Nhà đàm phán kỳ cựu

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc là nơi làm việc của không ít “bóng hồng”, bởi trong số gần 1.300 nhân viên của cơ quan này, có tới 30% là nữ. Nhưng bà Yoo Myung-hee là người phụ nữ duy nhất nằm trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của bộ, và cũng là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Bộ trưởng hồi năm 2018 - đúng 70 năm kể từ khi bộ này được thành lập.

image_4890428_2562020.jpgBộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee chính thức tuyên bố ra tranh cử chức Tổng Giám đốc WTO. Ảnh: Yonhap/Kyodo

Việc được chọn làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng là sự khẳng định cho khả năng đàm phán được xếp vào hàng “thượng thừa” của bà Yoo Myung-hee.

Ở Hàn Quốc, việc bổ nhiệm nữ giới vào các vị trí quan trọng với mục tiêu “cân bằng giới tính” không phải là chuyện hiếm, và đó cũng là điều đã từng xảy ra với bà Yoo Myung-hee khi bà được tuyển chọn vào làm việc tại Bộ Thương mại hồi năm 1996 (khi đó còn là Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc, sau này tách thành Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng). Nhưng sau 20 năm sau, việc bà được chọn làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng không còn là để “cân bằng giới tính” nữa, mà đó là sự khẳng định cho khả năng đàm phán được xếp vào hàng “thượng thừa” của bà, được xem là một minh chứng cho sự tỏa sáng của nữ giới Hàn Quốc ở những vị trí vốn là “lãnh địa” của những đấng mày râu.

Ông Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc nhận xét bà Yoo Myuyn-hee là người có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại với tư duy lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng kiểm soát tới từng chi tiết dựa trên kinh nghiệm dày dặn từ các vị trí mà bà đã kinh qua trong Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc suốt hơn 20 năm qua.

Trong mắt các đồng nghiệp, bà Yoo Myung-hee vừa có sự cứng rắn của người tiền nhiệm - cựu Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Kim Huyn-jong, vừa có sự linh hoạt, khéo léo của một người phụ nữ. Hai điều đó đã giúp bà chinh phục những cuộc đàm phán vô cùng khó khăn, nổi bật nhất là các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và Nhật Bản thời gian gần đây. Đó là những cuộc đàm phán mà Hàn Quốc phải cân bằng giữa bảo vệ lợi ích quốc gia với duy trì mối quan hệ với các đồng minh thân thiết. Khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống nước Mỹ năm 2016, ông đã gọi Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn là “thỏa thuận khủng khiếp” và yêu cầu phải xem xét lại hiệp định này.

Sau nỗ lực đàm phán của bà Yoo Myung-hee, Hàn Quốc đã ký với Mỹ Hiệp định thương mại tự do sửa đổi. Ảnh: Getty

Bà Yoo Myung-hee thừa nhận rằng, đàm phán lại hiệp định thương mại với Mỹ thực sự là một công việc khó khăn.

Bà Yoo Myung-hee thừa nhận rằng, đàm phán lại hiệp định thương mại với Mỹ thực sự là một công việc khó khăn khiến bà thường xuyên phải làm việc thâu đêm, phải bay đi bay về giữa Hàn Quốc và Mỹ không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng, hiệp định đó đã được cứu vãn với buổi ký kết thỏa thuận Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng 9/2018, trong đó có một số sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho Mỹ nhưng vẫn nằm trong khả chấp nhận được với Hàn Quốc.

Cuộc xung đột thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc hồi năm ngoái cũng từng là một “bài toán khó” cho bà Yoo - Myung hee. Khởi đầu từ việc Tokyo áp đặt quy chế kiểm soát một số nguyên liệu chủ chốt của ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc, loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại tin cậy. Nhưng chỉ sau hơn một tháng, người ta đã thấy Nhật Bản thông qua xuất khẩu lô hàng vật liệu bán dẫn đầu tiên sang Hàn Quốc - bước đi đầu tiên cho thấy nỗ lực giảm căng thẳng của Nhật Bản.

