Tìm niềm vui khi học Ngoại ngữ

Nguyễn Kiều Dung là học sinh duy nhất của Nghệ An đạt điểm 10Ngoại ngữ là môn tiếng Trung. Và em cũng là một trong ít thí sinh chọn tiếng Trung làm điểm công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa được tổ chức, Dung được thi ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - ngôi trường em theo học 3 năm THPT. Nhưng vì là thí sinh khá đặc biệt nên phòng thi của Dung có cả những thí sinh tự do đăng ký ở cả ba môn thi là tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc và tiếng Trung Quốc.

Nhớ lại cảm giác thi môn Ngoại ngữ trong một phòng thi khá “lạ” này, Dung chia sẻ: Chúng em khá vui bởi trong một phòng thi mà có nhiều môn ngoại ngữ khác nhau. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị của em ở kỳ thi năm nay.

bna_image_3434379_2772021.jpegChủ nhân điểm 10 môn tiếng Trung chỉ mới làm quen với tiếng Trung từ năm học lớp 11. Ảnh: NVCC.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Dung học lớp 12D4 và là lớp theo định hướng khối D (Ngữ văn - Toán - Anh). Cá nhân Dung từ khi còn học THCS và sau này lên THPT em học tiếng Anh khá tốt và Dung cũng từng xác định sẽ chọn tiếng Anh để đăng ký thi xét tuyển vào đại học. Vì có năng khiếu về Ngoại ngữ, năm lớp 11, bố của em “gợi ý” em nên học thêm một ngoại ngữ khác và Dung đã chọn tiếng Trung với suy nghĩ ban đầu chỉ là học “để biết”, “để vui”.

Ở thành phố Vinh, những người theo học tiếng Trung không nhiều và không dễ để tìm một lớp học tiếng Trung dành cho đối tượng học sinh đang học phổ thông. Sau đó, qua tìm hiểu em biết đến một lớp tiếng Trung - chủ yếu dành cho đối tượng người lao động hoặc những người đang có ý định đi du học hoặc làm việc ở Trung Quốc và em đăng ký theo học... Những bài học tiếng Trung đầu tiên của Dung là ở lớp học này. "Khi mới làm quen với tiếng Trung em thực sự khó khăn vì khác nhiều so với học môn tiếng Anh. Trong đó, khó khăn nhất là phải phát âm chuẩn và nhớ cách viết chữ" - Dung nhớ lại.

Mặc dù gia đình Dung không có ai theo ngoại ngữ nhưng Dung là một có bé ưa thử thách. (Trong ảnh: Dung chụp cùng với mẹ của mình trong năm học lớp 12). Ảnh: NVCC

Từ khi học tiếng Trung, ngoài hoàn thành bài tập trên lớp, mỗi ngày Dung đều cố gắng dành thời gian để luyện tập, tự nói chuyện một mình và luyện thêm từ mới. Cách học của Dung cũng khá đa dạng, ví dụ để nhớ từ mới “em dựa theo logic tiếng để nhớ các bộ thủ và phân biệt bằng cách học những tiếng có chung các nét ghép hoặc có các nghĩa liên quan với nhau".

 Học tiếng Trung, Dung cũng phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về phong tục, văn hóa và tìm hiểu thêm nhiều bộ phim, nhiều tác phẩm văn học của Trung Quốc. Thử thách lớn nhất của Dung khi làm quen với môn học này đó là nhớ nghĩa của từ bởi “cách phát âm, cách sắp xếp câu từ đặc biệt hơn tiếng Anh".

Hơn thế, một từ tiếng Trung có thể có 3 nghĩa nên việc  xác định nghĩa của từ sao cho phù hợp từng bối cảnh là rất quan trọng”.

