(Baonghean) - Mặc dù mắt đã kém đi nhiều và bàn tay bắt đầu thoáng run run, mẹ tôi vẫn giữ thói quen viết thư tay. Mẹ viết thư cho bạn bè cũ từ mấy chục năm về trước, cho những cô cậu học sinh giờ đã trưởng thành, đôi khi là cho chính những người thân trong gia đình. Tôi hỏi: “Mẹ gửi thư cho con làm gì khi mà con ở ngay phòng kế bên?”. Mẹ trả lời rằng, là vì cảm giác gửi thư và nhận thư bao giờ cũng khiến người ta vui vẻ. 

Tôi nhớ hồi còn bé thường được mẹ chở đến bưu điện gửi thư cho cậu. Cậu đi nước ngoài từ khi tôi chưa sinh ra đời nên tôi chỉ mơ hồ biết về cậu qua những lá thư đi về giữa hai nửa quả địa cầu. Mỗi lần bác đưa thư tới bấm chuông cửa, tôi đều lon ton chạy ra nhận và háo hức chờ đợi chiếc phong bì dày cộm, dán con tem xanh đỏ nước ngoài đẹp ơi là đẹp. Phong thư của cậu bao giờ cũng gửi kèm theo một tấm bưu thiếp in hình các cảnh vật ở Đức - nơi cậu làm việc. Câu đầu tiên của bức thư sẽ là “Em định viết thư cho chị từ mấy hôm trước nhưng nhiều việc quá lại quên béng đi mất, mọi người ở nhà có sốt ruột lắm không?”, kết thư cậu luôn đặc biệt dành cho tôi “Con bé con của cậu ở nhà phải ăn nhiều vào, ít nữa cậu về cậu mua bánh kẹo ngon cho cháu cậu nhé!”. Mỗi lần như thế, tôi lại xin mẹ con tem thư cậu gửi về, cẩn thận ép vào cuốn sổ nhỏ và thi thoảng giở ra đếm. Như người ta gấp 1000 con hạc giấy để có được một điều ước, tôi cũng nuôi một điều ước bé nhỏ là khi nào cất đủ 1000 con tem thư, cậu sẽ về. Bằng xương bằng thịt. Nhưng tôi cứ chờ mãi, chờ mãi. Do cậu quên viết thư về hay bác đưa thư trễ hẹn - do mắc mưa, tắc đường hoặc thủng lốp xe? - để cô bé con là tôi phát hờn, phát tủi mà khóc rấm rứt không thôi.
images1198954_bd.jpgBưu điện Nghệ An.
 
Mẹ cứ mải miết chở tôi đi về, từ nhà đến bưu điện tỉnh, gửi sang nước Đức xa xôi những lá thư dài thật dài. Trong đó kể về cơn bão vừa đi qua làm cây phượng trước nhà lung lay suýt đổ. Về người bạn của cậu đến chơi nhà, thấy tôi cầm quyển truyện thiếu nhi đọc vanh vách, đinh ninh tôi là thần đồng biết đọc chữ trước tuổi (thật ra nghe mẹ đọc nhiều quá nên thuộc nằm lòng!). Về cái Tết đang đến gần, mọi thứ sắm sanh đã đầy đủ, chỉ thiếu mỗi cậu nữa mà thôi… Có một lần khi mẹ đang viết thư thì tôi mải nghịch, vấp phải chân bàn ngã đau điếng. Thế là tôi nằng nặc đòi mẹ viết thêm mấy chữ vào cuối thư “Con bé con của cậu vừa bị ngã u đầu một cục, cậu nhanh về mua bánh kẹo dỗ cháu nhé!”. Lúc mua tem thư, tôi còn lo lắng hỏi cô nhân viên ở bưu điện:
Sảnh giao dịch tại Bưu điện Nghệ An.
 
- Đến bao giờ thì cậu cháu nhận được thư hả cô?
 
- Có lẽ khoảng 10 - 15 ngày nữa cháu ạ!
 
Thế là tôi khóc oà lên, tất cả mọi người xung quanh nhìn chằm chằm khiến cô nhân viên ngớ người không biết chuyện gì xảy ra. Mẹ dỗ mãi tôi mới thủ thỉ: “Lâu như thế, cục u trên đầu con tan hết rồi còn đâu?”. Nghe xong, ai nấy đều phì cười. 
 
Cũng có những lúc cậu gọi điện thoại từ Đức về nhà. Bưu điện sẽ thông báo để mẹ tôi vào ngày ấy, giờ ấy, đến buồng điện thoại chờ máy cậu. Tôi còn nhớ mãi buồng điện thoại bao giờ cũng đông người đến xếp hàng chờ gọi điện hoặc nhận điện thoại của người thân ở phương xa. Có lần tôi gặp một đứa trẻ khác trạc tuổi mình cũng theo mẹ đứng xếp hàng chờ vào buồng điện thoại. Tôi lân la hỏi chuyện: 
 
- Đằng ấy chờ điện thoại của ai vậy?
 
- Bố tớ, bố đi làm ở Nga, lâu lâu mới gọi điện thoại về nhà!
 
- Nga với Đức, ở đâu xa hơn nhỉ? 
 
