(Baonghean) - Là đàn ông, rất hiếm khi tôi đi chợ. Và gần như tôi chỉ “dồn” thời gian cho công việc ấy vào phiên chợ đào Tết. Thậm chí, đó không phải là “đi” chợ theo cách hiểu thông thường mà thực sự là “chơi” chợ. 

Năm nào cũng vậy, quãng từ ngày 26 - 30 Tết, khu vực chợ đào rất ồn ào, tấp nập. Người đi chợ đa phần là đàn ông. Họ cũng ngó nghiêng, chê bai, tán dương, mặc cả loạn cả lên khiến cho không khí đến là thích thú. Năm nay tôi cũng hòa vào dòng người để tìm kiếm chút dư vị Tết cổ truyền qua cành đào xuân giữa phố xá chật hẹp. Và cũng thật lạ, ở Vinh có đến gần chục chợ đào, chợ hoa nhưng năm nào tôi cũng chỉ rà xe máy dọc theo đại lộ Lê Nin ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để “săn” đào. Như thể con đường này tạo nên sức hút dễ khiến người ta khó mà rời ra được mỗi dịp Tết đến. Tôi tự gọi tuyến giao thông này là “con đường hoa” dẫu cho ngày thường nó cũng như biết bao con đường khác vùng nội đô thành Vinh. 

images1816599_bna_589451b1e514a.jpgĐại lộ Lênin (TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh

Đã 3 cái Tết liên tục tôi gặp gia đình bán đào ấy và cũng liên tục 3 năm tôi mua đào của họ. Người chồng tên là Nguyễn Văn Thanh, anh cho hay nhà ở xã ngoại thành Nghi Đức và từ nhiều năm nay, năm nào cả gia đình cũng tập trung ra đường Lê Nin bán đào. Anh Thanh theo hàng xóm, bạn bè lặn lội ra tận các tỉnh phía Bắc như: Mộc Châu, Điện Biên, Sơn La hay lên tận các huyện miền Tây trong tỉnh như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương để mua đào về bán kiếm lời.

Anh Thanh thật thà chia sẻ: “Buôn đào có thể lãi không to nhưng rất ít khi lỗ, mình mua 1 bán 5 thậm chí bán 10. Cũng là bù đắp chi phí vận chuyển, đi lại. Mà thực ra bán cành đào đẹp giá cao để bù lỗ cho những cành kén khách”. Cứ như vậy năm nào gia đình anh Thanh từ trai gái, lớn bé đều có mặt tại “con đường hoa” Lê Nin để kiếm thêm thu nhập dịp Tết. 

Gia đình tôi chuyển về sinh sống gần tuyến đường Lê Nin đã 31 năm. Ngày ấy nơi này là cánh đồng sản xuất của bà con nông dân xã Hưng Dũng (nay là phường). Từ khu vực trung tâm thành phố Vinh chuyển ra vùng ngoại thành quả là một sự kiện lớn đối với đứa trẻ lên 10 như tôi. Ai mà đoán biết được sẽ đến một ngày cả cánh đồng gieo lúa, trồng lạc, vùng ao chuôm sình lầy hoang vu lại trở thành vùng nội đô như hiện nay.

Hơn 30 năm rồi cơ mà! Dẫu vậy, dạo ấy, sau những bỡ ngỡ ban đầu khi mới chuyển đến, mảnh đất này đã trở nên vô cùng thích thú đối với những cậu trai vừa bước vào tuổi thiếu niên như tôi. Từ trường học ở phường Lê Mao, tôi buộc phải chuyển về học ở Hưng Dũng. Trẻ con dễ quen và thích nghi với môi trường mới nên tôi cũng không mấy khó khăn để hòa nhập với chúng bạn. Chỉ có điều bạn bè mới của tôi đa phần gốc làng Đỏ nên giọng nói nặng trình trịch, thanh điệu, ngữ điệu chẳng khác người mạn Nghi Lộc là mấy.

Du Xuân ngày Tết. Ảnh: Sách Nguyễn

Từ khi chuyển về nơi ở mới, trường học mới, mỗi ngày sau buổi học tôi đều tìm đến cánh đồng chơi. Tính ra cánh đồng ngày xưa kéo dài từ đường Hecman chạy miết đến chợ Hưng Dũng hiện nay. Ở đó chúng tôi có nhiều cơ hội để trải nghiệm cuộc sống của người nông dân vùng ngoại vi thành phố. Thực ra nhiều khu vực dân cư ở Hưng Dũng ngày trước chưa bao giờ được coi là thuần nông. Người dân mảnh đất làng Đỏ lao động thủ công nghiệp. Họ dệt chiếu, làm thợ nề, thợ xây, gia công sửa chữa cơ khí và mộc dân dụng. Và cánh đồng nói trên chỉ là sự “phụ họa” thêm cho cuộc sống của họ.

