(Baonghean) - Đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ KH- KT vào sản xuất và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để tạo ra giá trị kinh tế cao - là thành công nổi bật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Diễn Châu. Vì thế, cùng với cây lúa, Diễn Châu còn xây dựng được thương hiệu nổi tiếng các loại cây rau, màu, như: lạc, vừng, su hào, bắp cải, dưa hấu…
Lúa là cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp Diễn Châu, nhưng thời gian gần đây bắt đầu giảm dần diện tích (nhưng sản lượng lúa vẫn tăng vì đầu tư thâm canh đạt năng suất cao) và theo đó, diện tích các loại cây rau, màu lại tăng vì tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là cây lạc, diện tích gieo trồng của huyện là từ 3.500 – 3.900 ha, nhưng vụ được mùa năng suất bình quân đạt 27 tạ/ha và như vậy sản lượng đạt 10.530 tấn lạc.
Vụ xuân 2013, do thời tiết diễn biến phức tạp, nên huyện chỉ sản xuất được 3.073 ha và năng suất đạt bình quân 26,3 tạ/ha (tổng sản lượng đạt 8.082 tấn). Doanh thu của cây lạc hàng năm đạt hơn 200 tỷ đồng và con số đó chiếm tỷ trọng 15,08% giá trị ngành Nông nghiệp của huyện. Do sản xuất lạc phủ nilon (gần 70% diện tích), đúng quy trình, chọn các giống tốt có năng suất cao như: L26, L14,... và chăm bón đúng quy trình sản xuất tiên tiến, phun vi lượng cho lạc, phòng trừ dịch hại tổng hợp tạo sản phẩm an toàn... nên lạc đạt năng suất, chất lượng cao và luôn được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.
Thu hoạch lạc ở Diễn Thịnh – Diễn Châu.
Với quyết tâm nhân rộng diện tích lạc, khẳng định được vị thế của sản phẩm trên thị trường lạc cả nước, huyện đã khai thác hiệu quả chính sách của tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2013 - 2015. Cùng với đó huyện còn ban hành chính sách để hỗ trợ tập huấn, chỉ đạo sản xuất và nhất là hỗ trợ 20 triệu đồng/ha cho các xã hoàn thành cách đồng mẫu lớn, hỗ trợ 10 triệu đồng/năm cho các xã xây dựng được cánh đồng lạc thu nhập cao, đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ tưới, tiêu cho cây lạc...
Rõ ràng, sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư kịp thời của các cấp, ngành và sự năng động, linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp của người dân, thì cây lạc Diễn Châu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một điều thấy rất rõ trong thời gian qua, là lĩnh vực này vẫn chưa tạo được bước “đột phá” mạnh mẽ làm thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất của người trồng lạc. Nhận thấy được điều này, nên gần đây, huyện Diễn Châu đã quyết tâm chọn hướng đầu tư mới cho cây lạc, đó là xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Vụ xuân 2013, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án và mạnh dạn hỗ trợ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giống, vốn, kỹ thuật... vận động người dân các xã Diễn Hùng, Diễn Thịnh, Diễn Kỷ... xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trồng hơn 165 ha lạc và qua thu hoạch năng suất đạt gần 28 tạ/ha.
Cùng với sự khởi đầu thuận lợi đó, Diễn Châu được tỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Diễn Hùng. Bà Hoàng Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Sau khi có quyết định của tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” và các văn bản hướng dẫn của sở Nông nghiệp &PTNT, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn khảo sát và lựa chọn địa điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn sau đó tổ chức triển khai đến các hộ dân thuộc vùng quy hoạch cánh đồng mẫu lớn của xã Diễn Hùng để tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của hộ khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, đồng thời tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật. Với quy mô 31 ha, được trồng bằng giống lạc L14 tại vụ xuân 2013 và nhờ thực hiện đúng quy trình nên năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha”.
Từ kết quả của việc thực hiện cách đồng mẫu lớn, so sánh với cách sản xuất truyền thống thì năng suất lạc tăng từ 1- 2 tạ/ha. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã gặp một số khó khăn, như: Một số cánh đồng chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, diện tích xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa nhiều và chính sách thực hiện cánh đồng mẫu lớn của tỉnh hạn chế, chính sách của huyện hỗ trợ 20 triệu đồng/1 ha chưa thực sự khuyến khích các xã tích cực trong xây dựng cánh đồng mẫu...
Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Diễn Châu đang thực hiện thí điểm, nên rất cần được giải quyết những vấn đề bất cập. Hiện nay tại Diễn Châu đã có các doanh nghiệp hợp tác cùng với nông dân để sản xuất lạc chất lượng cao, sau đó đảm nhận khâu thu mua, chế biến tại chỗ và phần lớn sản phẩm được xuất khẩu. Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng ở Diễn Thịnh đã thực hiện “khép kín” quy trình sản xuất, từ khâu tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác giống lạc mới cho người dân, hỗ trợ giống, phân bón... và đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua các thiết bị chế biến lạc đáp ứng chất lượng xuất khẩu. Doanh nghiệp này cũng được hưởng lợi từ “Dự án cạnh tranh nông nghiệp”, nên đã đồng hành, gắn bó lâu dài với người nông dân trồng lạc.
Đất canh tác của huyện Diễn Châu chủ yếu phù hợp với các loại cây lúa, lạc, ngô... nhưng do mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên trong những năm qua, huyện đã xây dựng được hơn 2.000 ha rau, màu và sản lượng, chất lượng hàng hóa tăng nhanh hàng năm. Tại xã Diễn Thành, bà con nông dân rất thành công trong việc trồng các loại rau cải bắp, súp lơ... Ông Phan Nhật Thành - Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho hay: “Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng, xã luôn vận động người trồng rau áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chọn giống ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, tưới nước sạch, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại để có năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Chính vì vậy, thương hiệu rau xanh của xã vươn rộng khắp các thị trường trong tỉnh, các tỉnh phía Bắc”.
Cũng để phát triển nhanh diện tích rau màu hàng hóa, Diễn Châu đã quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch nhằm xây dựng được những vùng rau hàng hóa, đồng thời áp dụng các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư thâm canh. Với hướng đầu tư đó, không chỉ Diễn Thành nổi tiếng về rau, mà xã Diễn Xuân còn nổi tiếng về cây dưa chuột vụ đông, Diễn Phong trồng dưa hấu hè thu... Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sản xuất thâm canh, nghề trồng rau quả ở Diễn Châu hàng năm thu hoạch khoảng 26.000 tấn sản phẩm và đạt giá trị khoảng 104 tỷ đồng (chiếm 5,32% giá trị ngành Nông nghiệp của huyện).
Mặc dù luôn đạt những kết quả rất đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp, nhưng bà con nông dân Diễn Châu vẫn luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để có được những cách làm mới, hướng đi mới mà hiệu quả cao. Và đây là một trong những yếu tố quan trọng đã và đang giúp cho nông dân Diễn Châu làm giàu từ nghề nông.