(Baonghean) - Năm nào cũng vậy, khi gió mùa Đông Bắc mang theo những làn mưa phủ xuống vùng biển Đông Nam, khi hoa bàng vuông tỏa hương nhẹ nhàng len vào gió biển cũng là thời điểm báo hiệu mùa Xuân đến trên quần đảo Trường Sa thân yêu! Không khí năm mới ở Trường Sa không ồn ào, náo nhiệt, không rợp sắc thắm hoa đào, hoa mai nhưng thật ấm áp và sâu lắng...
Ban mai trên đảo Trường Sa, sau những ngày dài âm u, phía chân trời, bình minh đỏ rực một màu. Biển khơi bỗng nhiên dịu dàng đến lạ, những con sóng nhẹ nhàng vỗ bờ cát trắng. Một bầu không khí “rất Tết” đã lan tỏa trong không gian! Từ sáng sớm, nhân dân Thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa), huyện Trường Sa (Khánh Hòa) đã chuẩn bị soạn sửa, thắp hương lên bàn thờ Bác Hồ và bàn thờ tổ tiên để kịp về tham gia các hoạt động do cán bộ, chiến sỹ trên đảo tổ chức. Người lớn tất bật với biết bao công việc không tên, còn trẻ con trên đảo cứ mải miết hồn nhiên nô đùa trong nắng. Khó có thể hình dung rằng, tại nơi cách xa đất liền 250 hải lý này, nhịp điệu thanh bình của cuộc sống vẫn cứ đều đặn diễn ra như thế!
Đã thành thông lệ, đúng vào sáng mồng Một Tết, sau lễ chào cờ Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ và người dân Thị trấn Trường Sa đến dâng hương kính viếng anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ - một món quà của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An xây tặng huyện đảo Trường Sa, rồi thắp hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và mộ các liệt sỹ. Trong không gian thiêng liêng, từng nén tâm hương dâng lên như lời nguyện hứa của những người con đất Việt nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm bảo vệ, xây dựng quần đảo Trường Sa của Tổ quốc bền vững, ngày càng giàu mạnh. Trong đó, có rất nhiều chiến sỹ khuôn mặt trẻ măng. Họ mới ra đảo làm nhiệm vụ chưa tròn một tháng nhưng qua những ngày huấn luyện ở thao trường, làn da đã kịp sạm màu rắn rỏi, toát lên vị mặn mòi của biển cả. Đứng lặng người trước Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Binh nhì Bùi Thế Sơn (20 tuổi) – quê ở huyện Yên Định, Thanh Hóa chia sẻ: “Cha em cũng gắn cuộc đời binh nghiệp với biển cả nên em rất hiểu những hy sinh thầm lặng của người lính, nhất là lính Trường Sa. Ở đảo, tình cảm của chỉ huy và chiến sỹ gắn bó như một gia đình. Mọi người chỉ dạy cho em học hỏi rất nhiều điều hay lẽ phải. Vì vậy, lần đầu xa nhà và cũng là lần đầu đón Tết ở Trường Sa, tuy có chút nôn nao nhớ gia đình nhưng em lại cảm thấy không khí rất đặc biệt, xúc động sâu lắng. Tất cả tạo nên một cảm xúc tự hào, thôi thúc chúng em quyết tâm phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Những xúc cảm trân quý của người lính trẻ cũng chính là những rung động tâm hồn của hầu hết những người phương xa lần đầu đến với Trường Sa, như chúng tôi. Ở nơi đầu sóng này, hình bóng quê nhà thương nhớ vẫn hiện diện trên mỗi con đường quanh đảo. Đặc biệt là sự có mặt của ngôi chùa Trường Sa Lớn - điểm đến thân quen của nhiều người dân. Ngôi chùa có dáng dấp đặc trưng của ngôi chùa thuần Việt mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S, thế nhưng ở Trường Sa, ngôi chùa là biểu tượng của những gì thiêng liêng và thân thương nhất. Nhân dân của đảo đến chùa không chỉ để cầu phúc, cầu an theo đúng truyền thống của người Việt mà còn là một địa điểm du xuân lý thú trên đảo.
Giữa bốn bề sóng nước mênh mông, tiếng chuông chùa ngân xa, như một nốt lặng bình yên và vững chãi. Xa xa, ngay ở trung tâm đảo, không khí rộn ràng chẳng kém bất cứ một lễ hội Xuân nào trong đất liền. Ban chỉ huy đảo và Thị trấn Trường Sa đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian, thể thao như kéo co, bóng bàn, thi báo tường số Xuân giữa các cụm… để bộ đội và nhân dân giao lưu, vừa tạo không khí đón Xuân rộn ràng, vừa tô thắm thêm tình quân dân keo sơn gắn bó. Trong không gian đầy ắp nắng Xuân, hoà quyện với dư vị mặn mòi biển cả, hẳn những người giàu trải nghiệm nhất với Trường Sa cũng thật khó mà thờ ơ.
