Nhật Bản sắp thử nghiệm lưới từ trường dọn rác trong không gian nhằm ngăn chặn mối nguy hiểm cho các vệ tinh và chương trình nghiên cứu không gian.
Theo tờ Mainichi của Nhật, rác vũ trụ là mảnh vỡ của tên lửa, tàu vũ trụ hay vệ tinh ngừng hoạt động. Chúng di chuyển trong quỹ đạo trái đất với tốc độ hơn 28.000 km/giờ và có nguy cơ va chạm với tàu vũ trụ hay vệ tinh đang hoạt động nên đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Vì thế, Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) đã phối hợp với Công ty sản xuất thiết bị đánh cá Nitto Seimo để tạo ra lưới từ trường giúp dọn rác trong không gian.
Những thiết bị dọn rác không gian
Vào cuối tháng 2, JAXA lần đầu tiên sẽ thử nghiệm khả năng hoạt động của lưới từ trường và tên lửa sẽ được phóng lên để đưa vệ tinh do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kagawa chế tạo lên quỹ đạo. Khi ở trong quỹ đạo trái đất, vệ tinh sẽ tung ra một tấm lưới dài 300 m, có khả năng phát ra từ trường rất mạnh để hút rác vũ trụ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lưới từ trường và rác sẽ rơi xuống bầu khí quyển trái đất rồi bị cháy rụi hoàn toàn.
Kỹ sư Koji Ozaki, lãnh đạo của Công ty Nitto Seimo cho hay: “Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện dự án cách đây 5 năm và vui mừng muốn thấy kết quả của cuộc thử nghiệm này”. Theo ông Ozaki, lưới từ trường được làm bằng những sợi kim loại dai và có khả năng chịu lực lớn. Năm ngoái, báo cáo của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết khối lượng rác trôi nổi trong quỹ đạo trái đất đã lên tới điểm báo động. Vì thế, JAXA sẽ tiếp tục thử nghiệm lưới dọn rác vũ trụ trong vài năm tới. Dự kiến, thiết bị hoàn chỉnh sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019, giúp loại trừ những mối nguy hiểm từ rác vũ trụ đối với chương trình không gian của con người.
Không chỉ Nhật Bản sản xuất lưới từ trường dọn rác mà Thụy Sĩ cũng thông báo sẽ phóng một loại vệ tinh đặc biệt với nỗ lực để dọn rác trong không gian. Thụy Sĩ cho hay nước này sẽ phóng vệ tinh CleanSpace One có thể nhặt rác vũ trụ và quăng nó vào bầu khí quyển trái đất, nơi chúng sẽ bị đốt cháy.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm không gian Thụy Sĩ thuộc Viện Công nghệ liên bang (EPFL) ở thành phố Lausanne đã thiết kế CleanSpace One với cánh tay máy có thể nhặt các mảnh rác vũ trụ với kích thước 10 cm mỗi cạnh. CleanSpace One nặng 30 kg, có nhiệm vụ đẩy vệ tinh đã hết hạn sử dụng trở về trái đất. Dự kiến, CleanSpace One sẽ được đưa lên vũ trụ vào năm 2018 và chi phí cho dự án này khoảng 16,4 triệu USD.
Theo Đài tiếng nói nước Nga, vệ tinh con thoi nhỏ sẽ được đặt trên nóc một máy bay Airbus A300 để đưa vào không gian. CleanSpace One sử dụng cánh tay máy để thu lượm rác trong không gian và khi khoang chứa đầy vệ tinh sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình. Sau đó, vệ tinh quay trở lại bầu khí quyển trái đất và nó sẽ bị thiêu rụi cùng với rác vũ trụ tại đây.
Mối đe dọa nghiêm trọng
Những vệ tinh có nguy cơ va vào rác vũ trụ đã làm các nhà khoa học lo lắng từ nhiều năm nay. Một vụ va chạm có thể tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ bay quanh, có khả năng phá hủy các vệ tinh khác. Hơn nữa, những tín hiệu truyền hình, dự báo thời tiết, hệ thống định vị toàn cầu và việc kết nối điện thoại quốc tế cũng có nguy cơ gặp nguy hiểm. Vì thế, môi trường không gian xung quanh trái đất sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu rác vũ trụ không được loại bớt.
Theo BBC, những mảnh rác vũ trụ hầu hết nằm ở độ cao từ 700 - 1.000 km so với bề mặt trái đất. Cơ quan NASA ước tính khoảng 100 triệu mảnh rác vũ trụ đang trôi nổi vô định trong không gian, trong đó, có 22.000 mảnh với đường kính từ 10 cm trở lên và radar có thể phát hiện chúng. Tuy nhiên, radar không phát hiện được những mảnh rác nhỏ hơn.
Trong 200 năm tới, khối lượng rác vũ trụ với đường kính từ 10 cm trở lên sẽ tăng 30%. Do vậy, các nhà khoa học cảnh báo số lần va chạm giữa vệ tinh hoặc phi thuyền với rác vũ trụ sẽ gia tăng trong những năm tới.
Nếu rác vũ trụ không được loại bỏ sớm thì cứ khoảng 5-9 năm sẽ có một vụ va chạm giữa vệ tinh hoặc phi thuyền không gian với rác vũ trụ xảy ra trên quỹ đạo trái đất. Các chuyên gia cũng cho hay vũ trụ sẽ trở nên bất ổn vì rác trong vài thập niên tới và để tránh nguy cơ này phải làm giảm lượng rác trong không gian mỗi năm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng kêu gọi những chủ sở hữu vệ tinh trên quỹ đạo trái đất thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo thiết bị của họ sau khi ngừng hoạt động sẽ rơi khỏi bầu trời trong vòng 25 năm.
Rác vũ trụ cũng làm Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải dịch chuyển để tránh va chạm. Hồi năm 2012, một mảnh rác từ vệ tinh viễn thông Iridium của Mỹ đã bay đến gần ISS chỉ còn cách chưa tới 1.600 m. Các phi hành gia trên trạm không gian đã buộc phải sơ tán khẩn cấp sang khoang thoát hiểm của tàu vũ trụ Soyuz khi mảnh rác vũ trụ khổng lồ đang lao về phía ISS.
Theo AP, kể từ năm 1998, ISS đã phải di chuyển 13 lần để tránh rác. Những mảnh rác vũ trụ di chuyển với tốc độ lớn nên chúng có thể đâm thủng trạm không gian.
Theo.baocongthuong