(Baonghean) - Một ngày tháng Bảy nắng nhẹ, tháp tùng đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm nước CHDCND Lào, ông Vylayvanh Phomkhe, chúng tôi cùng về thăm ông Trần Đình Đúc, người cựu chuyên gia Việt Nam năm nay 91 tuổi, đã có 32 năm công tác trên đất bạn, hiện đang ở tại xóm Lũy, xã Mã Thành (Yên Thành).
 
Con đường về với quê hương của Trạng nguyên Bạch Liêu, vị tổ khai khoa xứ Nghệ quanh co qua Hậu Thành, Lăng Thành. Đường quê thoảng hương sen, hương lúa. Sải bước chân như đã quen thân từ lâu trên đường vào xóm Lũy, ông Bộ trưởng Vylayvanh Phomkhe bước nhanh vào ngõ nhà ông Trần Đình Đúc. Cái ôm thật chặt giữa vị Bộ trưởng và người chuyên gia như chẳng cần nói thêm điều gì nữa về một thời của những người đồng chí cũ. 
 
Những tháng ngày trên đất Lạn Xạng
 
Lạn Xạng (triệu voi), cũng là một tên gọi khác của đất nước Lào, nơi cựu chuyên gia Trần Đình Đúc đã cống hiến gần suốt cuộc đời mình. Ông Trần Đình Đúc (sinh năm 1924) là con thứ ba của cụ Trần Đình Xương, một người biết nhiều chữ Hán, hậu duệ đời thứ 4 của Tiến sỹ Trần Đình Phong, một ông nghè nổi tiếng ở xứ Nghệ, nhưng cũng là một nông dân nghèo. Nhiều người trong dòng họ Trần nhận xét ông Đúc khi còn nhỏ đã tỏ ra thông minh, thương người, ham việc như cụ Nghè năm xưa... 20 tuổi anh thanh niên Trần Đình Đúc đã tham gia đội tự vệ cách mạng, xung phong đi bảo vệ đoàn biểu tình giành chính quyền ở huyện. Cách mạng tháng Tám thành công, lại tiếp tục hết mình vì nhiệm vụ được giao. Cuối năm 1958, ông về làm Bí thư Huyện ủy Yên Thành. Năm 1960, khi đó là Tỉnh ủy viên, cương vị Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An ông được Ban Tổ chức Trung ương điều đi công tác chuyên gia ở Lào. 
 
Ông Trần Đình Đúc kể: Năm 1960 đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng gặp riêng giao nhiệm vụ cho ông trong đoàn làm chuyên gia cho Ban Tổ chức Trung ương Đảng bạn. Công tác tổ chức làm trong nước đã khó, nay lại sang nước bạn, với một Đảng Nhân dân Lào non trẻ (thành lập ngày 22/3/1955) thì càng nan giải bội phần. Nhưng lòng đã quyết, thêm sự động viên từ các đồng chí lãnh đạo, cộng thêm niềm tự hào của truyền thống người con quê hương Bác kính yêu, chàng trai trẻ Trần Đình Đúc nhằm phía rừng Lào, ngày đi, đêm nghỉ, mà vẫn chưa nghĩ phía trước sẽ là chặng đường dằng dặc dài 32 năm, kéo hết suốt những năm làm việc của cuộc đời mình.
 
Thời kỳ đầu từ 1961 - 1965, đơn vị ông Đúc đóng ở Sầm Nưa là khu căn cứ cách mạng, rừng thiêng, nước độc, thổ phỉ rình rập rất nguy hiểm. Để tránh khỏi địch phát hiện, đơn vị ông Đúc thường sống trong các hang đá. Những ngày đó, ông cùng các đồng chí bạn ở không cố định một chỗ mà cứ 5 - 7 ngày lại dời chỗ để quân địch không phát hiện ra. Thổ phỉ suốt ngày đêm rình rập để đánh lén. Có lúc đang ngủ, nghe ớn lạnh, choàng dậy thấy hẳn con rắn to đùng chạy ngang thân mình. Ông kể rằng: "Bây giờ ngồi nhớ lại mà thấy kinh hoàng lắm, không hiểu sao lúc đó tuổi trẻ chúng tôi gan dạ thế. Cán bộ cách mạng luôn bị quân địch truy lùng gắt gao, cứ nghi ngờ, hé lộ thông tin vùng rừng núi kia có cán bộ cách mạng ẩn náu là chúng cho máy bay càn quét, rải chất độc hóa học. Nhưng chúng tôi vẫn không chùn chân". Ông nhớ lại: "Đợt 5 cán bộ, trong đó có tôi di chuyển địa điểm ở rừng Đông Phayen thì bị địch phát hiện, có 9 máy bay tọa độ dội bom xối xả, chúng tôi đã lẩn tránh, chạy mỗi người mỗi hướng lánh bom đạn. Lần đó, tôi bị bom Mỹ đánh gãy chân, trên cơ thể găm nhiều mảnh bom bi, may mắn thoát chết".
 
