Khát vọng giảng đường đại học
Hơn 3 năm trước, khi biết tin thi trượt Trường THPT Hoàng Mai, Nguyễn Bá Nhật, nhà ở xóm 5, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai đã từng nghĩ tới việc bỏ học, đi làm ăn xa. Nhưng rồi được thầy cô giáo giới thiệu, nam sinh này đã quyết định vào Vinh, đăng ký vào học ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam theo diện học sinh phân luồng. Vào học ở đây, hàng ngày, buổi sáng Nhật cùng các bạn học văn hóa. Chiều về, Nhật lại theo học lớp học nghề nấu ăn…
Khóa học vừa qua, Nhật cũng là một học sinh học khá, giỏi ở lớp và người phát hiện được năng lực, tố chất của Nhật chính là cô giáo chủ nhiệm. Biết Nhật ham học hỏi và có nhiều hoài bão, cô giáo đã động viên Nhật tập trung nhiều hơn vào học văn hóa để đăng xét tuyển vào đại học. Lúc này, ước mơ theo con đường binh nghiệp mà Nhật ấp ủ từ ngày xưa lại trỗi dậy. Bền bỉ học tập, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nhật thi tốt nghiệp được trên 25 điểm. Mức điểm khá cao, nhưng Nhật quyết định không vào đại học vì không đậu được nguyện vọng vào Trường Sỹ quan Chính trị.
Với quyết tâm thi lại, một năm qua Nhật tiếp tục ôn thi và đồng hành với Nhật ngoài gia đình còn có thầy cô giáo cũ ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Thời điểm gần ngày thi, từ thị xã Hoàng Mai, Nhật xin vào ở trong trường để vừa được thầy cô ôn tập thêm, vừa thuận tiện tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Qua hai ngày thi, dù lúc đầu không tránh khỏi những lo lắng nhưng Nhật đã có một kỳ thi thành công với kết quả vượt trội hơn năm ngoái rất nhiều với 27,25 điểm. Trong đó, Ngữ văn Nhật đạt 9 điểm, Lịch sử đạt 8,75 điểm và Địa lý đạt 9,5 điểm. Nhớ lại Kỳ thi năm nay, Nhật bảo có điều tiếc nuối với môn Lịch sử vì do quá hồi hộp nên em làm sai những câu khá dễ. Còn lại, Nhật rất vui vì với điểm số này em hi vọng mình sẽ thực hiện được giấc mơ trở thành sỹ quan quân đội của mình.
Với 26 điểm, Đậu Đình Hiếu cũng đang đứng trước nhiều cơ hội vào giảng đường đại học. Nhận được kết quả này của con trai, chị Lê Thị Chung - mẹ của Hiếu đã không giấu nổi niềm vui bởi với chị, dù ba năm qua con học trường nghề nhưng chị vẫn luôn tin tưởng vào con trai mình.
Ba năm trước, chỉ vì thiếu 0,1 điểm, Hiếu mất cơ hội trúng tuyển vào Trường THPT Hoàng Mai – ngôi trường nhiều năm liên tục có điểm đầu vào nằm trong tốp đầu cả tỉnh.
Với thành tích học khá tốt của Hiếu lúc đó (Hiếu từng đạt học sinh giỏi môn Địa Lý của thị xã) thì đây là một cú sốc khá lớn. Sau đó, dù đủ điểm để vào một trường công lập khác nhưng vì thương bố mẹ và muốn dành cơ hội cho các em (Hiếu còn ba em nhỏ) nên Hiếu quyết định xin vào trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam để theo học nghề điện.
Những ngày con đi học xa nhà cách gần 80 km, mẹ của Hiếu cũng lo lắng bởi em ở ký túc xá, sống tập thể, không có bố mẹ thường xuyên nhắc nhở. Nhưng tại đây, Hiếu nhận được sự chăm sóc của thầy cô, cậu bé trưởng thành nhiều.
Sau ba năm học ở trường, không chỉ Hiếu có thành tích học tập tốt mà ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Hiếu là học sinh có điểm thi cao nhất với Ngữ văn 8,25, Lịch sử 9,25 và Địa lý 8,25. Năm lớp 12, Hiếu cũng đạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý. Đó cũng chính là kỳ tích của một học sinh trường nghề.
