(Baonghean) - Trong những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017, chúng tôi nhận được những tâm sự xúc động của vợ chồng anh Nguyễn Đức Thuận và chị Phạm Thị Nhài ở xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc). Anh chị đã có gần 10 năm sống và lao động xuất khẩu trên đất Hàn; những dòng mà họ chia sẻ dưới đây là những trải lòng, day dứt của người con xa quê khi nghĩ về ngày xuân, nhớ về quê nhà. 

“Thêm một cái Tết nữa vợ chồng tôi không được sum vầy bên nồi bánh chưng cùng gia đình. Xa quê gần mười năm ròng, nỗi nhớ quê hương trong mỗi chúng tôi ngày càng da diết. Nỗi nhớ ấy càng lớn hơn mỗi độ Tết về. Nhớ cha mẹ, nhớ con gái lắm nhưng đành gác lại, bởi cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người hãy còn gian nan...

images1816618_bna_589453504bfa5.jpgHội đồng hương Nghệ An tổ chức ăn Tết cổ truyền tại đất nước Hàn Quốc. Ảnh: Thiên Thiên

Tôi và chồng vốn người cùng làng. Tình yêu của chúng tôi nảy nở từ ngày mới học xong cấp 3. Cả hai đều không thi đỗ đại học nên quyết định đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Hàn Quốc là đất nước cả hai lựa chọn để tìm hướng đi cho tương lai của mình. Hai chúng tôi đã rời xa gia đình lên đường sang xứ sở kim chi và công việc là dập chi tiết cho máy tập thể hình tại tỉnh Chungcheong Nam.

Sang được vài ba năm, chúng tôi quyết định về chung “một nhà” sau một đám cưới giản dị ngay trên đất nước lạnh giá này. Hai gia đình nội ngoại vốn đã quen thân nên việc cưới hỏi tại quê hương diễn ra thuận lợi. Xong xuôi sự kiện trọng đại nhất đời người, chúng tôi tiếp tục mưu sinh với cuộc sống của mình.

Từ ngày ấy đến giờ đã hơn 10 năm và năm nào chúng tôi cũng đón Tết cổ truyền nơi xứ người mà lòng thổn thức hướng về xứ Nghệ.Từ ngày mang con gái gửi về Việt Nam cho ông bà nội chăm sóc, ngày nào hai vợ chồng tôi cũng tranh thủ thời gian nghỉ giải lao để nói chuyện qua facetime với bé. Dù mỗi ngày đều được nhìn thấy vẻ mặt đáng yêu bụ bẫm, được nghe giọng con bi bô tập nói nhưng hai chúng tôi vẫn nhớ con thật nhiều.

Những ngày cận Tết, tiết trời rét mướt càng khiến nỗi nhớ con gái da diết hơn bao giờ hết. Sau những cuộc nói chuyện qua facetime, vợ chồng tôi ôm lấy nhau khóc thút thít, dù không ai nói ra nhưng cả hai đều biết phải cố gắng làm việc thật chăm chỉ để nhanh chóng được trở về với tình yêu lớn của cuộc đời mình. 

Cũng như Việt Nam, người dân Hàn Quốc ăn Tết truyền thống theo lịch âm hàng năm. Vào dịp Tết Nguyên đán, những người lao động Việt Nam xa quê như chúng tôi được các công ty cho nghỉ lễ. Ở Hàn, Tết cổ truyền được gọi là Tết Seollal và kéo dài trong 3 ngày: từ ngày 30 tháng Chạp, đến ngày mùng 2 tháng Giêng (âm lịch). Tết năm nào cũng vậy, trước khi được nghỉ phép, hai vợ chồng tôi lên kế hoạch gọi điện cho bạn bè đang làm việc khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc để chuẩn bị hội họp trong dịp năm mới. Thường là lựa chọn nhà của một ai đó rồi cùng nhau gói hoặc mua bánh chưng, làm mứt, xôi... để đón Tết. Xa quê hương, được vui vầy cùng đồng hương trên đất khách, được ăn những món ăn Việt Nam, được nghe giọng Nghệ chắc nịch khiến ai nấy đều như tìm thấy mình đang được đón Tết trên quê cha đất tổ. 

