bnatoan_canh_phien_chat_van8801867_1972018.jpgToàn cảnh phiên chất vấn Ảnh: Thành Cường
 Bức xúc chất lượng, giá điện... 
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TP. Vinh), Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc), Lang Thị Hoài (Tân Kỳ) và nhiều đại biểu khác có nêu ý kiến về vấn đề chậm hoàn trả tiền lưới điện hạ áp, chất lượng điện ở một số địa bàn còn thấp, cột điện nằm trên lòng đường chậm di dời, giá điện ở các khu đô thị, chung cư cao,.... những vấn đề này đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, ngành Điện hứa mãi mà vẫn không giải quyết. Đại biểu Hoàng Thanh Bình (TP. Vinh) cho rằng trong những tháng vừa qua, công nhân ngành Điện đọc, ghi công tơ lệch ngày, nên dẫn đến làm tăng giá điện theo lũy kế, gây thiệt thòi cho người dùng điện.
Đại biểu Đinh Thị An Phong chất vấn về vấn đề chậm hoàn trả tiền lưới điện hạ áp nông thôn.
Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc lưới điện nông thôn xuống cấp, điện yếu, chậm khắc phục, chúng tôi đã phối hợp xây dựng phương án, lộ trình để báo cáo với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để bố trí vốn xử lý. Về thay thế cột điện trong hành lang an toàn giao thông, trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đề nghị các chủ dự án trao đổi thống nhất với Điện lực để có phương án di dời kịp thời, tránh gây mất an toàn. Về việc hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn, Sở Công Thương đang phối hợp với ngành Điện cố gắng tháo gỡ những vướng mắc trong việc lập hồ sơ hoàn trả theo Thông tư 32...

Tại phiên chất vấn, ông Trịnh Phương Trâm – Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho rằng: Điện yếu có 3 nguyên nhân: Lưới điện khi tiếp nhận còn yếu, cũ nát; Hành lang lưới điện khi tiếp nhận còn nhiều cây cối dẫn đến việc vận hành lưới điện chưa tốt; Do một số khách hàng sử dụng điện, khi sử dụng điện không tiết kiệm.

Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Việc cải tạo nâng cấp lưới điện, do nguồn vốn hạn hẹp nên đầu tư chậm, ngành Điện đã cố gắng hết sức. Chúng tôi cố gắng tìm nguồn vốn để cải tạo, có đến đâu thì chúng tôi sẽ vận dụng, cải tạo đến đó.

Lưới điện hạ áp nông thôn đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Trong ảnh, lưới điện nông thôn ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu)
Hiện tại lưới điện nông thôn tiếp nhận đã cải tạo được trên 8.000 km, còn lại khoảng 3.000 km chưa cải tạo, chúng tôi sẽ tìm nguồn vốn cải tạo nhanh nhất, sớm nhất. Năm nay nguồn vốn cũng khó khăn và việc đầu tư cải tạo chỉ bằng 25% năm 2017. Trước mắt chúng tôi dắm vào các trạm hạ thế (năm nay dắm được 30 trạm hạ thế) để nâng cấp chất lượng điện.
Về di dời cột điện trong hành lang ATGT, nếu ngành Điện xây dựng đường điện, cột điện thì ngành Điện chịu trách nhiệm di dời. Khi nào mở đường làm nông thôn mới thì các địa phương phối hợp với ngành Điện để làm.
Ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Điện lực Nghệ An giải trình tại phiên chất vấn.
Ông Giám đốc điện lực cũng đề nghị chính quyền địa phương phối hợp để giải phóng hành lang lưới điện, đảm bảo cung cấp điện tốt và an toàn; chống ăn cắp điện, tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm về sử dụng điện.

Về việc ghi chỉ số công tơ, quy định mỗi tháng ghi 1 lần, ngày ghi có thể tăng hoặc giảm 1 ngày, được ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện. Nếu người ghi sai thì phải chịu trách nhiệm, nếu cung cấp địa chỉ cụ thể ngành Điện sẽ xử  lý.

Về ý kiến của cử tri cho rằng một số xã đã sáp nhập vào TP. Vinh rồi nhưng vẫn sử dụng lưới điện của huyện Nghi Lộc, ông Trâm cho rằng đường dây trục chính trải dài từ huyện này sang huyện khác, một tuyến có thể cấp nhiều huyện, nên không thể tách rời các đường dây cấp riêng từng địa phương. Không phải địa giới hành chính ở đâu thì có lưới cấp riêng ở đó, không thể tách riêng lưới điện được.

