(Baonghean) - Tin vui trường Phan Bội Châu  (TP. Vinh) đứng đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2013 - 2014 khiến người dân xứ Nghệ nức lòng. Dư âm của thắng lợi đó lan tỏa sang những ngày đầu tiên của năm mới 2014. Đây cũng chính là món quà ý nghĩa của thầy trò trường Phan trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vào tháng Ba này…

Ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ Tết, câu chuyện về 84 học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu đạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, trong đó có đến 4 giải nhất, 33 giải nhì, 33 giải 3 và 14 giải khuyến khích vẫn là chủ đề “nóng” được các thầy cô và học sinh trong trường nói tới. Vui hơn nữa, bên cạnh thành tích của cá nhân từng học sinh, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Trường chuyên Phan Bội Châu vươn lên đứng thứ nhất cả nước, vượt qua nhiều địa phương có truyền thống và có điều kiện thuận lợi hơn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định… Đây còn là một “kỳ tích” vì trong số những gương mặt đoạt giải năm nay có nhiều em đoạt giải “kép”, có đến ba môn thi đạt tỷ lệ 100% là Ngữ Văn, Địa lý và Hóa học, tỷ lệ đậu chung toàn trường là 83% và có 11 em tiếp tục được lựa chọn để tham dự kỳ thi vào đội tuyển Olympic quốc gia.

images926682_dsc_0026.jpgCô giáo Nguyễn Thị Hoa Huệ và đội tuyển môn Địa lý.
Trong những gương mặt học sinh giỏi quốc gia, có nhiều cái tên quen thuộc đã từng đạt giải trong năm học trước, đặc biệt là giải Nhất môn Địa lý của hai em Nguyễn Lê Hà, Hoàng Thị Trang. Thành tích này nằm ngoài sự mong đợi của Ban giám hiệu nhà trường và của giáo viên chủ nhiệm bộ môn Nguyễn Thị Hoa Huệ, bởi trước kỳ thi học sinh giỏi năm 2014, Hà và Trang là một trong những học sinh chịu nhiều áp lực nhất. Bởi trong năm học trước, các em cũng đã đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dù khi đó cả hai đều đang học lớp 11, đây cũng là một “bước ngoặt” với bộ môn Địa lý bởi là lần đầu tiên tỉnh ta có giải Nhất về môn học này. Điều này cũng cho thấy, để đến với giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học này, các em đã phải tự chiến thắng chính bản thân mình.
 
Gặp Lê Hà khi em vừa từ Con Cuông quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Xa nhà đã ba năm, đã giúp em từ một cô bé nhút nhát, yếu đuối trở nên mạnh dạn, tự tin. Môi trường mới với một tập thể nhiều gương mặt xuất sắc ở lớp 12C3 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cũng giúp Hà nhận ra được thế mạnh của mình mà trước đây khi còn học cấp II em chưa phát huy hết. Ngày mới xuống trường, với thành tích khiêm tốn là giải Khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý, Hà cảm thấy rất tự ti. Sau đó, nhờ được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn cách học theo phương pháp mới, em ngày càng say mê với bộ môn ngỡ là “xã hội” nhưng lại rất khoa học này. Thế nên, mới vào lớp 11, Hà đã được các thầy cô giáo tin tưởng chọn vào đội tuyển và sau đó đã tự tin giành giải Nhất trong lần đầu tiên “xuất quân”. Cùng với Hà, cô bạn thân Hoàng Thị Trang cũng lập nên “kỳ tích” tương tự. Tuy vậy, thành tích quá tốt trong năm học lớp 11 cũng tạo cho các em nhiều áp lực, một số ý kiến cho rằng “đằng nào cũng đã đủ tiêu chuẩn vào thẳng đại học rồi chẳng nên cố gắng làm gì”. Riêng cô giáo Nguyễn Thị Hoa Huệ lại rất tin tưởng vào Trang, vào Hà và những thành viên trong đội tuyển bởi cô biết rằng: các em học là vì yêu thích, vì đam mê thực sự với môn Địa lý. Còn kỳ thi chỉ là một cơ hội để các em khẳng định mình và để các em tri ân thầy cô, gia đình và bạn bè.
 
