chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng, ở nhà bố mẹ đã có anh em họ hàng giúp đỡ.
Chỉ 2 ngày ở với bố mẹ chồng tại quê chồng, cô Tâm đành khăn gói ra Hà Nội. Trước khi rời quê Nghệ, cô về làng Nho Lâm, ở lại nhà với bố mẹ đẻ 1 tuần vừa để động viên bạn gái Lan Huê giờ đã thành chị dâu lẻ bóng. Nhưng cô Tâm vừa ra đi hôm trước, hôm sau cô Lan Huê xin phép bố mẹ chồng về thăm bố mẹ đẻ ở Huế và không một lần trở lại. Đến nay "cô" Tâm đã 87 tuổi vẫn không hiểu nổi vì sao người bạn thân là chị dâu của mình bỏ nhà đi?
Anh Việt đang chỉ huy đơn vị chiến đấu ở xa, anh không biết tại quê làng Nho Lâm, cả dòng họ Đặng đang trút hờn giận lên đầu anh về việc, từ thuở khởi dòng họ Đặng Nho Lâm đến giờ, cả dòng họ danh giá này lần đầu mới bị một nàng dâu tự ý bỏ nhà đi mà không nói lại câu gì.
Rồi toàn quốc kháng chiến, anh Việt lần lượt được giao chỉ huy các mặt trận đường 9 Nam Lào, đường 7 Nghệ An, đường 6 Hòa Bình-Sơn La, rồi về Ban tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 7/1947, đoàn trưởng Trung đoàn 174 (1 trong 4 Trung đoàn đầu tiên của QĐNDVN), tham chiến đường số 4 Cao-Bắc-Lạng. Năm ấy, anh 27 tuổi, làm chỉ huy trưởng mặt trận đường số 4. Điều kiện hoàn cảnh người lính qua hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hầu hết thời gian anh có mặt trên chiến trường trực tiếp đương đầu với quân đội Pháp thiện chiến, không còn thời gian cho riêng mình, mãi nhiều tháng sau mới biết "tự dưng mình mất vợ"!
Nếu như ban đầu cô Lan Huê không yêu chàng sinh viên dòng họ Đặng danh gia vọng tộc thì là một nhẽ, đằng này cô ấy yêu quyết liệt như thế, cớ sao lại dễ dàng bỏ đi? Nếu từ đầu biết cô ấy không yêu mình thì anh Việt chẳng để cho gia đình phải lo hỏi lo cưới. Sau cú "ngã ngựa" kinh hoàng, "Đệ tứ lộ đại vương" ủy nhiệm gia đình tìm hiểu giới thiệu cho một người.
May nhờ cô em là Đặng Thị Hồng Vân làm việc ở Trường Quân dược, tìm hiểu giới thiệu cho anh người bạn tên là Nguyễn Thị Huyền. Cô Huyền hết Tú tài thi đậu Đại học Y khoa, tốt nghiệp dược sỹ cao cấp. Gặp nhau trong chiến tranh, anh may mắn có được người vợ hết lòng thương yêu chung thủy. Sau hòa bình 1954, cô Huyền làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm của Bộ Y tế. Vợ chồng sinh được hai người con, gái đầu là kiến trúc sư, trai thứ hai là kỹ sư xây dựng. Năm 1999, bà Huyền mất vì bệnh...
Cũng sau ngày hòa bình lập lại, cô Lan Huê lấy chồng làm Thứ trưởng Bộ Lương thực và có 2 con gái. Mấy lần họp bạn bè đồng hương xứ Huế tại Hà Nội, anh Việt có gặp cô Huê, cả hai chuyện trò bình thường và cố tình quên đi chuyện cũ buồn đau. Bà Lan Huê mất cách nay vài năm.
Đã ở tuổi 93, "Đệ tứ lộ đại vương" vẫn chưa hết ngạc nhiên, ông nhìn tôi và hỏi:
- Không hiểu sao ngày ấy, cô Lan Huê lại bỏ nhà đi?
Trời đất ạ, cũng vì ngồi cạnh cụ "Đệ tứ lộ" còn có 2 người em gái là cụ Đặng Thị Tâm (87 tuổi), cụ Đặng Thị Dung (77 tuổi), và mấy cô cháu gái đang tuổi "bẻ gãy sừng trâu", nên tôi ngấm ngầm gửi tới cụ "Đệ tứ lộ" cái điều mà ai cũng hiểu: Thưa "cụ khốt", với một thiếu nữ mới 20 tuổi về nhà chồng, điều thiêng liêng nhất là được quyền tận hưởng đêm tân hôn. Đằng này, vừa cưới xong, cụ đã quất ngựa truy phong. Cô ấy nán lại nhà chồng một tuần, rồi dứt áo ra đi để không bị hóa đá "vọng phu", âu cũng là lẽ thường!