(Baonghean) - Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép cơ bản đã được chấn chỉnh trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, quy trình cấp mỏ mới còn hết sức chậm, vô tình đã đẩy giá cát sỏi trên thị trường lên cao. Bên cạnh đó, hàng ngàn lao động trực tiếp liên quan đến nghề khai thác cát sỏi đang sống trong tình trạng thấp thỏm, chờ đợi vì chưa có việc làm.
Những hệ luỵ và bất cập
Đến nay, sau khi các cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành các biện pháp ngăn chặn nhằm thiết lập trật tự của hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn thì tình hình đã ít nhiều tỏ ra yên ổn hơn, song thực trạng lại phát sinh những diễn biến khác mà không chỉ đơn thuần là hành vi hút cát, sỏi lén lút, thẩm lậu. Chúng tôi về xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) - đơn vị được chọn xã điểm xây dựng NTM. Với nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương, đến nay Nghĩa Đồng đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng tỏ ra lo lắng khi nói rằng, sẽ có nhiều công trình đang xây dựng của địa phương bị chậm tiến độ, gặp khó khăn do giá cát sỏi đang tăng lên từng ngày. Xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ nằm dọc theo chiều dài 9km của dòng sông Con. Theo khảo sát, quy hoạch, xã có 5 điểm mỏ cát sỏi. Từ trước đến nay, chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực hoàn toàn không mất tiền để mua cát khi xây dựng các công trình hạ tầng và dân sinh. Nhưng nay, sau khi tỉnh thực hiện việc siết chặt khai thác cát, sỏi tự do và cấp phép cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hải An đến hoạt động trên địa bàn thì địa phương và người dân phải bỏ tiền nếu muốn có cát để làm đường, xây nhà. Ông Ngô Xuân Nghĩa đưa ra so sánh, nếu trước đây giá 1m3 cát khoảng 100 nghìn đồng thì hiện tại giao động từ 160 đến 180 nghìn đồng; 1m3 sỏi từ 160 nghìn đồng đã tăng lên 360 đến 380 nghìn đồng.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2013, xã Nghĩa Đồng sẽ phải tập trung xây dựng 10km đường bê tông liên thôn sau khi có hỗ trợ xi măng của Nhà nước. Công trình này dự toán cần 2.500m3 cát và 4.000m3 sỏi, nếu là trước đây tổng giá trị đầu tư là 2,4 tỷ đồng thì nay sẽ là trên 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, xã Nghĩa Đồng cũng đang tiến hành cải tạo, nâng cấp Trường tiểu học và phải gánh thêm khoảng 500 triệu đồng do giá cát, sỏi tăng. Ngoài ra, 9 công trình nhà văn hóa các thôn, xóm sẽ phải thực hiện trong thời gian tới và với giá cát sỏi như hiện nay, tổng giá trị mỗi nhà văn hóa sẽ đội lên bình quân 200 triệu đồng. Đó là chưa kể, xã đang vận động 2.200 hộ dân cải tạo, nâng cấp nhà cửa để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Nhu cầu cát, sỏi để đầu tư xây dựng trên địa bàn là rất lớn. “Chính quyền địa phương và nhân dân rất ủng hộ việc cấm khai thác cát, sỏi trái phép vì những hệ quả mà nó để lại đã thể hiện rõ ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, Nhà nước cần có quy định chung về giá cát sỏi bán tại bến để từ đó quản lý giá cát sỏi. Chứ xây dựng NTM, Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng với giá cát, sỏi như hiện nay thì sức dân khó kham nổi”, ông Nghĩa kiến nghị. Cũng liên quan đến xây dựng NTM, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người dân xã Tân An (Tân Kỳ) phải nhiều ngày nhọc nhằn bê lên, đặt xuống, đảo trên, đảo dưới nhằm tránh đông kết cho 200 tấn xi măng được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới vì giá cát, sỏi tăng cao. Cuối cùng, Tân An đã quyết định dùng đá dăm xanh để đổ bê tông làm đường thay vì sạn do giá cả hợp lý hơn.
