Một phần do bất lợi của thời tiết, phần nữa giá cả vật tư phân bón tăng cao, đẩy chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp đội lên nhiều lần nên vụ đông năm nay nông dân không mặn mà với đồng ruộng. Đến nửa tháng 11/2021, toàn tỉnh mới chỉ khép kín được 73% diện tích so với kế hoạch đề ra.
Trước tình hình giá cả phân bón tăng cao, tại nhiều địa phương, nông dân có cách làm hay để thích ứng với giá phân bón tăng cao. Cụ thể như nông dân Tân Kỳ đã sản xuất đại trà phân bón hữu cơ vi sinh từ phân chuồng, cây xanh, rỉ mật với chế phẩm sinh học. Trung bình mỗi năm, nông dân Tân Kỳ sản xuất ra khoảng 3.000 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng; khoảng 80% hộ dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh.
Hàng năm, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.
Ông Trần Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ cho biết: “Với giá thành nguyên liệu rẻ, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất; giúp tái tạo đất, giữ ẩm tốt, rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay”.
Ở Anh Sơn, mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinhcũng đã triển khai, nhân rộng ra được 10 xã, thị trên địa bàn. Nông dân các xã như: Tào Sơn, Khai Sơn, Cẩm Sơn... đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã cây ngô, mía, các loại phân gia súc, gia cầm... để chế biến thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất.
Nhiều năm nay, một số hộ dân ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc) đã biết cách chế biến phân bón hữu cơ để bón cho hoa màu nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hộ ông Đặng Thọ An (xóm 4, xã Nghi Trường) làm 2 sào dưa hấu, để thay thế phân bón vô cơ, ông thường mua các loại cá nhỏ ở cảng cá Cửa Lò về ngâm, ủ rồi tưới cho dưa. Đồng thời, chế thuốc trừ sâu bằng hỗn hợp tỏi, ớt, gừng, rượu để phun cho cây.
Ông Đặng Thọ An cho biết: “Với cách làm này, vừa giảm chi phí mua vật tư, vừa sản xuất theo hướng sạch, an toàn nên giá rất được thị trường ưa chuộng. Vì thế, dưa hấu, dưa lưới, cà chua của gia đình làm ra đến đâu bán hết đến đó, giá lại nhỉnh hơn thị trường”.
Hiện, trước thực trạng giá phân bón leo thang, một mặt Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, Cục QLTT kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng đầu cơ găm giá; sản xuất và buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Mặt khác, vận động nông dân bám đồng sản xuất, ứng dụng các mô hình sản xuất cải tiến, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt nhằm giảm chi phí đầu vào”.