MÙA HÁI “LỘC RỪNG”
Nhiều địa phương đang có chủ trương đưa sim về thuần hóa, trồng trong các vườn đồi. Video: Thanh Phúc - KT: Lâm Tùng |
Chị Nguyễn Thị Thọ, người dân xã Xuân Lam cho biết: “Tranh thủ lúc nông nhàn, mùa sim chín 2 mẹ con đi hái sim. Chủ yếu là hái ở khu vực rú Nhón, rú Thành. Chăm chỉ, chịu khó, mỗi ngày 2 mẹ con cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng”.
Theo chị Thọ, một người có “thâm niên” trong nghề hái sim rừng thì muốn hái được nhiều sim phải đi sớm, chịu khó leo vào những chỗ vách đá dựng, nơi sim mọc dày. Nếu đi muộn, người đi trước hái hết rồi, mình “đi mót” thì chỉ được vài cân thôi. Ngoài ra, khi hái cũng để ý đến những quả xanh, ương, “căn” được bao giờ thì sim chín để đi hái. Do đó, cùng cánh hái sim với nhau cả nhưng người thì kiếm được tiền trăm mỗi ngày nhưng có những người chỉ kiếm được tiền chục là vì thế.
Xã Mỹ Thành (Yên Thành) có 100ha sim mọc tự nhiên ở các sườn đồi, thời gian này, người dân cũng đang đổ xô thu hái “lộc rừng”. Sim sau khi thu hái được tập kết và có thương lái đến tận nơi thu mua. Sim Mỹ Thành chín sớm hơn các nơi khác nên hiện nay, mức giá thu mua đang cao từ 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg, có bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu, bà con thu ngay “tiền tươi” sau mỗi buổi hái sim.
Năm nay, mưa nhiều, nắng to nên sim được mùa, trái to, mọng và ngọt nên dễ tiêu thụ, giá cũng cao hơn mọi năm từ 5.000 đồng - 7.000 đồng/kg. Ở nhiều nơi, bà con còn hình thành từng nhóm đi hái sim các sườn đồi trong xã, trong huyện và các huyện phụ cận. Dụng cụ chỉ là chiếc rổ con, chiếc bì đựng, đôi giày ba-ta hoặc dép rọ bộ đội để dễ leo núi là “hành nghề”. Rong ruổi đồi này, núi nọ, cả mùa sim có nhiều nhà cũng kiếm được cả chục triệu đồng.
Chị Lê Phương Thúy, một chủ thu mua sim ở xã Hoa Thành (Yên Thành) cho biết: “Mỗi ngày cơ sở tôi thu mua đến cả tấn sim. Sim sau khi mua xong nhập cho các thương lái ở Hà Nội, nghe đâu họ xuất bán sang Trung Quốc để làm thuốc. Gần đây, sim được nhiều người tìm mua để ngâm rượu chữa bệnh nên giá cả của loại quả này có tăng dần”.
Chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích cây sim trên địa bàn tỉnh nhưng có thể khẳng định, cây sim đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều người dân địa phương ở các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quế Phong…
ĐƯA SIM RỪNG VỀ TRỒNG Ở VƯỜN NHÀ
Nếu như trước đây, sim chỉ là thức quả “ăn chơi” của dân quê nhưng nay nó đã trở thành hàng hóa, được thương lái thu mua với giá cao. Hiện nay, ngoài thu mua trực tiếp, sim rừng được mua - bán qua các trang mạng xã hội với giá cao.
Nhu cầu thị trường tăng, giá sim cao nên số lượng người tìm hái sim rừng cũng đông lên song do đất rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, nhiều đồi được cải tạo để trồng cây nguyên liệu nên cây sim cũng dần khan hiếm. Mặt khác, nhiều nơi, người dân khai thác sim theo kiểu “tận diệt” nên cũng khiến cây sim dần bị “xóa sổ”. Trước thực trạng đó, nhiều người dân đã có sáng kiến đưa cây sim về trồng ở vườn nhà hoặc trồng dưới tán rừng, khoanh nuôi và bảo vệ cây sim.
Anh Lâm Văn Hạnh (xóm 3, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) có 3ha đất vườn rừng. Khi cải tạo 2ha đất trồng keo, anh không chặt bỏ cây sim mà chỉ phát dọn các loại cây dại. Do đó, dưới tán keo, cây sim vẫn sinh trưởng tốt, cho quả sai và to, mọng.
Mỗi mùa sim gia đình cũng thu về 30-40 triệu đồng. Cây sim mọc hoang dại, sinh trưởng tự nhiên chứ không cần chăm sóc. Nó là loại cây bụi nên cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây keo.
Hiệu quả từ cây sim mang lại nên anh Hạnh đã đưa hơn 1.000 cây sim về trồng xung quanh vườn nhà, vừa tạo cảnh quan, vừa cho thu nhập. Sau 6 tháng trồng thử nghiệm, cây sim bắt đầu bén rễ, sinh trưởng tốt.
Ông Hoàng Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hà (Thanh Chương) cho biết: “Trước đây, cây sim trên đất Thanh Hà lên đến con số hàng trăm nhưng giờ đây, hầu hết đã bị chặt bỏ, chỉ còn khoảng mươi ha đồi có sim. Từ cách làm của hộ anh Hạnh, sắp tới, xã sẽ triển khai nhân rộng cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ cây sim dưới tán rừng; ở những hộ có diện tích vườn rộng thì đưa cây sim từ vườn đồi về trồng ở vườn nhà, tạo thành cây hàng hóa”.
Sim là loại cây dễ trồng, có nhiều công dụng: Quả sim dùng để ăn trực tiếp, ngâm rượu, làm si-rô, xay sinh tố; lá sim non có thể làm trà sim, rễ sim làm dược liệu, thân cây làm củi…
Hiện nay, giá sim đang khá cao, 25.000 đồng - 40.000 đồng/kg (tùy thời điểm) do đó, lợi nhuận mang lại cho người dân là không nhỏ. Với lợi thế diện tích đồi núi nhiều, do đó, nếu các địa phương trong tỉnh có phương án quy hoạch vùng trồng sim gắn với chăm sóc, bảo vệ, khai thác diện tích sim tự nhiên hợp lý kết hợp với phát triển du lịch sinh thái từ sim (tham quan đồi hoa sim; trải nghiệm hái sim; chế biến các sản phẩm từ trái sim bán cho du khách) sẽ khai thác triệt để, nâng cao hiệu quả cho cây sim, thì đây sẽ là “cây giảm nghèo” cho người dân các xã miền núi.