Tại huyện Đô Lương, qua trao đổi, ông Đào Văn Tài - Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn khẳng định rằng, việc Nhà nước cấm khai thác cát sỏi trái phép là hoàn toàn đúng đắn, nhưng cũng vì điều này mà giá cát xây dựng hiện nay đã tăng từ 30 đến 40% so với trước thời điểm các lực lượng chức năng tổ chức truy quét, đẩy đuổi hoạt động vi phạm, cho dù nguồn cung ứng không thiếu. Đó là sự lợi dụng quy định cấm để các đối tượng khai thác thổ phỉ tăng giá cát, sỏi.
Để chứng minh lời ông Tài về nguồn cung dồi dào, chúng tôi đã tới bến Ghép - Thị trấn Đô Lương và đã được “mục sở thị” hoạt động vận chuyển, bán buôn rộn ràng nơi đây dù đã 12 giờ trưa. Dòng sông Lam đỏ ngầu nước chảy cuồn cuộn. Trời vô cùng oi bức báo hiệu một cơn giông đang đến càng được nung nóng bởi khói diezen và âm thanh ồn ã của những cỗ máy hút cát làm việc hết công suất. Dưới lòng sông, chốc chốc lại nặng nề rà đến một chiếc nốc máy với khoang đầy ắp cát xả xuống bãi tập kết. Trên bờ, những chuyến xe tải xì khói nối nhau trườn qua vệt đê đang làm dở để “ăn” cát, rồi tiến, rồi lùi. Tất cả tạo ra một bức tranh xám xịt. Hỏi một người đàn ông tên Vinh trú ở xóm 7, xã Đặng Sơn (Đô Lương), ông này nói rằng khu vực tập kết cát, sạn ở bến Ghép do Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Tiến Hoa làm chủ.
Qua tìm hiểu, ông Trương Công Thảo - Chủ tịch UBND Thị trấn Đô Lương cho biết, Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Tiến Hoa được UBND huyện ký hợp đồng cho phép thuê mặt bằng, bến bãi tại bến Ghép để tập kết cát, sỏi. Về phần vai trò của chính quyền thị trấn, ông Thảo đã khá lúng túng khi nói rằng: Địa phương cũng nhận một khoản tiền từ doanh nghiệp gọi là phí tu sửa đường sá giao thông và vệ sinh môi trường.
Như vậy, có thể thấy ở Đô Lương, song song với việc truy quét các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép lại ngang nhiên cho tồn tại bãi tập kết khoáng sản cát sỏi chẳng khác gì địa phương đã “bật đèn xanh” cho hoạt động trái phép, đi ngược lại với quy định. Nhưng câu chuyện khai thác cát, sỏi tự do trên sông Lam ở Đô Lương không chỉ có tại bến Ghép mà đã thậm thụt diễn ra nhiều nơi, trên nhiều địa bàn các xã như: Tràng Sơn, Đặng Sơn, Bắc Sơn, Lưu Sơn… Trong khi đó, huyện Đô Lương đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển tài nguyên Thái Cực có giấy phép khai thác. Theo ông Nguyễn Quang Minh – Phòng TN&MT huyện Đô Lương, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển tài nguyên Thái Cực được tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi vào cuối năm 2012 (chính xác là ngày 7/12/2012, Quyết định số 4958/QĐ - UBND.TN). Địa điểm cấp mỏ thuộc khu vực xã Bồi Sơn. Diện tích được cấp là 19,83 ha với trữ lượng trên 800.000m3.
Một vấn đề khác đặt ra đối với chính quyền các địa phương sau khi truy quét khai thác cát, sỏi trái phép - đó là việc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động vốn sống dựa vào nghề này. Chị Ngô Thị Tuyết, xóm 1A, xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) cho biết, gia đình chị đã vay 300 triệu đồng mua máy hút, sắm nốc để “làm” cát, nhưng chỉ mới hoạt động được 2 tháng thì máy móc, phương tiện bị thu giữ, xử phạt. “Nỏ biết làm răng dừ, trong khi tiền lãi tháng nào cũng phải trả. Chỉ mong sau khi đấu thầu các mỏ cát thì chính quyền tạo điều kiện cho chúng tôi có việc làm” - Chị Tuyết lo lắng.