Dọc theo con đường bê tông rộng rãi, rợp bóng bàng vuông, chúng tôi về chúc Tết gia đình anh Nguyễn Phong Danh, quê ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và vợ là chị Phạm Thị Như Trinh, quê ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cùng 2 con. Số trời se duyên, hai anh chị gặp gỡ, xây dựng cuộc sống gia đình rồi ra Trường Sa lập nghiệp. Cuộc sống ở đảo hẳn nhiên có nhiều thiệt thòi so với đất liền, nhất là trong các dịp lễ, tết nhưng theo như lời anh chị tâm sự, đã là công dân Trường Sa thì tâm lý hết sức vững vàng, chưa bao giờ có cảm giác nao núng. Trong gian phòng khách sạch sẽ, khang trang, sắc thắm hoa đào đang mang một mùa xuân ấm áp về với gia đình. “Cành đào giấy do hai vợ chồng cắt dán thôi nhưng đem lại không khí Tết cho cả nhà. Hoa có thể chưa thật nhưng mùa Xuân là thật, niềm vui là thật!”- anh Danh hồ hởi chia sẻ.
Trong câu chuyện ngày Tết, niềm tin, hy vọng được chúng tôi cảm nhận rõ trong lời tâm sự chân thành của gia đình anh chị bởi bên họ có cán bộ, chiến sỹ, có những người láng giềng hết sức thân thiết. Gắn liền cuộc sống của gia đình ở Trường Sa, hàng ngày các con đi học, anh tham gia lực lượng dân quân tự vệ đảo và làm nghề đánh bắt cá, còn chị dành thời gian cho công tác phụ nữ đảo khi được chị em trên đảo tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Trường Sa. “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cũng như tinh thần giúp đỡ chí tình của cán bộ, chiến sỹ đảo, cuộc sống của cả gia đình nơi đảo xa ổn định, đầm ấm, yên vui”, anh Danh chia sẻ.
Tết cổ truyền ở đảo, dẫu không khí có phần lặng lẽ hơn trong đất liền song lại rất ấm cúng. Mọi người cùng nhau làm hoa, trang trí nhà cửa để đón Xuân. Những món ăn truyền thống được mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm chế biến và sẽ chung niềm vui thưởng thức. Chúng tôi đã có những trải nghiệm đón Tết cổ truyền hết sức thú vị của bộ đội và nhân dân Thị trấn Trường Sa. Từ sáng sớm, bộ đội đảo đã mổ lợn, chia thịt và cùng các hộ dân gói bánh chưng, bánh tét. Điều kỳ thú là bên cạnh những chiếc bánh truyền thống được gói bằng lá dong theo những chuyến tàu từ đất liền ra là những chiếc bánh được gói bằng lá bàng vuông.
Hỏi ra mới biết, lá bàng vuông được trưng dụng gói bánh không hẳn vì đảo thiếu lá dong mà nó gợi lại rất nhiều kỷ niệm thời kỳ còn khó khăn của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Trung tá Lý Hồng Duyên – Chính trị viên Cụm chiến đấu số 1 tâm sự: “Chiến sỹ Trường Sa là những người đầu tiên sáng tạo cách gói bánh bằng lá bàng vuông. Qua năm tháng, điều kiện đón Tết trên đảo được nâng cao nhưng cách gói bánh này vẫn còn được giữ lại như một nét riêng trong ngày Tết ở Trường Sa. Hồn dân tộc và bản sắc Trường Sa dường như thấm đượm, hòa quyện vào từng chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông”.
Rất nhanh chóng, hàng chục cặp bánh chưng, bánh tét đã được gói xong. Bánh chưng được các chiến sỹ gói tay, không cần khuôn, vẫn vuông thành sắc cạnh và xanh tươi màu lá. Bánh được chuyển vào dãy nồi quân dụng đã được đặt sẵn trên bếp lửa rực đỏ. Trong giây phút này, sâu thẳm trong trái tim mỗi người đều trỗi dậy nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ đất liền. Giờ này, ở nhà mẹ lụi cụi lau lá dong, em gái vò nếp, cha chẻ lạt... và cả nhà sẽ quây quần bên bếp lửa cạnh nồi bánh sôi sùng sục. Ấm cúng biết bao. Tôi đọc được điều đó trong ánh mắt của những người lính trẻ nhìn xa xăm ra biển đêm đen thẫm, giữa mênh mông sóng biển rì rào. Nhưng vượt qua tất cả là niềm tin, ý chí, là trách nhiệm thiêng liêng với biển đảo quê hương. Những bài ca về biển đảo, về tình yêu đất nước qua tiếng đệm đàn ghi - ta giai điệu lúc trầm, lúc bổng, lúc dạt dào cảm xúc khiến tâm trạng của mỗi người thêm phấn chấn, chộn rộn. Vào thời khắc đó, ngân vang điệu dân ca da diết: “Xa quê lâu rồi mà sao vẫn nhớ hoài/ Ngày đi người em gái gửi hồn theo ước mơ, hẹn thề cùng non biển: Tôi sẽ về yêu nàng quê xứ Nghệ, vẹn lời thề sắt son”...
