Những thửa đất 2 vụ lúa được bà con xã Mã Thành chuyển đổi trồng cây nhân trần. Ảnh: Xuân Hoàng Những ngày này, những thửa ruộng được trồng cây nhân trần ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành đang gần vào vụ thu hoạch; còn những gia đình trồng trong vườn nhà đã thu hoạch xong.
Vợ chồng ông Thái Khắc Trình ở xóm Đá Dựng, xã Mã Thành, đang bó để cất giữ cây nhân trần đã phơi khô, khoe: Gia đình có 500 m2 cây nhân trần, được trồng từ thời điểm nắng hạn khủng khiếp của tháng 6, trong đất màu vườn nhà. Nhờ gia đình có giếng khoan loại to, bơm tưới thường xuyên, nên năng suất đạt cao, sau khi phơi khô, ước được 3 tạ.
"Năm trước, thương lái thu mua với giá 38.000 đồng/kg, nhưng năm nay thương lái đã đưa ra giá giảm xuống 28.000 đồng/kg. Với giá đó, vợ chồng tôi thu về trên 8 triệu đồng. Không có cây trồng nào trồng trên vùng đất này có mức thu nhập cao như vậy", - ông Thái Khắc Trình nói.
Cây nhân trần được người dân xã Mã Thành và Tiến Thành thu hoạch, mang về phơi khô. Ảnh: Xuân Hoàng Ông Trần Văn Thảo - Bí thư chi bộ xóm Đá Dựng cho biết: Cả xóm năm nay trồng được 9 ha nhân trần trên đất vườn và đất 2 vụ lúa. Đặc thù ở đây thường xuyên bị hạn hán, phần lớn diện tích đất 2 lúa không cấy được nên nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây nhân trần. Tuy nhiên, những hộ trồng được nhân trần là nhờ có nước giếng khoan để tưới hàng ngày. Bắt đầu từ ngày 15/8, bà con tiến hành thu hoạch cây nhân trần, năng suất đạt từ 1,5 tạ/sào trở lên.
Theo ông Trần Đình Cảnh - Chủ tịch UBND xã Mã Thành cho biết, năm nay bà con trên địa bàn xã trồng được hơn 10 ha cây nhân trần. Mặc dù thương lái chưa thu mua, nhưng qua nắm bắt thông tin, năm nay giá nhân trần giảm xuống 28.000 đồng/kg, trong khi năm trước 38.000 đồng/kg.
Cây nhân trần thu hoạch bằng cách nhổ cả gốc rễ. Sau khi phơi khô, được bảo quản cẩn thận, chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Xuân Hoàng Tuy vậy, so với các loại cây trồng khác thì nhân trần vẫn mang lại nguồn thu nhập cao nhất đối với xã miền núi, thường xuyên bị khô hạn này.
Cạnh bên Mã Thành là xã Tiến Thành, diện tích cây nhân trần còn nhiều hơn, bởi nông dân địa phương này đã đưa loại cây này về trồng từ nhiều năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Đại - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thành, cho biết: Cây nhân trần được xem là cây trồng chủ lực của địa phương trong thời điểm nắng hạn hàng năm. Từ tháng 6, bà con đã gieo giống, sau gần 3 tháng cho thu hoạch. Vụ này, toàn xã Tiến Thành có khoảng 20 ha cây nhân trần, trong đó 10 ha được bà con chuyển đổi trồng trên đất 2 vụ lúa.
Đối với 2 xã miền núi Mã Thành và Tiến Thành của huyện Yên Thành, nhân trần là cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao nhất trong thời điểm nắng hạn hàng năm. Ảnh: Xuân Hoàng "Cây nhân trần sau khi thu hoạch, được thương lái thu mua, sau đó nhập cho các hiệu thuốc bắc, hoặc sử dụng để làm nước giải khát, nên có bao nhiêu cũng bán hết" - ông Nguyễn Hữu Đại cho hay.
Theo bà con ở đây cho biết, trồng cây nhân trần ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, do không phải mua giống (khi cây nhân trần đã phơi khô, hạt rơi xuống, bà con lấy làm giống cho vụ sau) nhưng chấp nhận bỏ nhiều công sức chăm sóc. Khi cây ra hoa là thu hoạch bằng cách nhổ cả rễ, phơi khô, bó gọn, chờ thương lái đến thu mua./.