Sau những ngày cam khổ ở Sầm Nưa, lại nối tiếp những ngày gian khổ khác. Trần Đình Đúc tiếp tục có mặt ở những vùng khó khăn nhất của cách mạng Lào. Mấy năm đầu, ông được điều động đi các tỉnh Nam Lào, nơi tập trung đông dân và nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua. Ở Nam Lào ông đã đi cơ sở về ăn ở 3 tháng liền với Chi bộ Tà Ôi, một vùng bị bệnh hủi rất nặng. Trong 3 đồng chí chi ủy viên thì 2 đồng chí có ngón tay, ngón chân đã bị cụt. Ông cùng đồng chí Hoàng Hiệt ăn, ở trong hang đá 2 tháng liền để đêm đến vượt bốt địch đầu bản, vào xây dựng Chi bộ Cutbon (tỉnh Xavanakhet) trong lòng địch. Nhiều lần đi công tác bị phỉ phục kích và lạc đường phải ăn rau, ăn măng trừ bữa, bị sốt rét và mấy lần bị hổ vồ suýt chết... Những lần suýt chết ấy, ông thường được bà con trong các bản dọc đường cứu giúp, cưu mang nên nghĩa tình ấy được ông ghi khắc trong lòng, cố gắng đến hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.
 
Ông đã trực tiếp giúp bạn mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ, và cùng với bạn về các bản xây dựng, phát triển Đảng, xây dựng các đoàn thể quần chúng. Tháng 12/1975, đất nước Lào được giải phóng, Trần Đình Đúc được về Viêng Chăn, trực tiếp làm chuyên gia giúp các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào về công tác xây dựng Đảng. Trong hơn 32 năm hoạt động ở Lào, ông đã trực tiếp làm việc thường xuyên với 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức, được tham dự với tư cách thành viên đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên gia về công tác tổ chức, dự 4 lần Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào, được làm việc nhiều năm (từ 1975 đến 1992) bên cạnh các đồng chí Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Xu-pha-nu-vông, Khăm-tay Xi-phăn-đon... 
 
Trước khi về nước, hoàn thành chặng đường dài 32 năm cống hiến tận tâm cho nền cách mạng của bạn, ngày 17/9/1992, sau khi nghe đồng chí Trần Đình Đúc báo cáo, Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản thân mật hỏi: “Anh Đúc giúp Ban Tổ chức Trung ương Lào mấy chục năm rồi?”. Trần Đình Đúc trả lời: “Thưa anh đã hơn 32 năm rồi”. Đồng chí Tổng Bí thư Cay-xỏn xúc động nói: “Tôi 37 năm làm Tổng Bí thư, anh Đúc 32 năm giúp Lào xây dựng Đảng là điều đặc biệt, Đảng, Nhà nước Lào ghi công cho đồng chí Đúc”. Nhà nước Lào đã tặng thưởng Trần Đình Đúc nhiều huân chương cao quý, trong đó tại nhà riêng ông đang trưng bày trên tủ thờ một Bản ghi công bằng tiếng Lào (và bản dịch tiếng Việt) do đồng chí Trưởng ban Tổ chức Đảng NDCM Lào Thongsing Thamavong (nay là Thủ tướng nước CHDCND Lào) ký ngày 12/12/1992. Bản ghi công có dòng chữ: “Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào xin mãi mãi ghi nhớ công lao tốt đẹp của đồng chí Trần Đình Đúc”.
 
Như sợi cùng dây, như cây cùng khóm...
 
Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào từng nói: “Lào - Việt hai nước chúng ta. Như sợi cùng dây, như cây cùng khóm”. Qua thăng trầm thời gian, nghĩa tình ấy vẫn chẳng đổi thay. Thấm thoắt 32 năm trên đất bạn, ngày về nước năm 1993, biền biệt đến mức con không biết mặt cha, hàng xóm láng giềng cũng không có tên ông Đúc trong hồi tưởng. Ông kể, "32 năm, tôi chỉ về thăm nhà 4 lần, cũng là 4 đứa con ra đời. Tôi không giúp được gì vợ con. Một mình bà ấy chạy vạy nuôi con khôn lớn". Còn bà Nguyễn Thị Khuy (vợ ông Đúc) chia sẻ: "Lấy tôi xong có ở với nhau được mấy đâu, ai hỏi ông ấy đi mô, tôi cũng phải nói tránh là đi xa (vì lúc công việc của ông là bí mật). Con sinh ra không thấy mặt bố, ai hỏi bố các con lại khóc gào lên. Tôi phải âm thầm nuôi con chờ ngày chồng trở về".
 
Chuyến này, theo chân người đồng chí cũ của ông, bây giờ là Bộ trưởng Vylayvanh Phomkhe về thăm ông ở xóm Lũy, đã thấy bóng một cây đại lớn trùm lên khoảnh sân trước mát rượi, hoa lác đác rơi trên thành bể nước, thơm đến nao lòng, gợi nhớ những sân chùa ngát hương trên đất Lào và đất Việt. Đó là cây chăm pa đất bạn được ông gửi về nhờ bà trồng. Sau này, khi đã về nước, ông còn mang theo mấy khóm phong lan xứ Lạn Xạng cho leo quanh thân cây hoa chăm pa. Nay, phong lan đã quấn quýt buông lá xanh, những bông chăm pa rải rác trắng điểm vào vòm lá. Chợt thấy 2 xứ Việt - Lào như gần nhau đến lạ trong một ngày bình yên. Lại thấy gắn bó hơn nữa khi cả 2 vợ chồng Bộ trưởng Vylayvanh đều nói tiếng Việt Nam thoải mái, âm sắc nằng nặng xứ Nghệ. 
 
image_3652048.jpgBộ trưởng Vylayvanh Phomkhe, ông Trần Đình Đúc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành cùng trò chuyện về tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Lào.
 
Buổi gặp lại ấm áp và chân tình nơi mảnh sân nhỏ. Phía bàn đầu, góc trang trọng nhất là 2 lá cờ Việt - Lào cắm chung cùng những cành hoa đại. Để cho quan khách 2 nước trao đổi, lễ nghi, bà Nguyễn Thị Khuy (vợ ông Trần Đình Đúc) và phu nhân Bộ trưởng (bà Khăm Đê) đã ôm lấy nhau, trò chuyện như chẳng dứt ra được. Bà Khuy cứ nhắc lại kỷ niệm của những tháng năm xa chồng, tình cảm của các "đồng chí Lào" với gia đình. Nắm tay bà Khăm Đê, bà bảo "Lần ni chắc gặp nhau lần cuối bà hè?". Cũng có lẽ thôi, thời gian bóng câu qua cửa, thấm thoắt bà Khuy đã thọ 93 niên, đâu có dễ làm chuyến dối già sang Lào gặp bạn. 
 
Bộ trưởng Vylayvanh Phomkhe như muốn dẫn mọi người trở về một thời "đồng cam cộng khổ" cùng nhau với lan man hoài niệm qua những câu chuyện kể. Ông hồi tưởng "Ngày trước tôi có được học ở Nghĩa Đàn 2 năm, lúc đó các bạn còn vất vả lắm. Nhưng học sinh Lào được ăn cơm trắng, còn các bạn Việt Nam ăn mỳ hạt. Các bạn đã nhường cơm sẻ áo cho chúng tôi, ân tình ấy làm sao quên nổi. Nay Việt Nam xuất khẩu gạo hàng nhất, nhì thế giới, thật tâm chúng tôi rất mừng". 
 
Ông còn kể rằng: Anh Đúc sang Lào đều được Tổng Bí thư, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đón tiếp trọng thể. Về Việt Nam, anh Đúc có khi còn bỡ ngỡ hơn khi ở Lào, bởi anh ấy đã thành người thân của chúng tôi mất rồi". 
 
