Toàn xã An Hòa có hơn 50 ha ở vùng Đồng Cầu, Triềng Chùa thuộc HTX Bút Lĩnh và Toàn Thắng luôn gặp khó khăn về nguồn nước vì nằm ở cuối kênh tưới. Vì vậy, cứ vào đầu mùa sản xuất, đặc biệt là vụ gieo cấy hè thu thì bà con lại cố gắng chắt chiu từng giọt nước để đưa vào ruộng.
Ông Vũ Duy Bằng, xóm Minh Tiến cho biết: Gia đình tôi có 4 sào ruộng ở vùng cao Đồng Cầu. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này để cấy được lúa gia đình lại vất vả ngày đêm để trực nước dẫn từ đầu nguồn về kênh nhỏ. Tuy nhiên, do nguồn nước hạn hẹp, mực nước ở kênh thấp, trong khi đó chân ruộng lại cao nên để đưa nước vào ruộng rất khó khăn.
Năm nay, tôi đã đầu tư gần 2 triệu đồng mua máy bơm mini chạy bằng xăng, cùng vòi dẫn nước dài 80 mét. Vào vụ này, máy bơm phải hoạt động thường xuyên, chi phí rất tốn kém. Ước tính, để một sào ruộng có nước gieo cấy thì gia đình phải tốn đến 200 nghìn đồng bao gồm cả tiền xăng và tiền công.
Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Mai ở xóm 3, xã Quỳnh Lâm có 2 sào đất ở vùng khó lấy nước. Vào mùa vụ này, bà thường xuyên phải dùng đến máy bơm nước hoạt động cả ngày lẫn đêm để hút nước từ mương nhỏ vào nương. Do phải chạy liên tục, máy bơm nhanh hỏng nên mỗi năm bà phải đầu tư mua một cái máy bơm nước mới.
Thời tiết nắng nóng nên khi nước vào đủ ngập chân ruộng, bà Mai thuê máy móc đến dập đất và đắp bờ cao lên để giữ nước đồng thời cấy kịp thời, tránh nước bốc hơi rất khó cấy.
Còn xã Quỳnh Lâm có 700 ha sản xuất lúa hè thu trong đó chỉ có 100 ha nguồn nước ở sông nông giang tưới thẳng được vào ruộng. Theo ông Hồ Ngọc Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm, 600 ha còn lại người dân phải dùng máy bơm nước bằng xăng để tự cấp nước sản xuất. Toàn xã hiện có hơn 1.000 chiếc máy bơm nước mini người dân đầu tư để bơm nước, phục vụ việc gieo cấy.
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có một số xã ở cuối nguồn nước của hệ thống bara Đô Lương - điểm dẫn nước chính về địa bàn; như: An Hòa, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Thanh...
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, các xã ở cuối kênh bị thiếu nước cục bộ ở một số vùng.