Nếu như Thái Lan và Malaysia đã có chiến lược dự World Cup của mình thì năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thông qua “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, chia làm 2 giai đoạn với mục tiêu chính:

• Giai đoạn 2016-2020: Đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); bóng đá nam đứng vào top 15, bóng đá nữ đứng trong top 6 châu Á.

• Giai đoạn 2021-2030:Bóng đá nam đứng top 10, bóng đá nữ đứng top 6 châu Á

bna_hai121888276_16122018.jpgĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: Trung Kiên

Để thực hiện mục tiêu trên, bản chiến lược có nêu lên các giải pháp đáng chú ý:

1. Cử các đội tuyển lứa tuổi trẻ (14 - 18 tuổi) đi đào tạo dài hạn (tối thiểu 2 năm) ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển.

2. Hình thành 03 Học viện bóng đá quốc gia thuộc quản lý của Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

3. Xây dựng trung tâm khoa học công nghệ - y học phục vụ huấn luyện bóng đá, cơ sở dữ liệu bóng đá quốc gia.

4. Cải tiến, chuyên nghiệp hóa hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, đảm bảo vận động viên bóng đá U21 được thi đấu tối thiểu 20 trận mỗi năm.

5. Có chính sách khuyến khích các tài năng bóng đá người Việt ở nước ngoài tham gia thi đấu cho đội tuyển quốc gia.

6. Phát triển bóng đá học đường, bóng đá đường phố. Số lượng CLB phong trào đạt 7.500 CLB (2020) và 12.000 CLB (2030).

7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong quản lý, huấn luyện bóng đá

Dựa vào những kết quả trong thời gian qua có thể nói bóng đá Việt Nam đang dần hoàn thiện mục tiêu của mình trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, giữ được các thành quả đạt được đã khó, việc nâng cao thành tích, vươn tầm mục tiêu thì còn là công việc khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, để có thể hoàn thành được mục tiêu tiếp theo, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể và quyết liệt hơn nữa./.