'Bây giờ thế giới ảo chiếm quá nhiều thời gian của mỗi người đặc biệt một bộ phận rất lớn thanh thiếu niên. Và trong thế giới ảo ấy người ta cảm giác không nguy hại nhưng lời thách thức có thể là ảo nhưng hậu quả thì lại là thật'
Đây là quan điểm của TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ) xung quanh trào lưu “Việt Nam nói là làm” của giới trẻ hiện nay.
Nữ sinh đốt trường và trào lưu “Việt Nam nói là làm”
Thực hiện lời hứa "status đạt 1.000 like" trên Facebook, nữ sinh 13 tuổi tưới xăng trước phòng Y tế trường THCS ở Khánh Hòa, châm lửa đốt. Đáng lưu ý, trước khi xảy ra sự việc cộng động mạng cũng yêu cầu nếu đạt số like như mong muốn, nữ sinh phải giữ lời. Và sự việc đã xảy ra vào ngày 9/10.
Sáng đó, nữ sinh mặc quần đùi, áo thun dài tay đến phòng Y tế trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) tưới xăng xung quanh, châm lửa đốt. Đám cháy bùng nhanh khiến nữ sinh bị bỏng hai chân. Nhiều học sinh chứng kiến không vào can ngăn, còn nói khích vào và chế giễu. Lúc đám cháy bùng lên, nhóm người tán loạn. Toàn bộ vụ việc được quay clip, tung lên mạng xã hội.
Đáng báo động là hành động kiểu như thế này hiện không phải là hiếm trong giới trẻ, nói đúng hơn là nó đang bùng phát với nhiều dạng khác nhau như đủ 10.000 like thì sẽ cởi áo, đủ 5.000 like sẽ “dạy” cho ai đó cùng trường “một bài học”. “Việt Nam nói là làm” … Mặc dù ban đầu, đó chỉ là một lời thách thức trên mạng xã hội. Nhưng rồi, trước sự thúc ép của cộng đồng mạng, những hành động liều lĩnh, bạo lực như vậy đều được chuẩn bị về thời gian, thành phần tham dự sau đó quay clip và tung lên mạng xã hội như một thành tích.
Trước đó, vào đêm 20/9, cư dân mạng liên tục chia sẻ clip một nam thanh niên tự tẩm xăng châm lửa đốt và nhảy xuống nước của một nam thanh niên có tên N.T. Sau vài giờ đăng tải, đoạn clip chỉ dài 6 giây đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem cùng nhiều bình luận.
Lời thách thức được đưa ra trước đó chỉ một ngày, một ngày vượt trên 40.000 like cho một facebooker vô danh. Trong đó, anh chàng này đặt yêu cầu nếu bức hình của mình đạt đủ số like cần thiết, anh ta sẽ tẩm xăng và tự thiêu: "Bức hình này đủ 40.000 like tôi đổ xăng từ trên người xuống rồi lấy hột quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem".
Lời thách có thể là ảo, hậu quả lại là thực
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS xã hội học Khuất Thu Hồng cho rằng: Đây là hiện tượng khá mới nhưng không hoàn toàn mới xét dưới góc độ tâm lý. Bởi nó phản ánh tâm lý của độ tuổi thanh thiếu niên – một số người ở độ tuổi này trong cuộc sống có vấn đề tâm lý. Họ muốn gây sự chú ý, họ có thể cần sự quan tâm của những người xung quanh.
“Trong trường hợp bạn nữ ở Khánh Hòa này, bạn ấy muốn được mọi người chú ý hơn bằng cách đưa ra những tuyên ngôn, những thách thức và nó chỉ thể hiện tâm trạng, mong muốn được mọi người chú ý hơn đến mình. Lúc đó bạn ấy không nghĩ đến hậu quả lâu dài, những hậu quả có thể xảy ra một cách rất nghiêm trọng với những lời thách thức của mình.
Bạn ấy muốn được chú ý nhưng lại không nghĩ được sâu xa về những hậu quả xảy ra. Từ lời thách thức của em, mong muốn của em lại trở thành hiện thực theo nghĩa rằng là có nhiều người chấp nhận like statust của em và cuối cùng các bạn đã ép em đến thực hiện hành vi mua xăng đốt trường (thực hiện lời hứa cam kết của mình)” - TS Khuất Thu Hồng phân tích.
Theo đó, TS Hồng đánh giá “đây một vấn đề đáng lo ngại”, bởi đằng sau trào lưu ấy thể hiện những diễn biến tâm lý của một số thanh thiếu niên có thể trong cuộc sống họ thấy thiếu hụt, thấy cô đơn, có thể là do thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc hòa nhập với những người xung quanh gặp những khó khăn cho nên họ muốn gây sự chú ý như vậy.