Ở xã Nghĩa Đồng cũng có 3 hộ: Ông Hoàng Văn Hưng ở xóm 3, Trần Văn Hùng ở xóm 6B, Nguyễn Văn Thông ở xóm 6A vay hằng trăm triệu đồng để đầu tư cho hoạt động khai thác cát, sỏi và giờ đây đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Theo thống kê, huyện Tân Kỳ hiện có trên 300 đối tượng với 40 phương tiện trước đến nay chuyên kiếm sống bằng việc hút và vận chuyển cát sạn trên sông. Nhóm đối tượng này hoạt động dưới 2 hình thức là HTX và tự do. Huyện Thanh Chương cũng có 42 thuyền máy và có tới 320 người làm nghề khai thác cát sỏi. Anh Phạm Đình Hà ở xóm 6, xã Đặng Sơn (huyện Đô Lương), nói rằng, do không có đất canh tác, sản xuất trên bờ nên gia đình đang rơi vào tình trạng khốn đốn do không được khai thác, vận chuyển cát sỏi trên sông. Thực tế này cũng đang đến với trên 200 hộ của 2 xóm vạn chài là 6 và 7 ở xã Đặng Sơn.
Qua trao đổi, ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Khoáng sản - Sở TN&MT Nghệ An nói rằng, rất khó xác định chính xác số lao động hành nghề đào, hút cát sỏi lâu nay, nhưng con số không dưới 1000 người. Trước thực trạng trên, giải quyết việc làm cho các đối tượng trên đang là vấn đề đau đầu với nhiều địa phương không chỉ Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ mà còn cả Nam Đàn, Hưng Nguyên.
Trong buổi giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy với bí thư các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy trực thuộc vào sáng ngày 9/8/2013, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động hậu quản lý khai thác cát, sỏi cũng được các đồng chí bí thư một số huyện đặt ra. Đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên cho biết: “Tại Hưng Nguyên, tình hình khai thác cát sỏi đã lắng xuống, bà con chấp hành rất nghiêm túc. Như tại xã Hưng Long, người dân khai thác cát, sỏi đã thành lập HTX Nghĩa Sơn Long với 31 tàu thuyền. Cuộc sống của 74 hộ, 350 khẩu bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào nghề này. Vì vậy, huyện đề nghị tỉnh sớm cấp mỏ cho bà con có điều kiện làm nghề, nhanh chóng ổn định cuộc sống; đồng thời đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho thị trường xây dựng, góp phần ổn định giá cát sỏi hiện đang lên cao hơn 1,5 lần so với trước đây”.
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác cát sỏi
Có thể khẳng định, việc các cơ quan chức năng liên tiếp mở những đợt ra quân truy quét, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi thổ phỉ với mục tiêu chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn khoáng sản thiết yếu và từng bước tạo lộ trình cho công tác quản lý, cấp phép khai thác hiệu quả đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của chính quyền các cấp và đại đa số nhân dân.
Tuy nhiên, với tiến độ và lộ trình cấp phép mỏ khai thác cát, sạn còn chậm như hiện nay đã trực tiếp nảy sinh một số vấn đề như: giá cát sỏi lên cao, người lao động liên quan đến nghề khai thác cát, sỏi lâm vào cảnh thất nghiệp và nếu để quá lâu sẽ xẩy ra tình trạng “nhờn” luật, bất chấp quy định, hoạt động khai thác trái phép sẽ tiếp diễn. Làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu về vật liệu cát sỏi cho hoạt động xây dựng vừa đảm bảo tính lành mạnh của thị trường và nhất là giải quyết bài toán về lao động việc làm cho hàng ngàn người dân? Hầu hết ý kiến đều tán thành việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép cho các công ty, doanh nghiệp có đủ năng lực và điều kiện.