Ở góc kia của đảo, trong căn phòng họp nhỏ của cụm 2, các khâu chuẩn bị cuối cùng cho ngày Tết cũng sắp hoàn thành. Hai anh lính trẻ đang tỷ mẩn trang trí lại cành mai vàng. Trên bàn thờ Bác Hồ được đặt ngay ngắn đĩa bánh kẹo, mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả của bộ đội đảo Trường Sa đặc biệt lắm, có thêm quả bàng vuông, quả tra - những thứ quả chỉ có ở Trường Sa. Đại úy Nguyễn Ôn Lưu – Cụm trưởng cụm 2, đảo Trường Sa cho biết: “Mâm ngũ quả ở đảo Trường Sa nhất thiết phải có 2 thứ quả này. Nó thành truyền thống rồi! Một đặc trưng riêng biệt của Trường Sa”. Hẳn vậy, giữa mảnh đất chỉ có nắng gió, mưa sa khắc nghiệt, cây bàng vuông vẫn miệt mài chắt lọc những giọt sương mai hiếm hoi, bền bỉ cắm rễ sâu vào lòng đất khát để kiếm tìm mạch sống, để tồn tại, vươn mình mạnh mẽ giữa đại dương bao la. Loài cây này mang lại cho đảo những cánh hoa trắng, khoe sắc nhụy hồng thắm báo hiệu một mùa Xuân đang khẽ đến bên hiên nhà. Có lẽ vì vậy, bàng vuông hay quả tra đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người lính đảo, nhất là trong các thời điểm trọng đại, thiêng liêng của đất trời, dân tộc.
Ở Cụm chiến đấu số 3, chúng tôi gặp Trung úy Nguyễn Đức Thắng ở xóm 1, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang cùng anh em chiến sỹ trong đơn vị làm báo tường. Những bài thơ, thông tin nóng hổi, bức ảnh mang tính sự kiện về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước được anh và đồng đội cập nhật rất chuyên nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: “Là người con xứ Nghệ, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, dù ở vị trí công tác nào, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua Báo Nghệ An, từ Trường Sa thân yêu! Tôi chúc nhân dân và quê hương năm mới thành công, ngày càng phát triển”.
Những ngày ở đảo Trường Sa, tham dự ngày Tết sớm với những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đảo, bất kỳ ai trong chúng tôi cũng có thể nhận thấy bóng dáng làng quê Việt đang thực sự hiện hữu thanh bình giữa trùng khơi. Cách đảo Trường Sa – nơi trái tim của quần đảo, chỉ cách đó gần 30 hải lý, ngày xuân tươi thắm cũng đang về trên đảo Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Đông… Cuộc sống của chiến sỹ trên những đảo này, nhất là các đảo chìm chưa hẳn đã hết khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân từ đất liền, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sỹ trên các đảo ở quần đảo Trường Sa được cải thiện.
Vì vậy, ngày Tết cũng trở nên sung túc, đầy đủ hơn trên mọi phương diện. Hành trình ra với Trường Sa của chúng tôi gặp lúc giông gió, biển động dữ dội. Không có cầu cảng để tàu cập nên tất cả hàng hóa, quà Tết đến với cán bộ chiến sỹ trên đảo đều được tăng bo bằng xuồng CQ. Mà biển động thì sóng to lắm! Chiếc xuồng CQ công suất lớn cứ dềnh lên rồi dập xuống. Nước biển vỗ vào mạn xuồng bắn vào mặt, vào người và hàng hóa Tết. Có những đảo chìm như Đá Tây, hành trình chuyển quà Tết vào đến điểm A của đảo cũng là lúc những túi hàng bung ra, thực phẩm vung cả nền xuồng. Những người lính đảo phải dùng thau, chậu gom lại đem lên đảo. Hành trình đến với Tết Trường Sa gian lao, vất vả, thậm chí là nguy hiểm giữa trùng khơi bão tố, thế nên khi những lá dong, gạo nếp, ống giang, lợn thịt… đến được tay người lính đảo, ai cũng thở phào nhẹ nhõm, mọi mệt nhọc đều tan biến trong niềm vui tao ngộ.