Đồng hành cùng học trò
Chỉ một thời gian ngắn nữa, nhiều học sinh khác của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam sẽ chính thức trở thành sinh viên ở các trường đại học. Đó là các em Nguyễn Thị Ngân (24,25 điểm), Hồ Diệu Nga (24,5 điểm), Lê Thạc Châu (25, 5 điểm), Lê Sỹ Linh (25,5 điểm), Lê Quang Dũng (24,25 điểm)…và rất nhiều, rất nhiều thí sinh khác.
Thống kê của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam trong kỳ thi vừa rồi, rất nhiều học sinh của trường có điểm 8, điểm 9, số học sinh trên 15 điểm (đủ điều kiện xét đại học) đạt 83%%, học sinh đạt trên 18 điểm đạt 56,4% và có 31,68% học sinh đạt trên 20 điểm...Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt trên 98%.
Đây cũng là thành tích đã được nhà trường duy trì nhiều năm nay và thay vì học nghề như lựa chọn ban đầu, nhiều học sinh đã quyết định vào học các trường đại học để có thêm nhiều lựa chọn trong tương lai.
Trước đó, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, hình ảnh những chiếc xe từ 20 – 40 chỗ chở các thí sinh của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam tham dự Kỳ thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã đem đến hình ảnh đẹp cho kỳ thi năm nay. Sau những giờ làm bài căng thẳng, đón các em ở cổng trường là các thầy giáo, cô giáo. Sự quan tâm, chăm chút, yêu thương học trò là động lực để tiếp thêm cho các em niềm tin và quyết tâm khi làm bài. Và quả ngọt của ngày hôm nay cũng là niềm vui lớn của các thầy giáo, cô giáo sau ba năm học đồng hành, chăm lo các em và xem các em như con, như người thân trong gia đình khi phải trọ học xa nhà.
Xu hướng học nghề nhưng sau đó các em lại lựa chọn học tiếp vào đại học hiện cũng đang được Ban giám hiệu Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam khuyến khích. Chia sẻ về điều này, ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ở trường chúng tôi học sinh năm cuối của trường, nhận bằng nghề, đã có thể tự ra ngoài xin làm việc trong các công ty, xí nghiệp. Nhưng cũng có em học lực khá, lựa chọn con đường học tiếp lên đại học và đặt mục tiêu cao ở Kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Vì vậy, quan điểm của nhà trường là hỗ trợ học sinh hết sức, đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng và các em đạt được ước mơ, nguyện vọng của mình.
Việc các học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã góp phần thay đổi quan niệm về học trường nghề hiện nay. Nói về quan điểm của nhà trường, ông Phan Xuân Dũng cho biết: Một điều dễ nhận thấy là hầu hết học sinh đăng ký vào các trường nghề nói chung, Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Lam đều trượt khi thi vào các trường cấp 3 công lập. Các em có xuất phát điểm về kiến thức văn hóa thấp, nếu không muốn nói là từ “con số không”. Nhiều phụ huynh khi cho con vào học trường cũng mong muốn con có cái bằng nghề để dễ xin việc sau này chứ không kỳ vọng nhiều về việc học hành, thi cử. Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến động lực phấn đấu và quan niệm về sự học của không ít học sinh trường nghề.
Chúng tôi luôn nói với học sinh rằng học nghề là bước đệm còn học văn hóa là bước phát triển cần thiết cho các em. Các em giỏi về tay nghề mà kiến thức văn hóa bị hổng, đó sẽ là một điều thiệt thòi rất lớn.
Thực tế, kiến thức văn hóa tốt thì các em tiếp thu việc học nghề tốt hơn, có kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn. Chúng tôi động viên và khơi gợi các em phải cố gắng phấn đấu, song song cả học nghề và học văn hóa. Bản thân tôi cũng nhiều lần trò chuyện, hướng các em học để thi vào các trường đại học. Học đại học không phải để làm ông này bà nọ mà có kiến thức, các em sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn cho mình.