Dư luận sau đó lý giải rằng, bên cạnh xúc tiến các cuộc đàm phán, bà Yoo Myung-hee đã kết hợp với “đòn mạnh tay”, đó là mạnh mẽ cáo buộc Nhật Bản sử dụng thương mại như một vũ khí để giải quyết các tranh chấp chính trị liên quan đến vấn đề phụ nữ mua vui, đồng thời tuyên bố khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cuộc xung đột thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc cũng từng là “bài toán khó” cho bà Yoo - Myung hee. Ảnh: AFP/TTXVN

Khát vọng cải cách WTO

Bà Yoo Myung-hee tuyên bố tranh cử chức Tổng Giám đốc WTO vào đúng thời điểm WTO đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thành lập - tình trạng khiến nhiều người gọi WTO là tê liệt, là “chết lâm sàng”. Những vấn đề của WTO được nhìn nhận từ 3 khía cạnh: Thứ nhất, thể chế này không hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp; Thứ hai, các quy tắc của WTO chưa theo kịp nhịp sống của thương mại thế giới hiện đại, như chưa bao gồm lĩnh vực thương mại số, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…; Thứ ba, tổ chức này dường như bất lực trước những quyết định đơn phương của những thành viên như Mỹ. Bà Yoo Myung-hee đặc biệt lưu ý tới việc WTO mất khả năng giải quyết tranh chấp thương mại từ cuối năm ngoái do cuộc khủng hoảng ở Cơ quan phúc thẩm.

Vị trí Tổng Giám đốc WTO không phải là vị trí để ủng hộ một bên nào đó trong các tranh chấp.

Bởi thế, bà Yoo Myung-hee cam kết, nếu bà được lựa chọn vào vị trí Tổng Giám đốc WTO, bà sẽ khôi phục lại hệ thống WTO, đảm bảo rằng WTO có thể bảo vệ được nguyên tắc cơ bản về trao đổi tự do hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời ngăn chặn xu hướng bảo hộ đang ngày càng rõ nét trong nền thương mại thế giới. Bà Yoo Myung-hee khẳng định, vị trí Tổng Giám đốc WTO không phải là vị trí để ủng hộ một bên nào đó trong các tranh chấp, mà là để khuyến khích, tạo cầu nối để tất cả các thành viên có thể thực hiện các hoạt động thương mại theo định hướng phù hợp, với nền tảng cơ bản là tiến hành đàm phán.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee phát biểu trong một cuộc họp tại Seoul ngày 27/5/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Với vị thế là một ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc WTO, bên cạnh khả năng đàm phán đã được khẳng định, lợi thế của bà Yoo Myung-hee chính là kinh nghiệm cọ sát với nhiều vấn đề có khả năng nảy sinh trong giao dịch thương mại giữa các quốc gia, xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế Hàn Quốc. Hiện nay, nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc rất lớn và các hoạt động giao thương quốc tế, với các lĩnh vực xuất nhập khẩu chiếm tới 63,7% GDP trong năm 2019.

Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 7 trên thế giới và nước có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm lớn thứ 9 trên thế giới. Bên cạnh đó, số quốc gia đã thiết lập Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc chiếm tới 78% GDP thế giới, vì thế một vị Tổng giám đốc WTO người Hàn Quốc có thể là cầu nối giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển. Bởi vậy, bà Myung-hee tự tin mình có đủ năng lực và kinh nghiệm để khôi phục lại trật tự trong tổ chức thương mại đa phương thế giới là WTO nhằm đáp ứng tốt hơn môi trường thương mại đang thay đổi nhanh chóng trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, để trở thành người kế nhiệm của đương kim Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, bà Yoo Myung-hee sẽ phải vượt qua nhiều ứng viên khác, mà ứng viên nào cũng có những thế mạnh của mình. Hiện nay, WTO đã nhận được đề cử của 4 ứng cử viên của các nước Ai Cập, Mexico, Nigeria và Moldova.

Bà Yoo Myung-hee cam kết đưa WTO ra khỏi bóng tối của cơn khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thành lập. Ảnh: DW

Chinh phục vị trí Tổng Giám đốc WTO chưa bao giờ là một điều đơn giản. Hàn Quốc đã từng có hai ứng cử viên tham gia cuộc đua khó khăn này là Kim Chul-soo vào năm 1994 và Bark Tae-ho vào năm 2012 nhưng đều không thể về tới đích. Niềm hy vọng giờ đây đang được đặt vào người phụ nữ 53 tuổi Yoo Myung-hee trên hành trình chinh phục “giấc mơ Hàn Quốc” tại WTO. Nếu thành công, đó sẽ là một “mốc son” không chỉ với cá nhân bà và với cả đất nước Hàn Quốc khi trở thành nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của WTO.