(Baonghean) - Nông dân trong tỉnh, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi đang tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để cung ứng cho thị trường tết với những sản phẩm ngon nhất.
Vỗ béo trâu, bò
Chăn nuôi trâu, bò là lợi thế của Nghệ An. Từ đồng bằng lên miền ngược ở đâu người dân cũng có thể chăn nuôi trâu, bò làm hàng hóa. Ngoài trang trại, gia trại, còn có những vùng quê có nghề vỗ béo trâu, bò truyền thống cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường dịp Tết.
Xã Hồng Long, huyện Nam Đàn là địa phương có nghề truyền thống chăn nuôi bò vỗ béo, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn con trâu, bò thịt được nuôi sạch. Gia đình ông Nguyễn Văn Lập ở xóm 8 hiện có 2 con bò lai sind trọng lượng ước khoảng 3 tạ/con.
Qua trao đổi, ông Lập cho biết: Cách đây hơn 1 tháng, sau khi bán đi 2 con bò thịt được gần 90 triệu đồng, gia đình tìm mua 2 con bò lai sind này ở địa phương khác về nuôi, giá mỗi con 35 triệu đồng. Khi dắt về, bò tuy to nhưng gầy, nên gia đình tập trung chăm sóc bằng cách cắt cỏ đồng, chặt cây ngô đông và tận dụng mọi nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp cho ăn thêm cám ngô, gạo… nên bò nhanh béo. Dự kiến đến dịp sát Tết, trọng lượng mỗi con bò đạt khoảng trên 4 tạ, nếu giá bán ổn định như hiện nay, được khoảng gần 50 triệu đồng/con.
Theo ông Lập, để nuôi bò vỗ béo có lãi, khi mua bò cần chọn những con bò có vóc dáng cao to, gầy, khi vỗ béo thì trọng lượng mới cao. Mỗi con bò vỗ béo từ 3 - 4 tháng là xuất chuồng, tính ra mỗi năm gia đình ông vỗ béo được 6 - 8 con bò, bán ra thị trường, có lãi gần 100 triệu đồng.
Nhiều nhất phải kể đến gia đình ông Nguyễn Khắc Nam ở xóm 10. Hệ thống chuồng trại nuôi trâu, bò nhốt của gia đình ông có 8 ô, mỗi ô đủ nuôi nhốt 1 con bò. Ông Nam phấn khởi khoe: Trong số 8 con trâu, bò hiện đang nuôi thì có 6 con trâu, bò đực giống và 2 con bò vỗ béo. Bò đực giống ngoại, trọng lượng đạt trên 600 kg/con, mỗi năm phối nhân giống bò lai trên địa bàn trong và ngoài xã. Với 2 con bò vỗ béo, gia đình đã mua về cách đây gần 2 tháng, nay trọng lượng ước khoảng 5 tạ hơi/con, thời gian này gia đình tích cực chăm sóc, dự kiến đến dịp gần tết trọng lượng sẽ đạt trên 6 tạ hơi/con.
Chị Trịnh Thị Thúy - Trưởng ban Nông nghiệp xã Hồng Long cho biết: Với kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo có truyền thống, người dân Hồng Long tận dụng những bãi cỏ ven sông Lam chăn thả kết hợp trồng cỏ, ngô vụ đông để làm thức ăn cho bò, vì vậy phong trào nuôi bò vỗ béo ở đây phát triển mạnh. Cả xã hiện có khoảng 60% số hộ chuyên nuôi bò nhốt vỗ béo, mỗi gia đình nuôi một lúc 2 - 3 con, mỗi lứa từ 3 - 4 tháng, do vậy, quanh năm có hàng xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ước tính mỗi năm người dân Hồng Long nuôi vỗ béo trâu, bò, cung cấp cho thị trường hàng nghìn con. Do bà con chuyên nuôi bò lai sind trọng lượng lớn, thịt nhiều, nên bán với giá cao, có những con thương lái mua trên 70 triệu đồng. Tính ra mỗi năm, xã Hồng Long doanh thu khoảng 80 tỷ đồng từ bán bò, trong đó lãi khoảng 30 tỷ đồng.
