Trên diện tích 1.000 m2trồng rau quả kém hiệu quả, được hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Võ Thị Ngọc ở xóm Tâm Mỹ, xã Tam Hợp đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng 2.200 gốc dưa lưới trong nhà lưới, nhà màng theo công nghệ Nhật Bản với tổng kinh phí đầu tư trên 200 triệu đồng.
Dưa lưới được trồng từ tháng 3/2018 đến nay cho thu hoạch vụ đầu tiên đạt năng suất cao (từ 45 - 60 tấn/ha). Quả có trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2,5 kg, màu sắc bắt mắt, quả tròn đều, ruột quả có màu cam tươi, thơm ngọt.
Chị Ngọc phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình trồng nhiều loại rau, hiệu quả kém, thu nhập thấp nên được sự hỗ trợ của địa phương, gia đình tôi chuyển sang trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới.
Gia đình được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa lưới theo công nghệ cao, tính toán lượng phân bón phù hợp, cách thức thụ phấn thủ công, hạn chế sâu bệnh tối đa và không sử dụng thuốc trừ sâu; nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn.
Tuy đây mới chỉ là vụ thử nghiệm đầu tiên trồng dưa lưới trên diện tích 1.000 m2, sau 3 tháng, vườn dưa cho năng suất khoảng 3 tấn và giá sỉ bán tại vườn từ 40 - 50 ngàn đồng/kg; trừ chi phí gia đình lãi khoảng 80 triệu đồng”.
Trao đổi về hiệu quả mô hình trồng dưa lưới thử nghiệm lần đầu tiên ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, ông Vi Thành Vinh - Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: "Từ kết quả bước đầu của mô hình dưa lưới trồng trong nhà lưới, nhà màng của gia đình chị Ngọc, ước tính mô hình sản xuất dưa lưới mang lại thu nhập cho bà con từ 300 - 350 triệu đồng/ha; mở ra hướng chuyển đổi sinh kế bền vững cho bà con nông dân vùng đất Tam Hợp. Rút kinh nghiệm từ khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để vụ hè thu sắp tới người dân địa phương nâng cao hiệu quả, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả này"./.