Kể từ năm 2009, SLNA được UBND tỉnh Nghệ An chuyển giao toàn bộ cho Ngân hàng Bắc Á, đáp ứng theo quy định của điều lệ bóng đá chuyên nghiệp. Kết thúc V.League 2018, nguyện vọng của tỉnh nhà là muốn SLNA có một bước đột phá, giữ chân các trụ cột.
Thời gian qua, SLNA đã đàm phán với một đơn vị kinh tế mới có đại diện tại Hà Nội, gói tài trợ được hứa hẹn là 60-65 tỷ đồng/năm, thế nhưng đơn vị này không chỉ đơn thuần là tài trợ, mà yêu cầu lập một công ty riêng, sở hữu toàn bộ tài sản của SLNA, bao gồm cả công tác đào tạo trẻ.
Khi V.League 2019 đã cận kề, hợp đồng tài trợ chính thức vẫn chưa được ký, đội bóng xứ Nghệ vẫn chuẩn bị cho mùa giải mới một cách cầm chừng. Đến nay, có thể khẳng định mọi nỗ lực đàm phán đã đổ bể vào phút chót. Đặc biệt là khi số tiền tài trợ giảm xuống 50 tỷ đồng/năm, 10 tỷ còn lại buộc SLNA phải tìm kiếm từ nguồn kinh doanh.
Về tiến trình đàm phán tài trợ, Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ với Báo Nghệ An: “Nhà tài trợ, SLNA và UBND tỉnh chưa thống nhất được một số điểm nên chưa thể ký được hợp đồng. Chỉ khi hợp đồng được ký, phải giao toàn bộ đội bóng cho họ thì họ mới có trách nhiệm với SLNA. Trong trường hợp xấu nhất, UBND tỉnh và Ngân hàng Bắc Á sẽ có hướng giải quyết. Đến nay vì chưa có nguồn tài trợ nên SLNA vẫn chưa ký được hợp đồng với các ngoại binh”.
Nếu SLNA được chuyển giao toàn bộ cho một doanh nghiệp khác, nhưng không có lộ trình phát triển và cam kết cụ thể, tương lai, bản sắc và truyền thống của SLNA là điều khó đoán định. Đặc biệt là công tác đào tạo trẻ, vốn là niềm tự hào, xương sống của bóng đá xứ Nghệ.
Theo nguồn tin riêng của Báo Nghệ An, đối với công tác đào tạo trẻ mỗi năm cần 25-30 tỷ đồng, nuôi dưỡng gần 300 VĐV trẻ, UBND tỉnh sẽ kết hợp với một số doanh nghiệp để duy trì.
Đối với đội 1 SLNA, kinh phí tối thiểu như những năm qua cần 30 tỷ đồng/mùa, Ngân hàng Bắc Á sẵn lòng dang tay tiếp tục tài trợ. Một số Mạnh thường quân yêu mến đội bóng SLNA cũng sẵn sàng chung tay giúp đội bóng đủ kinh phí tham dự V.League 2019 trước khi tìm ra một hướng đi mới./.