(Baonghean.vn) - Một tuần đã trôi qua, những giọt 'nước mắt trắng' vẫn lăn dài trên những thân cây cao su bị gió bão bẻ đổ gãy. Người trồng cao su đang gắng sức vớt vát những gì sau bão.
Hơn 1 tuần sau bão số 2, những cây cao su hàng chục năm tuổi ở Tân Kỳ vẫn ứa mủ. Ảnh: Xuân Hoàng Người trồng cao su ví những giọt mủ là "nước mắt trắng", bởi sau nhiều năm chăm sóc, chỉ sau một đêm cả vườn cao su gục ngã, khiến người dân trắng tay, giờ chỉ biết thuê thợ cưa về chặt bán củi, gỗ. Ảnh: Xuân Hoàng Cán bộ Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con và người dân xót xa trước những vườn cao su bị bão bẻ gãy hơn 1 tuần nay nhưng chưa có cách xử lý. Theo số liệu thống kê của công ty, cơn bão số 2 khiến gần 58 nghìn cây cao su đổ gãy, hơn 20 nghìn cây phải thanh lý. Ảnh: Quang An Cây cao su có thời gian chăm sóc 6 năm mới đưa vào khai thác mủ, tuy nhiên chỉ sau 1 trận bão, mọi thứ đều tan hoang. Ảnh: Quang An Người dân đứng thất thần trước vườn cao su bị đổ gãy, bởi mất đi khoản thu nhập hàng ngày từ vườn cây cao su mà gia đình mất công chăm sóc nhiều năm qua. Ảnh: Xuân Hoàng Những cây cao su bị nghiêng, có thể khôi phục được bà con chặt bớt cành, ngọn, dùng cây que chống lên, tiếp tục chăm sóc để năm sau khai thác mủ. Trong ảnh, gia đình ông Lê Văn Tuấn ở xóm Tân Xuân, xã Tân Phú (Tân Kỳ) có 1,1 ha cao su, bão số 2 làm 200 cây nghiêng, 25 cây đổ gãy. Gia đình ông đã thuê máy múc về kéo những cây bị nghiêng lên để chống; riêng tiền thuê máy và nhân công khôi phục cây bị nghiêng đã tốn gần 20 triệu đồng. Ảnh: Xuân Hoàng Những ngày này, thợ máy cưa xăng trên địa bàn Tân Kỳ luôn bận rộn với công việc thu dọn vườn cao su đổ gãy sau bão; có những thợ cưa được chủ vườn cao su thuê từ Thanh Hóa vào. Trong ảnh, ông Võ Văn Thanh ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đang cắt cây cao su tại vườn cao su ở xóm Thái Yên, xã Tân Phú. Ông Thanh cho biết, ông và 6 thợ máy cưa đến nhận cắt cây cao su đổ gãy ở đây đã 1 tuần nay vẫn vẫn chưa hết việc, hiện vẫn còn nhiều gia đình thuê nhưng làm không kịp. Ảnh: Quang An. Bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề đối với cây cao su trên địa bàn huyện Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, với trên 1.000 ha bị ảnh hưởng, hàng trăm nghìn cây bị đổ gãy phải chặt. Hiện nay, người trồng cao su đang tập trung khắc phục hậu quả, thu dọn vườn. Ông Phan Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con cho biết: Hiện nay, thương lái thu mua cây cao su cho bà con theo 3 dạng là gỗ, củi và cây. Hiện giá bán 850.000 đồng/tấn gỗ, 250.000 đồng/m3 củi và 250.000 đồng/cây trồng từ 20 năm trở lên. Ảnh: Quang An X.Hoàng - Quang An