Về giá điện, ông Giám đốc điện lực cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 950.000 khách hàng có hợp đồng trực tiếp với Công ty Điện lực, áp dụng theo giá Nhà nước. Còn giá bất cập là do các khu chung cư, tập thể, nhà trọ, nông trường... là do các chủ đầu tư mua điện của Công ty Điện lực bán lại với giá cao hơn, bởi khi họ tính toán giá bán điện, họ tính toán cả chi phí vận hành, hao phí.  Để khắc phục triệt để thì cần chuyển giao tài sản cho ngành Điện, ngành Điện trực tiếp bán thì sẽ đảm bảo giá cả tận hộ tiêu dùng.

Cử tri Lang Thị Hoài (Tân Kỳ) hỏi: Hiện nay điện lưới đã bàn giao cho điện lực, nhưng lưới điện nông thôn ở miền núi xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất an toàn lớn, trong trường hợp có sự cố xảy ra, nguyên nhân do lưới gây ra, vậy ngành Điện có chịu trách nhiệm? Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng Giám Điện lực Nghệ An chịu trách nhiệm chính. Còn ông Giám đốc Điện lực Nghệ An cho rằng cần phải xác định nguyên nhân gây tai nạn mới xác định trách nhiệm cụ thể.

Khó thực hiện hoàn trả theo Thông tư 32

Tại phiên chất vấn, ông Trịnh Phương Trâm cho rằng thực hiện hồ sơ hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn theo Thông tư 32 của Bộ Công Thương quy định, phải thực hiện 5 nội dung mà chủ tài sản phải có. 5 tiêu chí này hầu như chúng ta không làm được, chúng ta đã gửi văn bản nhưng Bộ cũng không trả lời rõ. Do đó việc hoàn trả theo Thông tư 32 sẽ không thực hiện được.

Hiện nay ngành Điện đang cố gắng tìm cách vận dụng hoàn trả cho người dân. Các chủ tài sản lập danh sách những hộ dân đầu tư đóng góp có xác nhận huyện, xã, để vận dụng hoàn trả cho người dân. Hiện Công ty Điện lực nghệ An đã gửi văn bản hướng dẫn cho các xã, phấn đấu trong tháng 7 xong hồ sơ để làm, nhưng hiện trong 86 đơn vị thì mới có 15 đơn vị chuyển hồ sơ.

Ông Trâm cũng lưu ý, ngoài hồ sơ các hộ dân góp vốn được vận dụng linh hoạt theo cách trên, thì các tổ chức, đơn vị khác hoàn trả thì phải đầy đủ hồ sơ thủ tục theo Thông tư 32 đã quy định.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền  cho biết: Về giá trị hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn hiện nay toàn tỉnh còn khoảng hơn 31 tỷ đồng. Tỉnh đang chỉ đạo xử lý vướng mắc.  Tỉnh cũng để xuất Tập đoàn Điện lực quản lý lưới điện theo địa giới hành chính, để thuận lợi hơn. Tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các dự án đô thị, chung cư bàn giao cho ngành Điện quản lý và bán điện. Việc bàn giao lưới điện hạ áp giúp cho chúng ta có điều kiện nâng cấp cải tạo lưới điện, quản lý chuyên nghiệp, an toàn hơn. Nên chúng ta rất quyết tâm để bàn giao. Trong quá trình bàn giao rất khó khăn, thậm chí có nơi không muốn bàn giao nhưng tỉnh chỉ đạo làm quyết liệt, đến nay cả tỉnh còn 2 địa phương là Nghi Liên (TP. Vinh), Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) còn vướng mắc về hồ sơ nhưng cơ bản đã thống nhất.

Kết luận nội dung chất vấn này, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn -Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự trả lời trách nhiệm, cầu thị của Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Điện lực Nghệ An. Ghi nhận những đóng góp hết sức to lớn của ngành Điện cho sự phát triển của tỉnh nhà, tuy nhiên cử tri vẫn còn rất nhiều băn khoăn về hạ tầng điện nông thôn, giá điện, chất lượng điện.

Đến nay, ngành Điện đã đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng cho lưới hạ áp nông thôn. Xây dựng hơn 1.600 trạm biến áp, cải tạo 8.640/10.500 km lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đồng tình cao với đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp mà Giám đốc Sở Công Thương đã trình bày. Đề nghị ngành Điện quan tâm, chăm sóc khách hàng dùng điện ngày càng tốt hơn. Việc hoàn trả lưới điện cần phải xác lập rõ tiền quyên góp đầu tư; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc Thông tư 32, phần hồ sơ được vận dụng phải tập trung hoàn thành trước 30/7/2018 để trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giải quyết.

Về an toàn hành lang lưới điện, còn nhiều vấn đề: cấp đất vi phạm hành lang an toàn lưới điện, hàng quán dưới đường điện,... cần xem xét trách nhiệm của cán bộ địa phương, để chấn chỉnh. Ở những nơi cử tri có ý kiến về giá điện cao đề nghị chính quyền các nơi và ngành Điện kiểm tra để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tránh để trục lợi bất chính.