“Điều này đặt ra câu hỏi: Trong xã hội của chúng ta, dường như cuộc sống càng ngày càng nhộn nhịp hơn tại sao lại có những đứa trẻ, thanh thiếu niên, những người lại cảm thấy trống rỗng, cô đơn, cần sự chú ý theo cách tiêu cực như vậy?” – TS Hồng lưu ý.
Lý giải hiện tượng này, TS Hồng cho rằng các em cần sự chú ý đến mình, cần được quan tâm nhiều hơn. Do đó, nếu các em sống trong moi trường được quan tâm được chú ý đầy đủ thì có lẽ những hành vi dại dột như vậy đã không xảy ra. Việc đòi hỏi người khác chú ý đến mình của các em có thể xảy ra theo cách lành mạnh hơn.
Cách nào ngăn chặn?
Giải pháp nhằm ngăn chặn trào lưu có tính chất tiêu cực này, TS Hồng cho rằng gia đình cần quan tâm đến các em nhiều hơn, có những hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh hơn để thu hút được cái sự chú ý của các em. “Thanh thiếu niên ở độ tuổi đó rất giàu năng lượng, các em cần có những hoạt động tập thể, vui chơi, những hoạt động kích thích sự sáng tạo của các em giúp các em giải phóng năng lượng của mình một cách tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế hình như chúng ta đang thiếu những hoạt động này, thiếu sự quan tâm để tổ chức những hoạt động đấy” – TS Hồng nhấn mạnh.
TS Hồng cho biết, bây giờ thanh thiếu niên có bao nhiều thời gian thì sống trong thế giới ảo, và trong thế giới ảo không kiểm soát được. Và trong thế giới ảo người ta có cảm giác không có nguy hại gì, không có nguy cơ gì cho nên những lời thách thức, lời cam kết có thể thiếu suy nghĩ thiếu cân nhắc thiếu chín chắn dẫn đến hậu quả như vậy. Bởi theo TS Hồng thì “lời thách thức có thể là ảo nhưng hậu quả thì lại là thật. Điều rất đáng lo ngại với các em”.
Vẫn theo TS Hồng thì “Ở đây có hai câu chuyện (bản thân em đó và đám đông). Tôi không biết có người lớn nào theo dõi diến biến câu chuyện này hay không và họ có những hành động nào can thiệp hay không? Nhưng rõ ràng ai cũng biết lời thách thức đó là dại dột, tôi cũng nghĩ ai cũng hiểu điều đó nhưng cả một đám đông, cộng đồng không ai can ngăn mà ép em bé này phải thực hiện lời hứa của mình. Điều này thể hiện khá tàn nhẫn khi mà hiểu là em làm sai, em dại dột mà đám đông vẫn ép em thực hiện lời hứa của mình, vẫn ùa vào, vẫn gây áp lực bắt em phải thực hiện lời hứa của mình”.
Trước thực tế đau lòng này, TS Hồng cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải nghĩ đến việc giáo dục kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho thanh thiếu niên.
“Bây giờ thế giới ảo chiếm quá nhiều thời gian của mỗi người đặc biệt một bộ phận rất lớn thanh thiếu niên. Họ sống trên thế giới ảo nhiều hơn cuộc đời thực rất nhiều. Trong thế giới ảo như vậy nhưng nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ thực mà không có những kỹ năng ứng xử trên thế giới ảo thì nguy cơ mà mình hứng chịu hậu quả từ thế giới ảo sẽ xảy ra trong cuộc đời thực”- TS Hồng nói.
Một lần nữa, TS Hồng nhấn mạnh, giáo dục kỹ năng ứng xử trên thế giới ảo, kỹ năng sử dụng mạng xã hội bây giờ là một vấn đề lớn chứ không phải câu chuyện giành cho một nhóm nhỏ nào đó hoặc là một vài cá nhân hay chỉ là vấn đề giải trí đơn thuần. Bới nó là câu chuyện lớn, câu chuyện không chỉ của thanh thiếu niên mà cả của người lớn và xã hội. Chứ chúng ta không nên đặt ra vấn đề kiểm soát, ngăn chặn mạng xã hội.
“Theo tôi chỉ là chúng ta hướng dẫn, trang bị những kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho các em mà thôi. Giống như cậu chuyện giao thông, ngoài đường rất đông đúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng không vì thế mà chúng ta ở nhà không đi đâu nữa hoặc cấm tất cả các phương tiện giao thông lưu thông trên đường. Tất cả những cái cấm đó tôi nghĩ không khả thi mà quan trọng là chúng ta trạng bị những kiến thức, kỹ năng để chúng ta đi ra đường an toàn, lành mạnh mà vẫn đến đích” – TS Hồng khẳng định.
Theo Infonet