Đón nông thôn mới dĩ nhiên phải thật vui!

Này nhé, chỉ một ví dụ nhỏ thôi: Trước đây ở các bản, làng miền núi, nhà nào cũng quây chuồng nuôi trâu, bò, lợn, gà ngay dưới gầm nhà sàn. Bao nhiêu chất thải bẩn thỉu, khí mùi đều bốc lên trong không gian sống của gia đình cả. Bệnh dịch, ốm đau cũng từ đó mà ra. Cán bộ xã, huyện, tỉnh đã mất nhiều năm trời tuyên truyền, vận động bà con tách vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, làm chuồng nhốt riêng để vừa bảo vệ sức khỏe cho con người, lại vừa chăm sóc tốt hơn cho gia súc. Nghĩ lại, bà con mới thấy sao hồi xưa mình “chậm tiến bộ” đến thế.

bna_huu_kiem9058611_3082020.jpgHữu Kiệm là xã đầu tiên của huyện biên giới Kỳ Sơn cán đích nông thôn mới. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Làm nông thôn mới, bà con cũng rủ nhau, bày cho nhau xây dựng công trình vệ sinh tự hoại, lại cùng góp công, góp sức xây dựng đường giao thông nội bản, xây dựng nhà văn hóa, sân chơi cho trẻ em. Đường đi, lối lại trong bản trở nên phong quang, sạch sẽ. Nhờ nông thôn mới lũ học sinh không còn sợ hãi khi đi học qua những chiếc cầu khỉ gập ghềnh; việc vận chuyển nông sản của người dân cũng dễ dàng, thuận thiện.

Chưa hết, để chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn, với sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, bà con đã làm quen với hoạt động sản xuất mang tính hàng hóa. Từ mớ rau, hạt lúa, con dê, con lợn… đều được hướng dẫn kỹ thuật để có sản lượng tốt hơn, nhiều hơn và cũng đảm bảo thân thiện với môi trường. Nhờ đó, khi đem bán có giá cao, tăng thêm thu nhập cho mỗi gia đình.

Nông thôn mới cũng giúp cho bà con có điều kiện tốt hơn để giữ gìn các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống. Mọi người có không gian để thể hiện năng khiếu văn hóa, văn nghệ, có địa điểm để diễn xướng dân ca, dân vũ truyền thống của cộng đồng, của dân tộc mình. Đời sống tinh thần cũng vì thế mà tốt hơn lên.

Nhưng quan trọng nhất, nông thôn mới giúp bà con miền núi thay đổi thói quen cố hữu, thiết lập một nếp sống mới phù hợp với xu thế phát triển nhưng cũng không làm biến dạng các giá trị văn hóa cốt lõi truyền thống của ông cha.