Trang trại lợn, gà đáp ứng thị trường
Ngược huyện rẻo cao Kỳ Sơn, nơi có giống gà Mông, gà đen nổi tiếng thịt ngon, tuy nhiên để có được trang trại gà có quy mô lớn là không nhiều, mà chủ yếu nuôi nhỏ lẻ trong gia đình, mang tính chất tự cung tự cấp.
Theo giới thiệu của người dân, chúng tôi đến Tổng đội TNXP 8, ở xã Huồi Tụ, nơi chuyên cung cấp gà thịt và trứng gà cho thị trường. Dẫn chúng tôi đến trại gà, anh Phan Văn Khoa - Tổng đội phó, cho biết: Hiện đơn vị có trại gà đen với số lượng 1.100 con gà thịt, trọng lượng khoảng 1 - 1,2 kg/con, số gà này sẽ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán. Gà đen chất lượng thịt ngon, lâu nay được khách hàng ưa chuộng, nên tiêu thụ mạnh, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán nhiều người tìm mua. Ngoài ra, đơn vị còn nuôi 300 gà mái, mỗi ngày cung ứng cho thị trường trên dưới 200 quả trứng gà.
Trên địa bàn Tân Kỳ hiện có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô khá lớn, đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Đinh Dậu. Ông Lê Hồng Long, xóm 2, xã Tân Hương (Tân Kỳ) cho biết: Gia đình đầu tư trang trại chăn nuôi gà quy mô 5.000 con gà thịt/lứa. Giống gà ông thường nuôi là gà ri địa phương. Hiện tại trại gà của ông có 5.000 con, trọng lượng ước đạt 1,5 - 1,7 kg/con. Với cách chăm sóc, ban ngày thả đồi, ban đêm nhốt chuồng và cho ăn các loại thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp là chính, nên gà chắc thịt, đảm bảo chất lượng, dự kiến đến Tết, gà đạt trọng lượng trên 2 kg/con. Hiện đã có một số lái buôn trong và ngoài tỉnh đặt hàng với số lượng nhiều.
Ông Long cho biết thêm, hồi tháng 7 giá gà thịt hạ xuống 60.000 đồng/kg (bán sỷ), nhưng hơn 1 tháng nay giá gà đã tăng lên 80.000 đồng/kg, nếu từ nay đến Tết, giá bán gà giữ nguyên thì người chăn nuôi có lãi. Dự kiến, Tết này gia đình ông xuất chuồng khoảng 10 tấn gà thịt, thu lãi gần 100 triệu đồng. Để đàn gà phát triển tốt, ngoài tiêm phòng đúng định kỳ, gia đình ông thường xuyên phun hóa chất khử trùng xung quan khu vực chuồng trại.
Ông Nguyễn Như Kỳ - Phó phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: Chăn nuôi lợn, gà là thế mạnh của địa phương, vì thế những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn cả về số lượng và chất lượng. Cả huyện hiện có 4 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 800 - 2.500 con/lứa, 8 trang trại chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 - 5.000 con/lứa. Điều đáng nói là các trang trại gà trên địa bàn huyện chủ yếu nuôi giống gà địa phương, theo hình thức thả vườn đồi nên chất lượng thịt đảm bảo và an toàn. Ước tính dịp cuối năm này, các trang trại chăn nuôi của Tân Kỳ cung ứng cho thị trường khoảng 70 tấn gà thịt, 400 tấn lợn thịt, chưa kể các gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, thời điểm mà nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, và cũng là thời điểm người chăn nuôi kỳ vọng nhiều vào sự tăng giá của các sản phẩm động vật như thịt bò, lợn, gà, trứng./.
Xuân Hoàng