Tôi còn nhớ trước đây khi chưa có đại lộ Lê Nin cũng như các khu đô thị mới, cánh đồng Hưng Dũng có những bãi tha ma, nghĩa địa đến là ghê. Thi thoảng khu dân cư mới chúng tôi lại được phen xáo động bởi những đám đưa ma ra đồng. Tuy vậy thích nhất là lũ trẻ thuộc “dân góp" như tôi thả sức tìm đến các ao chuôm giữa cánh đồng câu cá, tát mương. Từ khi về với nơi ở mới tôi cũng học được nhiều cách bắt cá. Nào là thả lưới bén, cắm câu đêm, thả câu vương, câu vút, nơm, vó… thậm chí bắt cá chỉ với một sợi dây thừng. Mùa Hè chúng tôi câu cá tràu, mùa Đông đặt trúm lươn, soi đèn chặt cá cóng. Trời nắng thì đi nơm, mưa thì cất vó, thả lưới…

Trong số lũ trẻ ham cá mú, tôi được xem là đứa “sát” cá nhất. Và buồn cười hơn là cả nhà tôi không ai ăn cá đồng. Vậy nên cá bắt về thả đầy trong 2 cái bể bê tông, rồi cả xô chậu. Không ăn nên chị em tôi cũng bày đặt mang đi chợ bán. Thực ra cũng chẳng được bao nhiêu, chủ yếu là biếu bà con lối xóm. Nhưng mặc cho mọi người trong gia đinh chẳng mấy ai thích ăn cá, tôi vẫn ham ra đồng. Những đêm mưa gió mịt mùng bãi tha ma giữa đồng lại bùng lên đuốc ma trơi xanh lè phát khiếp. Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi trẻ con để bước qua những nấm mồ thấp đã lâu năm không có người coi sóc. Mẹ tôi bảo ma trơi là “cố bợ” hiền lành không có gì phải sợ hãi, mỗi khi bước qua bãi tha ma thì nên nói “nôm” mấy câu để xin phép những linh hồn đang nằm sâu trong lòng đất. Tôi nghe mẹ và vững vàng bước qua quãng đời tuổi thơ giữa cánh đồng hun hút gió.

Đi chơi ngày Tết trên đường Lê Nin. Ảnh: Sách Nguyễn

Đến những năm 90 của thế kỷ trước, bắt đầu có những chuyển biến lớn diễn ra trên cánh đồng. Không mấy nông dân gieo lúa, trồng vừng, tra đỗ trên cánh đồng cao cưỡng nữa. Người ta dùng các loại xe máy san ủi lấp dần những kênh rạch, bàu ao. Các chị gái tôi ngẩn ngơ tiếc những bông súng tím gãy nát dưới gàu múc của máy xúc, máy ngoạm. Bãi tha ma ngày thường là nơi huấn luyện, tập bắn của các tân binh thuộc đơn vị H83 nằm ngay sát cánh đồng cũng phải di dời. Rồi cả trại chăn nuôi gà của một xí nghiệp Nhà nước đứng giữa đồng không mông quạnh cũng giải tán. Một con đường mới rộng thênh thênh chạy cắt ngang cánh đồng nối từ đường Nguyễn Phong Sắc đến đường Nguyễn Sỹ Sách đã xóa nhòa những dấu vết cũ. Đó chính là đại lộ Lê Nin hiện nay...

Kể từ khi có con đường mới cũng là lúc có sự tụ hội của các khu đô thị mới, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học. Không còn dấu vết nào của vùng sản xuất nông nghiệp thuở trước, phố mới trở thành tuyến giao thông quan trọng nhất ở Vinh khi nối trung tâm thành phố với cảng hàng không và xuôi về thị xã biển Cửa Lò. Trên tuyến đường là hàng loạt salon, showroom trưng bày, bán ô tô của các hãng nổi tiếng. Tuy nhiên với riêng tôi, ấn tượng hơn cả là con đường đã trở thành chợ hoa đào mỗi khi Tết đến. Vào những ngày giáp Tết nhiều nông dân các xã vùng ven thành phố như: Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Đức, Nghi Liên bỗng trở thành “thương nhân”. Họ gom mua đào từ khắp các tỉnh phía Bắc, miền Tây Nghệ An về bán cho người ở phố. Được mất, bán mua thế nào chưa hay nhưng vui lắm, sôi động lắm. Tôi cứ nghĩ, giả không có con đường biết đâu mùa Xuân chốn phố thị thêm buồn biết mấy.

Chiều 30 Tết, lần cuối cùng tôi lại rà xe máy dọc theo tuyến đường Lê Nin ra tận khu vực xã Nghi Phú. Đào hoa đã mua, chỉ là tìm kiếm thêm một chút cảm giác trong ngày cuối cùng của năm cũ. Bất chợt nhìn thấy anh Thanh - người đã bán đào cho tôi. Anh bảo mình cũng đang tìm mua đào? “Có bao nhiêu cành bán hết ráo. Bây giờ lại phải đi mua về chơi Tết. Phải có cành đào Xuân. Nhất định phải có” - Thanh cười hớn hở trong sự ngạc nhiên của tôi. Hẳn giờ này gia đình anh đã qua một cái Tết ấm áp lắm.

Vân Nhi


TIN LIÊN QUAN