Lại chợt nhớ, khi mới rẽ vào ngõ, ông đã bảo mấy người đi cùng: "Đoàn ta đi đường này xa hơn. Trước về nhà anh Đúc, tôi hay đi đường trên gần hơn". Hóa ra, chốn này cũng là nơi thường xuyên đi về của vị Bộ trưởng đã từng có 2 nhiệm kỳ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước CHDCND Lào tại Việt Nam. Khi còn là Đại sứ, để ngày mùng Một cho gia đình ông Đúc tiếp khách làng xóm, làm lễ cổ truyền, đến mùng 2, ông Vylayvanh đều đánh đường về nhà ông Đúc cùng ăn cái Tết cổ truyền của người Việt cùng người đồng chí cũ. Mà cũng không chỉ Bộ trưởng Vylayvanh, còn nhiều vị lãnh đạo khác của bạn cũng đã về đây thăm ông, ngủ với ông một đêm để hàn huyên về những ngày gian khó mà đẹp đẽ. Ông Trần Đình Đúc thì rơm rớm nước mắt: "Chuyện ân tình thì dài lắm. Tôi nhớ, có một cái Tết, anh em chuyên gia đã tranh thủ về hết. Tôi bị ngã, gãy chân, sốt cao, nằm bất động cả tháng trời, chỉ có anh em Ban Tổ chức Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng NDCM Lào chăm sóc cho tôi. Chị em trong Văn phòng Ban Tổ chức, nhất là chị Khăm Đê (phu nhân Bộ trưởng Vylayvanh bây giờ) lùng kiếm các loại cây thuốc lá chữa bệnh trong các chùa, đâm giã, nấu sắc để tôi chườm, uống... Thấy cảnh vất vả của bạn đi kiếm lá thuốc, tôi cảm động quá, nên mặc dù thuốc khó uống, tôi cũng gắng nuốt bằng hết và tự nhủ với mình phải gắng lên, gắng lên, còn nhiều việc đang chờ, bạn đang cần mình". .. 
 
Cho đến nay, ông Trần Đình Đúc đã có 61 lần được 2 Đảng, Nhà nước khen thưởng. Có 7 lần được Chủ tịch 2 nước tặng Bằng khen vì những cống hiến với nước CHDCND Lào, góp phần vun đắp tình hữu nghị bền chặt, lâu dài của Việt Nam - Lào. Nay, cựu chuyên gia ấy còn giữ được 136 tấm ảnh những ngày công tác trên đất bạn, và mong muốn có một căn phòng để trưng bày, lưu giữ cho đời sau hiểu thêm về tình cảm gắn bó Việt - Lào...
 
Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm Lào tặng ông Đúc chiếc áo lụa tơ tằm.
 
Chuyện ân tình cứ thế mà tuôn dài như không muốn dừng. Thấy mấy người khuân từ xe vào mấy chiếc bì nằng nặng, ông Bộ trưởng cười tươi bảo: Nếp đấy, nếp Lào đấy. Nếp này cũng là do các bạn Việt Nam sang giúp, hướng dẫn bà con Lào cách trồng". Nói đoạn, ông ra hiệu thư ký riêng và bảo "Còn đây là bộ bàn ghế nhỏ bằng gỗ tốt, để cho ông bà ngồi uống nước chè, đây là áo tơ tằm tặng ông, đây là chăn thổ cẩm tặng bà, rồi đây là chè Xiêng Khoảng, cà phê Nam Lào... cũng nhờ các bạn Việt Nam giúp đỡ cách làm một phần đó". À, thì vậy! Bởi chuyến này ông đang mang trọng trách là người dẫn đầu phái đoàn Bộ Nông - Lâm Lào sang dự Hội nghị thường niên giữa Bộ Nông nghiệp & PTNT Việt Nam với Bộ Nông - Lâm Lào về hợp tác trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Những sản phẩm ông mang sang tặng đồng chí cũ cũng là một cách "khoe" khéo thêm về mối thâm tình giữa 2 bên biết bao năm tháng qua, nay đã khai hoa kết trái bước đầu. Cũng là để người đồng chí năm xưa biết rằng, những công sức "gối đất, nằm sương", "chung lưng đấu cật" một thuở ấy cũng đã nên cành, xanh lá hôm nay. Nói đoạn, rồi ông tự tay lui cui xếp bộ bàn ghế nhỏ bằng bặn, đặt lên đấy những món quà mộc mạc nhưng là cả công sức và tình cảm hữu nghị của cả 2 bên. 
 
Trần Hải