Khi chúng tôi đến điểm B, đảo Đá Tây, Trung sỹ Trần Văn Nhân quê ở Tuy An, Phú Yên, đang tỉ mẩn chăm chút cắt tỉa và trang trí cây phong ba trên đảo cho lễ đón năm mới sắp đến gần. Lần đầu đón Tết xa gia đình, ắt hẳn anh sẽ rất nhớ nhà, nhớ cái giây phút quây quần cùng người thân, bạn bè bên mâm cỗ chiều 30 Tết. Nhưng rồi nhìn cách anh trò chuyện, tỉ tê, cười nói với đồng đội, chúng tôi chợt nhận ra, nỗi nhớ riêng tư thường tình ấy của người lính trẻ sẽ mau chóng được khỏa lấp bằng tình đồng chí, đồng đội và tình cảm vô bờ bến của đất liền. “Nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, tôi xác định tư tưởng vững vàng để yên tâm công tác, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Biển đảo có bình yên thì đất liền mới yên vui đón Tết được” - đồng chí Nhân chia sẻ.
Cách đảo Đá Tây chừng 7 hải lý là đảo Trường Sa Đông, Xuân này, cán bộ chiến sỹ đón Tết vui hơn năm qua nhiều. Ngoài quà từ đất liền gửi tặng là 1 ti vi, 4 con lợn thịt và 1 cây quất tươi… cán bộ, chiến sỹ đến từ 12 tỉnh thành trên đảo đã cùng sát cánh bên nhau, khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất nâng cao cuộc sống. Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực chăn nuôi cơ man nào lợn, gà, vịt và những giàn mồng tơi xanh mơn mởn trong nắng vàng, Trung úy Lê Vạn Kim - người được xem là “kiện tướng” trong tăng gia sản xuất của đảo, tự hào nói: “Hiện đảo có 25 con lợn, trong đó có 2 lợn nái và hàng trăm con gà vịt. Sản lượng gia súc, gia cầm đã vượt 200% so với kế hoạch. Lượng rau sạch tăng gia cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trên đảo.
Tất cả là thành quả của anh em trong những giờ lao động sản xuất đã giúp cuộc sống ở đảo thêm phần ý nghĩa, thi vị vừa có được một cái Tết đủ đầy, sung túc hơn”. Ngược trở lên trụ sở đảo, đứng từ tầng cao của khối nhà bê tông nhìn ra xung quanh là bao la biển cả mênh mông, nhưng sát bên bờ biển đang cực kỳ náo nhiệt với trận bóng đá giao hữu chào Xuân. Trung tá, Chính trị viên đảo Nguyễn Ngọc Vinh cho biết: “Tết nào cũng vậy, các hoạt động văn nghệ, thể thao đều được tổ chức. Những hoạt động như bóng đá, bóng chuyền, hái hoa dân chủ tổ chức hết sức hấp dẫn, cuốn hút được anh em vừa vui chơi, giải trí vừa rèn luyện sức khỏe, tạo khí thế để hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc trong năm mới”.
Có cơ hội được đi và đón Tết sớm cùng các chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa là trải nghiệm quý giá trong đời người làm báo. Niềm vui đó càng nhân lên gấp bội khi có cơ hội chứng kiến sự đổi thay từng ngày nơi hải đảo xa xôi. Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm đến các công trình an ninh, quốc phòng mà còn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, nhiều chương trình hướng về Trường Sa thân yêu đã được các tổ chức, cá nhân triển khai khiến Trường Sa xa xôi bắc nhịp cầu tình thân hơn với đất liền. Đại tá Nguyễn Văn Thư – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: “Hàng năm, Quân chủng Hải quân, vùng 4 và Lữ đoàn 146 đều tổ chức mang hàng, quà Tết ra tận các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa. Chúng tôi luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo cho bộ đội Trường Sa có cuộc sống ngày càng tốt hơn, đón những cái Tết đầy đủ nhất, nối gần hơn Trường Sa với đất liền. Qua đó, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Tết cổ truyền với mỗi người Việt đều mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Ở nơi trùng khơi này, giữa Trường Sa thân thương, có những người con đất Nghệ đang mang đến hương sắc mùa Xuân cho biển đảo quê hương theo cách rất riêng mà lắng đọng hồn dân tộc. Giờ đây, khoảng cách 250 hải lý từ Trường Sa đến đất liền dường như đã không còn gợi lên nhiều âu lo nữa, bởi xa xôi có sá gì, khi mùa Xuân đã chở đầy những thương yêu.
Thành Duy - Đào Tuấn