Thử thách cá nhân

Với niềm yêu thích tiếng Trung, Dung bền bỉ theo đuổi môn học này cho đến năm học lớp 12. Tuy nhiên, cũng phải đầu học kỳ II của lớp 12, Dung mới quyết định chọn tiếng Trung làm môn thi của mình tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đưa ra quyết định này vào 6 tháng trước, Dung cũng khá liều lĩnh bởi ngoài vốn tiếng Trung mà em chỉ học “hay hay” thì việc học để biết và học để thi là hoàn toàn khác biệt.

Từ khi đưa ra lựa chọn này, Dung cũng đã thay đổi cách học. Lúc này em cũng quyết định nghỉ học ở trung tâm và chuyển sang hình thức tự học vì em cho rằng, điều đó phù hợp hơn với mục tiêu của mình. Để bổ sung lượng kiến thức thiếu hụt, Dung tìm kiếm các thông tin trên mạng xã hội, vào một số nhóm online để tìm hiểu về các đề thi tiếng Trung trong các năm học trước. Do lượng kiến thức nhiều và khá nặng nên Dung luyện đề rất nhiều, “thậm chí có nhiều đêm Dung thức đến sáng để làm bài”.

Mục tiêu của Dung là đậu đại học nguyện vọng 1. Ảnh: NVCC

Khó khăn lúc bấy giờ là Dung gần như không có giáo viên hướng dẫn. Tất cả những đề Dung đã làm, em tự tra đáp án, tự chấm và tự đưa ra kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên, vì tiếng Trung không có nhiều thí sinh lựa chọn và đây cũng không phải là ngoại ngữ phổ biến nên nguồn tài liệu để học và nguồn đề để ôn thi không nhiều. Để khắc phục hạn chế này, có những đề Dung làm đi làm lại rất nhiều lần, thậm chí là thuộc làu.

Trước khi làm hồ sơ, Dung đã mạnh dạn đăng ký thi tiếng Trung và em có chứng chỉ tiếng Trung HSK5. Đây cũng là một kết quả khá tốt và em xem là một đợt tập dượt để kiểm tra năng lực của mình. Sau cuộc thi này, Dung đã mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Ngôn ngữ tiếng Trung - Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Từ khi đặt mục tiêu cho mình, Dung cũng học hiệu quả hơn bởi em có động lực để phấn đấu. Tuy vậy, khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trước tính chất quan trọng của kỳ thi này Dung khá hồi hộp và lo lắng. Đó cũng là lý do khi nhận đề và đọc đề, Dung tập trung toàn bộ cho bài thi của mình và chỉ mất 30 phút để hoàn thành môn Ngoại ngữ. Kể thêm về điều này, Dung chia sẻ: Em làm xong bài rất nhanh nhưng điều đó cũng khiến em lo ngại và cứ tự hỏi không biết mình làm có đúng hay không. 30 phút còn lại, em đọc kỹ từng câu hỏi, rà lại từng đáp án và không sửa một lỗi nào. Thi xong, sau khi đọc lại đáp án của Bộ công bố em khá vui vì nghĩ mình làm đúng hết. Thế nhưng, biết tin mình được điểm 10 em vẫn rất bất ngờ và hạnh phúc.

Ở lớp 12D4, ngoài Dung, một nữ sinh khác là Nguyễn Vân Đan (bên trái) cũng chọn tiếng Trung để thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Nữ sinh này cũng dành được 9,8 điểm môn tiếng Trung và có kết quả thi khá tốt, trên 27 điểm. Ảnh: NVCC

Cùng với điểm Ngoại ngữ 10, hai môn thi còn lại của Dung cũng khá cao, trong đó Ngữ văn em được 9 điểm và Toán em được 8,6 điểm. Với 27,85 điểm, con đường để Dung trúng tuyển NV1 vào Trường Đại học Ngoại ngữ cũng rất gần và Dung tin rằng, bằng tình yêu với Ngoại ngữ, bằng quyết tâm của mình em sẽ có thêm nhiều thành quả ở giảng đường đại học. Cô bé với điểm 10 duy nhất của xứ Nghệ cũng mong sẽ trở thành một phiên dịch viên tương lai và sẽ được làm công việc mình yêu thích tại chính quê hương mình.