“Có gì đâu, bố mẹ cứ bình tĩnh!"
Ở tuổi 21, độ tuổi đẹp nhất của đời người với bao hoài bão và ước mơ nhưng với Vân Anh, mọi thứ đã có lúc như sụp đổ hoàn toàn dưới chân khi bác sĩ thông báo cô bị ung thư máu (Lơ-xê-mi cấp dòng tủy thể M2).
Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, cô gái trẻ quê Thái Bình sẽ tốt nghiệp ĐH Ngoại thương ngành Quản trị kinh doanh, khoác lên mình tấm áo cử nhân, sẽ đi làm để nuôi em trai và có chân trời rộng mở phía trước. Ngỡ mọi thứ đã trong tầm tay vậy mà trong giây lát... vụn vỡ.
Vân Anh kể, vài tháng gần đây, sức khỏe không được tốt, hay mệt, tim đập nhanh, răng bắt đầu chảy máu, mỗi khi trở trời hay đau buốt xương khớp. Cô cũng thấy mái tóc ngang vai của mình xơ hơn, mẹ Vân Anh khi nghe con gái phàn nàn đã tự tay cắt cho con kiểu tóc Mỹ Linh vào dịp đầu tháng 8.
2 ngày sau, Vân Anh sốt cao liên tiếp 3-4 ngày, sau uống thuốc có đỡ nhưng rồi lại sốt lại. Bố mẹ đưa Vân Anh đến BV đa khoa tỉnh Thái Bình điều trị.
“Nằm lại BV, em thấy bác sĩ truyền máu, truyền dịch nên nghĩ mình thiếu máu thôi. Sau thấy đầu bị giật liên hồi không thể đi được, được chuyển lên Viện Huyết học – Truyền máu TƯ. Khi đó em chỉ kịp nhìn trong bệnh án có chữ Lơ-xê-mi nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là tên một bệnh gì đó, không nghĩ là ung thư máu”, Vân Anh nhớ lại.
Khi nằm phòng chờ, cô gái trẻ bắt đầu hoang mang khi mọi người xung quanh nói đây là tầng dành cho bệnh nhân máu trắng. Mọi thứ rõ ràng hơn khi bác sĩ đưa đơn thuốc, Vân Anh tự tra thì biết đây là các thuốc ức chế tế bào ung thư.
Cầm kết quả trên tay, bố mẹ Vân Anh như ngã quỵ, khóc không thể dừng. Cô Phạm Thị Nhung, mẹ Vân Anh kể, lần đầu tiên thấy chồng khóc nhiều như thế, cả 2 như không thể đứng vững khi nghĩ một ngày không xa, cô con gái bé nhỏ sẽ rời xa vòng tay của mình.
Gạt nước mắt, cô Nhung đến sát con gái nói khẽ: “Mẹ không định giấu con vì đằng nào con cũng biết”, rồi bật khóc nức nở. Khi hay tin, Vân Anh lặng thinh, không một giọt nước mắt, tai ù đi, đầu trống rỗng, gương mặt không cảm xúc.
“Sau đó em chạy vào nhà vệ sinh khóc nức nở, nhìn mình trong gương và bàng hoàng vô cùng. Muôn vàn câu hỏi tại sao ập đến. Tại sao căn bệnh ấy lại đến với mình. Nghĩ một ngày nào đó mình không còn nữa, bố mẹ sẽ đau lòng thế nào”, Vân Anh vừa nói vừa nhìn theo dáng mẹ ngoài hành lang.
Mẹ Vân Anh kể, ngay ngày đầu tiên ở BV, Vân Anh đã rất sốc khi chứng kiến 2 người cùng phòng tử vong nhưng sau đó cô con gái nhỏ cứng cỏi đến kinh ngạc. Giọng mạnh mẽ, Vân Anh nói với mẹ: “Có gì đâu, bố mẹ cứ bình tĩnh thôi!", cô gái trẻ chấp nhận sự thật.
Bố mẹ Vân Anh từng khóc nhiều ngày liên tục, không ăn được nhưng khi nghe con gái nói vậy cũng vui vẻ dần lên để con thêm vững vàng.
Ngày 20/8, sau 6 ngày chuyển tuyến, Vân Anh bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên. Mẹ Vân Anh kể, trước ngày truyền hóa chất, con gái vẫn vui vẻ, tươi cười, hễ ai đến thăm vẫn điệu đà soi gương, chải tóc, tô son.
Nhưng rồi tác dụng phụ của hóa chất khiến Vân Anh sốt cao liên tục 39,5 độ, đau dạ dày, nôn nhiều, mặt mọc nhiều mụn và tóc bắt đầu rụng.
Hãy yêu thương nhiều hơn, dừng cắm đầu vào điện thoại
Bác sĩ nói sau đợt điều trị hóa chất đầu tiên, Vân Anh sẽ còn phải nằm tại BV theo dõi thêm 2-3 tuần nữa xem khả năng đáp ứng ra sao. Nếu không hợp sẽ phải đổi phác đồ.
Trên giường bệnh, cô gái trẻ có gầy đi nhưng ánh mắt vẫn tươi vui, thỉnh thoảng ngó nhìn ra khoảng trời xanh trước ban công mỉm cười.
