(Baonghean.vn) - Thú chơi đào rừng ngày nay đã được phổ biến rộng khắp khi cuộc sống xã hội đang ngày càng phát triển. Từ miền núi cho tới thành phố, năm hết Tết đến nhà nhà đều muốn kiếm cho mình 1 cành đào rừng thật đẹp, phù hợp túi tiền. Phải chăng vì thế mà những người khai thác ồ ạt chặt hạ đào tự nhiên để bán? Oan quá!
Cách đây 14 năm, nhà tôi ở bên kia dòng sông Lam chuyển về nằm sát quốc lộ 7 chạy từ Vinh lên đến cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Cứ mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, tôi cùng mấy bác xe ôm ngồi bên lề đường nhìn những chuyến xe chở đầy đào rừng từ trên xuống mà xuýt xoa: “Chao ôi! Đào đâu ra mà cứ chở hết xe này đến xe khác thế nhỉ? Cứ cái đà này chắc vài cành đào bé bằng ngón tay út cũng chẳng còn”.
Ấy thế mà lạ, 14 năm trôi qua, cũng cứ cái dịp này, chúng tôi lại ngồi bên lề đường để ngắm những chuyến xe chở đầy đào phủ rêu mốc tất tả về xuôi. Mà có khi nó còn nhiều hơn cả thời điểm trước nữa ấy chứ. Ô tô có, xe máy có cứ thế chạy liên tục cho đến ngày cuối cùng của tháng Chạp. Cũng những câu hỏi ấy, năm này qua năm khác và rồi dường như mọi người đều biết câu trả lời nhưng chẳng ai nói ra.
Tôi ra trường có cái may mắn được ở gần những nơi nổi tiếng về đào rừng ở xứ Nghệ. Hàng năm, cứ gần đến dịp cuối tháng Chạp chúng tôi đều chọn những cành đào rừng đẹp để mang về chơi Tết. Nói thế thôi chứ cũng phải vất vả lắm mới lấy được cành đào mang về. Những người dân Mông hiền lành chất phác bảo với tôi rằng: “Cứ lên rẫy bố mà chọn, bố bán rẻ cho”.
Từ chỗ chúng tôi leo đến rẫy đào cũng mất gần 2 giờ đồng hồ, chọn được cành đào phải nhờ người dân mang về đến tận nơi cho, vất vả vô cùng. Cách đây hơn 10 năm, đường vào chỗ chúng tôi công tác chỉ là đường đất, ô tô chẳng thể nào đến nơi được nên những rẫy đào người dân trồng chỉ để lấy quả là chính. Đào đầy rẫy trên nương, nở hoa đỏ thắm cả 1 vùng đồi. Những cành đào được hấp thụ không khí lạnh của vùng cao lên rêu mốc từ gốc đến ngọn. Cứ mỗi năm chặt đi, người ta lại trồng thêm nhiều cây con mới để 3-4 năm sau cho quả. Mà cái giống đào này cũng lạ, có khi chẳng cần trồng mà cây con cứ mọc lên trên nương rẫy.
Khi tuyến đường nhựa được trải rộng trên khắp huyện vùng cao Kỳ Sơn, xe tải, xe máy chạy rầm rập ngày đêm thu mua những cành đào đá của bà con mang về xuôi bán. Lúc này những cây đào trên nương rẫy phát huy giá trị của nó. Mùa hè cho quả, mùa Xuân cho hoa. Và bà con vùng cao cũng chính vì vậy có thêm thu nhập từ rẫy đào của mình.
Có dịp, nhân chuyến công tác cuối năm, tôi gặp một người dân tên Thò Nênh Thông ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn). Xung quanh nhà và trên nương rẫy của Nênh Thông trồng đầy những đào. Anh bảo, trước đây, ở các bản của người Mông, cây đào sinh sôi phát triển mạnh nhưng không ai biết dựa vào thế mạnh đó để phát triển kinh tế mà chỉ đơn thuần là để lấy quả ăn.
Nhận thấy cứ năm hết Tết đến, những người dưới xuôi thường lên vùng biên giới lấy đào về đón Tết, nên năm 2007, anh trồng hơn 1000 gốc đào. Mỗi năm, anh đều chăm bón, tỉa cành nên đào phát triển nhanh chóng. Sau 5 năm, những gốc đào anh trồng đã phát huy hiệu quả. Mỗi dịp Tết anh thu nhập trung bình trên 60 triệu đồng từ bán đào. Bán xong, ra năm anh lại tiếp tục trồng để năm nào cũng có đào cung cấp cho người miền xuôi.
Anh cũng không ngờ rằng mọi người lại thích chơi loại đào có rêu mốc trồng trên rừng đến thế. Nhưng kệ, với 1 người như anh, cây đào đã cho gia đình anh thêm nguồn thu nhập là tốt rồi. Tôi băn khoăn: “Thế tưởng loại đào này là đào tự nhiên mọc trong rừng chứ?” Anh cười ngặt nghẽo: “Cán bộ nghĩ cây ăn quả cũng giống mấy cây gỗ sa mu, pơ mu hay sao hả. Chẳng qua nó được trồng lâu năm ở nương rẫy nên người ta cứ bảo đào rừng thôi. Nếu là của tự nhiên, mỗi cành đẹp vác về bán được mươi triệu thì chắc dân bản ta bỏ hết việc nhà đi lấy đào cả rồi”.
Hoá ra thế, những thắc mắc bấy lâu trong lòng tôi giờ đã được cởi bỏ. Khi cuộc sống xã hội ngày càng phát triển thì người ta có những sở thích khác nhau. Có người thích chơi quất cổ thụ, mai cổ thụ…thì cũng có người chơi đào rừng. Ấy là cái lẽ tự nhiên của cuộc sống.
Với những người dân Mông như Thò Nênh Thông, những cụm từ như “biến đổi khí hậu”, “ô nhiễm môi trường”, “mất cân bằng sinh thái”…thật xa lạ. Họ chỉ hiểu rằng, nhà nước đã nói phá rừng là vi phạm pháp luật thì không nên chặt gỗ nữa còn cái việc ta trồng đào để bán thì nhà nước khuyến khích cơ mà. Đồng tiền mình làm ra từ nương rẫy cũng vất vả lắm.
Nói thế thôi chứ cũng có thể hiểu được tâm lí của nhiều người, thấy hàng trăm chuyến xe chở đào từ vùng cao về không nóng ruột mới lạ. Cũng như tôi trước đây thôi, đến Tết thấy xe chở đào chạy qua lại tự hỏi: “Đào đâu ra mà năm này sang năm khác chở nhiều thế, cứ cái đà này sang năm…” Vậy đó, và giờ tôi trả lời được rằng, đào của người ta trồng trên rừng bán về đấy./.
Đào Thọ