Mới hỏi đến đó thì thấy bà mẹ kéo tay cậu nhóc chạy vào buồng điện thoại, còn lại tôi lầm bầm một mình: Có lẽ Đức xa hơn Nga nên điện thoại của cậu chưa gọi tới nơi…
 
Cứ như thế, tuổi thơ tôi trôi qua trên những cánh thư, theo tiếng leng keng của người đưa thư và theo từng vòng quay bánh xe đạp mẹ chở đến bưu điện. Lớn lên một chút, khi vào lớp một và bắt đầu biết viết, biết đọc, thay vì tập viết chữ trong những cuốn vở cho trẻ em, tôi nắn nót viết thư cho cậu, gửi “ké” phong thư của mẹ. Những bức thư viết trên giấy ô ly học trò, chữ nào chữ nấy to như quả trứng gà, kể cho cậu nghe về bài tập chính tả được điểm mười, về chiếc răng cửa vừa lung lay, về lần trèo cây theo mấy đứa trẻ hàng xóm để rồi bị mẹ đánh đòn, chạy ra đầu hè đứng khóc “cậu ơi”,… Những dòng thư ngây ngô, nguệch ngoạc, vẫn còn nguyên vết gạch xoá và đôi khi là cả những lỗi chính tả khiến mẹ tôi phải phì cười. Tôi cũng không nhớ rõ mình đã viết thư cho cậu hết bao nhiêu cuốn vở. Có lẽ là 1000 cuốn? Vì đến một ngày, cậu gọi điện bảo rằng sắp về. Cuốn sổ tem của tôi lúc ấy đã dày cồm cộm ngang ngửa cuốn từ điển…
 
Sau này, khi điện thoại bàn, điện thoại di động, máy tính và mạng internet trở nên thông dụng, tôi cũng dần quên đi thói quen viết thư tay. Mà viết cho ai đây? Tôi chỉ đến bưu điện để nhận báo Thiếu niên tiền phong, Hoa Học trò, Toán tuổi thơ. Đôi khi viết truyện, làm thơ gửi đi, kèm vào đó cả sự hy vọng và nỗi mong chờ tuổi nhỏ. Cũng có vài lần được đăng báo, lại háo hức đến bưu điện nhận tiền nhuận bút. Chừng đó thôi là đủ để tôi kết luận: bưu điện là nơi chất chứa và gửi gắm toàn niềm vui. Sau này lớn lên, mới biết bưu điện cũng gửi giùm người ta cả những nỗi buồn. Ấy là những bức điện ngắn ngủi vài lời thông báo chuyện không vui cho người thân ở phương xa. May mắn thay, tôi chưa từng nhận hay gửi đi những lời buồn như thế. 
 
Đến tận bây giờ, mỗi khi đi qua bưu điện, tôi vẫn giữ thói quen tìm cột đồng hồ lớn như thủa bé hay nhìn giờ, giục mẹ vào xếp hàng chờ điện thoại cậu gọi về. Chiếc cột đồng hồ bây giờ đã không còn ở đấy nữa, bưu điện tỉnh cũng được xây mới lại to đẹp và khang trang hơn xưa. Tôi không còn mấy dịp ghé vào bưu điện nữa, thi thoảng chỉ ngồi trà chanh vỉa hè với bạn bè ở phía đối diện bưu điện. Những cuộc tán gẫu đôi khi kéo dài đến đêm muộn, nhìn sang bưu điện vẫn sáng đèn tự nhiên thấy ấm cúng, gần gũi lạ lùng. 
 
Có lẽ đối với ai cũng vậy, bưu điện là một địa chỉ đặc biệt mà người ta tìm đến mỗi khi muốn chia sẻ, nhắn gửi nỗi niềm với những người ta yêu quý ở phương xa. Đó là điểm hẹn của yêu thương, chờ đợi và đoàn viên, dù rằng sự đoàn viên ấy chỉ là một thoáng bình yên trong những dòng nhắn nhủ. Nhưng dù một thoáng thôi, cũng đủ làm lòng ta ấm lại và kéo chúng ta lại gần nhau hơn, vượt lên trên khoảng cách của không gian và thời gian. Với những thế hệ sau này, dường như sự hiện hữu của bưu điện có phai nhạt đi ít nhiều nhưng ý nghĩa của nơi chốn ấy đã khắc sâu vào tâm tưởng, tiềm thức của nhiều thế hệ, khó mà bị lãng quên được. Mỗi khi đặt chân đến một thành phố, chẳng phải người ta vẫn tìm về bưu điện trung tâm như tìm về “điểm hẹn” của những con đường và những con người hay sao? 
 
Chiều nay chở mẹ đến bưu điện gửi thư cho một người bạn cũ ở nơi xa, tôi hỏi: “Khi viết đủ 1000 lá thư, mẹ muốn điều ước nào của mình thành hiện thực?”. Mẹ tôi cười, vẫn nét cười mấy chục năm không đổi từ những lá thư gửi cho cậu ở nước Đức xa xôi, trả lời: “Ước gì bác đưa thư không mắc mưa, tắc đường hay thủng lốp xe để cô bé năm nào không phải đợi chờ, trông ngóng!”
 
Bài, ảnh: Hải Triều