Vân Anh kể, từ khi biết cô bị bệnh, rất đông thầy cô và bạn bè trong trường hỏi thăm cô, người tặng quà, người tặng sách, trong đó có rất nhiều cuốn về kinh phật. “Dù đôi chỗ em không hiểu hết cặn kẽ nhưng đọc xong thấy mọi thứ nhẹ nhàng, thanh thản hơn”.
Vân Anh thú nhận, dù đã chuẩn bị tinh thần chấp nhận nhưng vẫn không thể lạc quan mọi lúc, những ý nghĩ tiêu cực đôi lúc lại trỗi dậy, những khi ấy cô lại nghe nhạc, đọc sách, nói chuyện với mọi người cho quên đi.
Xung quanh cô đang có hơn 500 bệnh nhân cũng đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư máu, cũng lả đi với những cơn sốt cao liên hồi, tay thâm tím vì những mũi tiêm, truyền... nhưng trong số đó, rất nhiều người vẫn rất lạc quan.
Vân Anh kể có quen một bệnh nhân mới 19 tuổi và biết một chị 26 tuổi đã hóa trị 7-8 lần nhưng chị ấy rất thản nhiên: "Bệnh này bình thường thôi, chữa bệnh xong rồi lại ra viện, chị vẫn đi làm bình thường mà, khỏe re".
Ngoài những lúc mệt mỏi vì tác dụng phụ, hễ khi khỏe, nhiều bệnh nhân lại rủ nhau ra hành lang hát karaoke.
Có chị trước khi rời viện, tỉ mỉ bôi kem chống nắng, trang điểm, tô son, đội tóc giả rất xinh. Khi thấy Vân Anh chăm chú nhìn, chị quay lại nhoẻn miệng cười: “Bị bệnh cũng phải lạc quan đúng không em!”.
Vân Anh bảo những ngày đầu khi hay tin sét đánh, nhìn những hình ảnh nghị lực như vậy thấy lòng bình yên lại, bớt hoang mang hơn.
Những ngày ở viện cũng là lúc khiến Vân Anh nhớ quay quắt những khoảng thời gian hạnh phúc trước đây, về người chị gái, về 2 cô bạn thân, nhớ những khoảng khó khăn của cả gia đình, nhớ những ngày đi làm tình nguyện...
Đó là động lực để Vân Anh viết lên tâm sự tự lòng mình về những ước mơ còn dang dở và mong muốn những người trẻ hãy đọc nó và soi lại chính mình, đừng lãng phí thanh xuân, sống nhiệt tâm và có ích hơn.
Bức thư này được Vân Anh viết trong một group kín có tên phòng thú tội, sau đó được lan truyền mạnh mẽ.
“Bạn thấy đấy, sinh mệnh vốn rất mỏng manh, mặc dù bệnh của mình là bệnh không có nguyên nhân nhưng mình vẫn mong các bạn hãy sống một cuộc sống thật lành mạnh, hãy tập thể lực, ăn uống thật điều độ và đừng thức khuya nữa, đừng để như mình đến bây giờ ngồi nhìn bầu trời ngoài kia thấy nó xa vời quá, chỉ muốn trở lại 1 cuộc sống bình thường mà mãi mãi không bao giờ có nữa”, Vân Anh viết.
Cô cũng mong muốn tất cả mọi người hãy trân trọng từng khoảnh khắc mình đang sống, sống thực chứ không phải tồn tại, hãy giữ sức khỏe vì cô từng có vài năm liên tiếp đi ngủ lúc 2-3h sáng.
“Ngày nào em cũng tự nhắc mình đi ngủ sớm nhưng không làm được, sau khi học xong bài em sẽ cầm đến điện thoại và lướt web, mạng xã hội. Sau này khi bị bệnh, em mới thấy điện thoại ngốn thời gian của chúng ta nhiều quá. Ngay trong bệnh viện này, nhiều người đến chăm sóc người thân cũng cắm mặt vào điện thoại rồi bạn bè gặp nhau thay vì nói chuyện cũng mỗi người cầm một điện thoại, mải mê chat, không ai còn nói chuyện với ai”, cô gái trẻ đúc rút.
Cô cũng hy vọng những người trẻ, ngoài thời gian học hãy tham gia những hoạt động có ích cho xã hội, để đến một ngày có chuyện không hay, tình cảm của mọi người sẽ giúp bù đắp cho chính mình.
Có lẽ vì vậy, giờ Vân Anh ít nghe điện thoại hơn. Nhiều cuộc điện thoại gọi đến nhưng cô từ chối nghe.
Với những bệnh nhân không may mắc ung thư, cô mong mọi người sẽ sống lạc quan hơn, chấp nhận và chiến đấu đến cùng. Hãy đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện với những người mình thương yêu nhiều hơn!
Khi nhắc đến bản thân mình, Vân Anh thoáng nhìn xa xăm nói: “Em chưa hình dung mình lúc rụng tóc trông sẽ thế nào nhưng có lẽ em sẽ chuẩn bị một bộ tóc giả cho riêng mình. Các chị ở phòng 723 đều đội tóc giả rất xinh, tự trang điểm, khi đi ra ngoài không ai nhận ra đó là bệnh nhân ung thư cả.