Chúng tôi cũng gặp lại hai gương mặt cũ khác, đó là Nguyễn Trung Kiên, giải Nhất môn Tiếng Nga và Cao Ngọc Thái, giải Nhì môn Vật lý (không có giải Nhất). Năm ngoái, Kiên đã từng đạt giải Nhì quốc gia và đạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tiếng Nga toàn quốc. Riêng Thái thì đã từng “ẵm” giải Nhất năm lớp 11 và Bằng khen trong kỳ thi Vật lý Châu Á. Đến nhà Kiên tại nhà riêng ở khối Yên Vinh, phường Hưng Phúc (TP. Vinh) mới biết rằng, tiếng Nga và nước Nga có một mối lương duyên đặc biệt với em và gia đình, bởi bố mẹ em đã có gần 20 năm lao động tại nước Nga. Bản thân Kiên, học tiếng Nga, yêu tiếng Nga một phần cũng là để thỏa mãn hoài bão của bố mẹ. Đó là để Kiên được đến Nga du học, để Kiên được học những tinh hoa của nền giáo dục Nga mà trước đây vì hoàn cảnh mưu sinh, vì điều kiện khó khăn, bố mẹ em chưa một lần dám mơ ước.
 
Còn Thái, cậu học trò “rặt” con nhà nông, quê ở Diễn Châu thì lại lấy tấm gương của các thế hệ đi trước như Nguyễn Tất Nghĩa, Nguyễn Huy Hoàng – những người đã từng “đem Vàng, đem Bạc” về cho  Trường chuyên Phan Bội Châu để phấn đấu. Tuy vậy, là người đi sau, Thái tự thấy mình càng phải phấn đấu nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn bởi đội tuyển Vật lý là đội tuyển có nhiều  thành tích nhất của nhà trường. Với 9/10 học sinh tham dự đạt giải, trong đó có 4 giải nhì, 4 giải ba và 1 giải khuyến khích, thì Cao Ngọc Thái vẫn giữ nguyên phong độ đạt điểm cao thứ tư trong cả nước. Thầy giáo Trần Văn Nga khẳng định: “Kết quả này là “trọn vẹn” và ghi nhận đúng sự nỗ lực của các em. Tuy vậy, đội tuyển đang hướng tới đích xa hơn, đó là các danh hiệu quốc tế và hiện nay, đội đang nỗ lực tập trung cho 4 em dự tuyển trong kỳ thi tuyển chọn vào tháng 3 tới”. Thầy trò ở các môn Toán, Tin học, Hóa học cũng đang trong vòng quay tương tự. Hai năm trở lại đây, nhà trường đã đầu tư thêm kinh phí để mua sắm các bộ thực hành đạt chuẩn khu vực và quốc tế để khắc phục những điểm yếu nhiều năm nay của học sinh Việt Nam,  nhất là trong các bài  thi về thực hành. 
 
Kết quả đã đạt được trong kỳ thi học sinh giỏi năm nay cũng chứng minh thành tích của trường là bền vững, chứ  không phải là nhất thời. Nói vui như giáo viên của trường vẫn hay nói, đó là “truyền thống của trường là điểm tựa nhưng cũng là thách thức, thế hệ sau phải cố gắng tốt hơn các thế hệ đi trước và nếu không qua được, nghĩa là đã thua”. Chiến thắng này cũng đã cho thấy, con  đường mà Trường Phan đã đi nhiều năm nay, theo hình thức tổ chức các nhóm làm việc “người có kinh nghiệm hỗ trợ người mới vào nghề”, “một người làm không tốt thì cần vai trò của cả tập thể” đã phát huy được hiệu quả. Điều đó lý giải vì sao, trong số những giáo viên có học sinh đạt giải cao trong kỳ thi Học sinh giỏi toàn quốc năm học 2013 – 2014 này, bên cạnh những giáo viên có kinh nghiệm như thầy giáo Trần Văn Nga (một Vật lý), cô Giang Chi, Ngô Hiền (môn Văn học), thầy Phan Văn Thái, thầy Đậu Hoàng Hùng (môn Toán học)… đã xuất hiện nhiều giáo viên trẻ như cô giáo Quỳnh Anh (sinh năm 1982, môn Hóa học), cô giáo Hoa Huệ (sinh năm 1983 – môn Địa lý), cô giáo Phan Thị Phương (sinh năm 1987, môn Sử)… Thầy giáo Đậu Văn Mùi – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ:  Sự “chung sức, chung trí tuệ, chung tấm lòng” của các thế hệ tập thể giáo viên và cả học sinh trong những năm qua là sức mạnh để trường vượt khó vươn lên và trở thành một trong những trường chuyên dẫn đầu cả nước. 
 
Cuối tháng Ba này, Trường chuyên Phan Bội Châu sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập hệ chuyên và 40 năm thành lập trường. Trong thành tích chung của trường suốt nửa thập kỷ qua, thành tích mà trường đã đạt được trong dịp đầu năm mới này, sẽ là một điểm nhấn, một nốt son tô đậm thêm cho ngôi trường giàu truyền thống nhất xứ Nghệ này...
 
N.P.V