Theo khảo sát, quy hoạch của Sở TN&MT tỉnh, Nghệ An có 118 điểm mỏ cát, sỏi với tổng trữ lượng tài nguyên được xác định là 94,7 triệu m3. Cả tỉnh có 16 huyện được khảo sát, quy hoạch mỏ cát sỏi, trong đó nhiều nhất là huyện Thanh Chương với 25 điểm mỏ, Thái Hòa 24 điểm mỏ, Anh Sơn 13 điểm mỏ, Đô Lương và Tân Kỳ mỗi huyện có 12 điểm mỏ. Thế nhưng, cả tỉnh mới chỉ có 8 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi. Trong đó khu vực Tân Kỳ có 2 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, còn lại địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành và Nghĩa Đàn, mỗi huyện có 1 doanh nghiệp.
Hoạt động khai thác cát sỏi tại sông Con của Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải An, 1 trong 8 doanh nghiệp được tỉnh cấp giấy phép.
Ông Phạm Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Mặc dù hiện tại đã có 2 công ty được Nhà nước cấp giấy phép quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi nhưng trên lưu vực dòng sông Con đoạn do địa phương quản lý, cần có 7 doanh nghiệp đủ năng lực thì mới đáp ứng được nhu cầu và giải quyết các vấn đề phát sinh”. Nhu cầu cấp mỏ mới bức thiết như vậy, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại việc thẩm định cấp phép đang vướng mắc quá nhiều ở thủ tục hành chính.
Một doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi thì đồng thời phải thực hiện quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Giao thông đường thủy… Chính vì vậy, từ lý thuyết đến thực tiễn là một quãng đường không dễ để đến đích. Nhưng không chỉ có vậy, việc cấp giấy phép khai thác phải thực hiện theo quy trình nhiều khâu, nhiều đoạn như: Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin chủ trương khai thác, cơ quan có thẩm quyền xét duyệt hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì trình UBND tỉnh cấp phép khảo sát thăm dò. Doanh nghiệp tiến hành thăm dò, thời gian thăm dò gồm có thời gian xây dựng dự án đầu tư, phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, cam kết. Thời hạn thăm dò không quá 2 năm, gia hạn không quá 4 năm…
Ông Trần Văn Toản - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT nói rằng: “Một doanh nghiệp từ khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép khoáng sản đến khi chính thức khai thác tại thực địa nhanh nhất cũng kéo dài 6 tháng. Không thể làm khác được, phải đảm bảo quy trình theo luật. Hoạt động này còn phải thông qua các sở TN&MT, Giao thông, Xây dựng, Công Thương, NN&PTNT”. Hiện tại, Sở TN&MT mới tiếp nhận hồ sơ của 13 doanh nghiệp xin cấp giấy phép để được khai thác cát sỏi. Và căn cứ theo quy trình trên thì phải trong một thời gian khá dài nữa mới có thêm doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này.
Theo ghi nhận của chúng tôi ở các địa phương đã làm việc, cũng như một số ý kiến của đại biểu trong kì họp HĐND tỉnh vừa qua đều đề nghị các đơn vị chức năng và UBND tỉnh có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt hồ sơ.
Thực hiện việc cấp giấy phép cho đơn vị đủ điều kiện và năng lực, kể cả các tổ chức hoạt động theo hình thức HTX khai thác cát sỏi trước đây. Bên cạnh đó, tạo điều kiện và có những quy định đối với các công ty khai thác cát, sỏi trong việc thu hút lao động, tạo việc làm cho người dân.
Ở Tân Kỳ, chính quyền địa phương cũng đang tạo điều kiện để Công ty TNHH Một thành viên Hòa Cường (đơn vị có giấy phép) tiếp nhận sự sáp nhập của HTX khai thác cát sỏi Lưu Xuân. Đây cũng là giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở đó từng bước làm lành mạnh hóa hoạt động khai thác, ổn định thị trường giá cả cát, sỏi cũng như làm cân bằng các vấn đề về lợi ích.