Những năm tháng khó khăn
Sinh ra ở xóm 6, xã Diễn Tháp (Diễn Châu), bố mẹ nghèo có 8 người con ăn học, tuổi thơ chị Ngô Thị Thương gắn bó với những tháng ngày cắt cỏ, chăn trâu... Giấc mơ của chị chỉ đơn giản là sau này có đủ điều kiện, tìm được việc làm ổn định, thoát nghèo. Ước mơ có phần dang dở khi vừa học hết lớp 12, bố bệnh nặng mất, mẹ và anh trai gửi chị đến lớp học nghề may ở TP. Vinh.
Nhờ ham học hỏi, năng động, sau 3 tháng học nghề, chị tự xoay xở mở tiệm may nhỏ gia đình tại quê nhà và thu hút khá đông khách với dây chuyền ban đầu có 16 công nhân đến học việc và hợp tác cùng làm ăn. Cơ duyên đến với chị bấy giờ là sau khi kết hôn với anh Tăng Hồng Ngôn (quê xã Diễn Lâm), anh luôn ủng hộ, đồng hành để chị có được thành công với nghề may trên chính quê hương Diễn Lâm hôm nay.
Khi chồng chị đi xa làm ăn không thuận lợi, thua lỗ vào năm 2013, chị quyết định theo chồng sang nước ngoài tìm kiếm công việc làm ăn, buôn bán để tích lũy vốn, đồng thời không từ bỏ đam mê, học hỏi kinh nghiệm nghề may tại nhiều công ty. Giấc mơ về một cơ sở may mặc có quy mô công nghiệp, hiện đại, tạo việc làm cho nhiều lao động quê hương của chị xuất phát từ những tháng ngày xa xứ như thế.
Lập nghiệp trên quê hương
Tháng 01/2017, trở về quê hương, anh chị thành lập Công ty TNHH thương mại Phú Linh tại xóm 2, xã Diễn Lâm. Dây chuyền công ty được đầu tư hàng chục tỷ đồng, quy mô hiện đại, khép kín gồm hệ thống máy cắt vải, là hơi, máy đọc kiểm vải, máy may, máy in chữ cỡ lớn. Đến nay nhà máy có 13 chuyền may, thu hút trên 750 công nhân nội huyện và các huyện lân cận. Các sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ như sơ mi zacket, sơ mi thường, lông vũ… Năm 2017, công ty xuất khẩu 150 ngàn sản phẩm, doanh thu đạt 30 tỷ đồng, nộp gần 3 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Ngành may mặc vốn đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và như vậy phù hợp với nữ giới, nên ở công ty có đến 90% lao động nữ là một thuận lợi lớn. Tuy nhiên với phụ nữ, ngoài công việc chung còn phải đảm đương thiên chức người mẹ, người vợ nên mối quan tâm của họ cho gia đình, con cái cũng bị phân tâm. Để chị em trong công ty yên tâm làm việc, ngoài các chế độ, chính sách thỏa đáng, chị Thương dành nhiều thời gian gần gũi, động viên chị em công nhân, thường xuyên thăm hỏi, động viên những công nhân có hoàn cảnh nghèo, éo le, đặc biệt trong điều kiện những tháng ngày ban đầu chưa có lợi nhuận song quan điểm của chị là luôn đảm bảo chế độ lương cho hàng trăm công nhân để họ chuyên tâm làm việc.
Bí quyết của chị là luôn trăn trở trong nâng cao chất lượng các cung đoạn sản xuất, đổi mới mẫu mã, chăm sóc tốt khách hàng. Nhờ hướng đi đúng đắn, năng động trong cơ chế hợp tác và nhạy bén thị trường, công ty do chị và chồng (giám đốc điều hành công ty hiện nay) chèo lái ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường may mặc xuất khẩu nội huyện, trong tỉnh và cả nước nói chung.
Gắn bó với Công ty TNHH thương mại Phú Linh (xóm 2, xã Diễn Lâm) từ ngày đầu mới thành lập, đến nay đã hơn 1 năm, chị Đàm Thị Thảo - Tổ trưởng may chuyền 2 của Công ty TNHH thương mại Phú Linh phấn khởi nói: “Chuyền may của mình hiện có 31 công nhân đến từ nhiều xã của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Yên Thành. Công nhân có mức lương ổn định từ 4,4 đến 6 triệu đồng/người/ tháng, đời sống mọi mặt đảm bảo nên anh chị em phấn khởi làm việc tốt và gắn bó với công ty”.
Đồng hành với mục tiêu chính trong công tác sản xuất, kinh doanh, chị Thương và anh Ngôn luôn chú trọng công tác an sinh xã hội tại địa phương, đã trích kinh phí hàng trăm triệu đồng từ nguồn thu kinh doanh để hỗ trợ, động viên thăm hỏi các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và gia đình công nhân nghèo. Được biết, công ty đang có sự hỗ trợ, giúp đỡ xã Diễn Hùng hoàn thành xưởng may gồm 5 chuyền và 200 công nhân. Góp phần ổn định cuộc sống và giúp các em có cơ hội vươn lên thoát nghèo.Để có được thành công như ngày hôm nay, chị Thương luôn cảm kích và biết ơn sự giúp đỡ của các cơ quan cấp ngành, đặc biệt UBND huyện Diễn Châu và chính quyền địa phương xã Diễn Lâm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để chị có được cơ hội đầu tư đúng hướng và một môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững.
Chia sẻ với chúng tôi về những dự định trong tương lai, chị Ngô Thị Thương bày tỏ quyết tâm và những trăn trở trong việc giữ vững, nâng cao chất lượng các sản phẩm, mở rộng thị trường nâng cao sức cạnh tranh. Chị mong ước có được một cơ hội tốt hơn về mặt bằng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu năm 2020 tạo việc làm cho 2.500 lao động nông thôn có việc làm ổn định.
Trong bối cảnh ngành may mặc chịu sự canh tranh lớn của nhiều công ty may trong nước và nước ngoài đầu tư, chị Thương là người khá táo bạo trong các quyết định tạo dựng mối quan hệ với các đối tác may mặc trong nước để gây dựng thương hiệu như Nhà máy may Hà Thanh (Bắc Giang), MS Vina (Thanh Hóa), Nhà máy may Nam Tiệp (Nam Định). Công ty đã phát triển thêm 10 đơn vị may gia công cho mình như Công ty An Khánh Phước (Diễn Yên- Diễn Châu), Công ty CP Ngân Nhàn (Quảng Trị), Cơ sở may gia công tại Trại tạm giam số 6 (Thanh Chương), bình quân mỗi cơ sở may gia công tạo ra 15 - 30 ngàn sản phẩm/tháng.