Năm nay cũng vậy, chúng tôi được nghỉ Tết 3 ngày. Những ngày này dù nhớ nhà lắm nhưng ít ai về quê. Bởi tiền vé máy bay đắt đỏ, về được đôi ba ngày lại phải bay sang. Ngày 30 Tết, hai vợ chồng cùng nhau dọn dẹp lại nhà cửa, đi chợ mua hoa quả, bánh kẹo, rau củ. Một con gà với cỗ xôi để thờ cúng, thêm cặp bánh chưng là món không thể thiếu trong ngày này. Ở đây, người ta vẫn bán bánh chưng nên mọi người có thể dễ dàng tìm mua ở siêu thị. Món giò chả đã được bố mẹ gửi từ Việt Nam sang từ trước đó và cất sẵn trong tủ lạnh. Chỉ khác ở nhà không có cây đào để trưng trong phòng, thay vào đó là một lọ hoa hồng đỏ rực. Như vậy cũng được xem như có một cái Tết đúng nghĩa với những người lao động xa quê. 

Hội đồng hương Nghệ An tại quận Madison (Mỹ) gói bánh chưng đón Tết cổ truyền.

Những ngày nghỉ Tết, bạn bè đồng hương kéo đến phòng hai vợ chồng tôi. Kể cả những người ở cách xa hàng trăm km cũng đón tàu điện ngầm để đến chung vui, đón năm mới. Tết mà, được gặp người cùng quê hương trên mảnh đất xứ người là điều tuyệt vời hơn tất cả. Đứa ca hát, người tâm sự, kẻ sụt sịt khóc như một đứa trẻ vì nhớ nhà. Có những người cũng đã 5,6 năm rồi chưa được đón Tết với mẹ cha. Tết năm nào cũng có người khóc... Không khí Tết lẽ ra phải vui tươi, rộn rã nhưng với những người con xa xứ sâu thẳm vẫn là nỗi nhớ nhà, nhớ nồi bánh chưng, nhớ sắc đỏ của hoa đào, của câu đối Tết… nhớ buốt hương vị Tết quê”.

Có lẽ, đêm 30 Tết là thời khắc khiến những người lao động tha hương như chúng tôi thổn thức hơn cả. Đêm giao thừa, hai vợ chồng lại gọi điện qua facetime để được nhìn bố mẹ, nhìn ngắm con gái bé bỏng. Đây thực sự là món quà vô giá của hai vợ chồng. Tết đầu tiên của con gái cũng là Tết đầu tiên chúng tôi phải xa khúc ruột của mình. Trong vòng tay bà nội, con gái cứ bi bô gọi ba mẹ, vỗ tay hay nũng nịu nói những lời khiến trái tim người cha, người mẹ như tan chảy. Tôi đã khóc sưng cả mắt vì nhớ con. Tôi sinh con gái trên đất Hàn Quốc, khi con vừa 3 tháng tuổi đã phải xa bố mẹ. Ở bên này, vì công việc, vì mưu sinh nên chúng tôi không thể đủ điều kiện để chăm sóc cháu. Vậy nên khi nhìn thấy ánh mắt trong trẻo, nụ cười hồn nhiên và cả nét buồn trên gương mặt của con qua màn hình điện thoại giữa đêm cuối năm trên xứ người tôi chỉ muốn được bay về nhà ôm lấy thân hình bé nhỏ ấy. Nhưng biết làm sao được, cuộc sống phía trước của chúng tôi vẫn bộn bề nỗi lo, ngay cả vợ chồng dù sống cùng phòng, làm việc cùng một thành phố mà lắm khi còn không thể trò chuyện, ăn bữa cơm chung./.

Thiên Thiên (ghi)


    

TIN LIÊN QUAN