(Baonghean) - Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều phụ nữ đã trở thành những bà mẹ đơn thân. Để có thể vừa làm bố, vừa làm mẹ và phải sống trong nhiều luồng dư luận, nhưng những người mẹ đã biết cách vượt qua tất cả để được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.

Phải đến lần thứ hai, tôi mới gặp được chị, trong ngôi nhà “Mái ấm tình thương” do Hội LHPN huyện Nghi Lộc phối hợp Hội Phụ nữ xã Nghi Yên hỗ trợ xây dựng cho mẹ con chị cuối năm 2012 còn thơm mùi vôi mới, trong tiếng cười đùa vô tư, trong sáng của cô con gái 5 tuổi Dương Thị Lệ Hằng, chị Dương Thị Luyên (sinh năm 1970) đã liên tục kìm nén những nỗi lòng, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về nỗi niềm làm mẹ đơn thân.

Sinh ra trong một gia đình có 5 chị em gái, thật không may mắn, chị Luyên bị hỏng một mắt, chị gái thứ ba Dương Thị Tiến (sinh năm 1963) bị mù bẩm sinh, tâm thần không ổn định. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết lớp 7, chị Luyên nghỉ giữa chừng ở nhà giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng. Tuổi thanh niên với biết bao ước mơ, hoài bão, chị tham gia nhiệt tình công tác đoàn, công tác hội phụ nữ ở xã. Theo thời gian, các chị trong nhà cũng lần lượt đi lấy chồng, chỉ còn lại chị Luyên và chị Tiến.

Tuy hỏng một mắt nhưng chị Luyên có khuôn mặt rất ưa nhìn, dáng người cao ráo lại hay lam, hay làm nên cũng có mấy đám trong làng tới dạm hỏi. Nhưng vì thương chị gái, thương cha bị bệnh bại não, mẹ tuổi già sức yếu, các chị lại lấy chồng ở xa, nên chị cứ lần lữa mãi. Đến khi ngoài 30, 35, nhìn đám bạn cùng trang lứa ai cũng có gia đình đầm ấm, con cái đề huề mà thấy tủi thân cho phận mình. Và rồi cái ý nghĩ “hay mình không lấy chồng nữa mà chỉ sinh con thôi, như thế mình vẫn có thể chăm sóc được cha mẹ, chị gái” đã thôi thúc, ám ảnh chị hàng năm trời. Trước khi quyết định có bé Hằng, chị Luyên đã suy đi, tính lại bởi trước mắt chị là gánh nặng gia đình: cha bệnh tật ăn nằm một chỗ suốt 6 năm trời, mẹ tuổi già lú lẫn, chị gái bị mù lại thêm bệnh thần kinh, một mình chị vừa làm ruộng kiếm cái ăn vừa phải chăm lo cho 3 người già mất hết khả năng làm chủ bản thân, nếu có con lấy gì mà nuôi. Thế nhưng, niềm khao khát được làm mẹ đã chiến thắng tất cả những khó khăn của cuộc sống đời thường, và tháng 9 năm 2007, chị Luyên đã “vượt cạn một mình” tại trạm y tế xã.

792179_small_93373.jpg

                                               Minh họa: An Vinh.

Không thể kể hết những tủi cực của chị Luyên khi nuôi con một mình, kinh tế không có, kể cả gạo chị cũng phải ăn đong từng bữa nói chi đến đường, sữa, thịt cá cho con. Bé Hằng từ trong bụng mẹ đã ốm yếu, đến khi sinh ra, do không đủ chất dinh dưỡng nên thường xuyên đau ốm. Thời gian này cũng là lúc cha chị Luyên trở bệnh nặng hơn; mẹ thì lú lẫn, chị gái trở bệnh thần kinh chửi bới suốt ngày. Một tuần sau khi sinh, chị Luyên đã trở dậy làm đủ mọi chuyện trong nhà: sáng sớm gửi con sang nhà chị gái rồi vội vã đi củi (cách nhà 2 cây số), làm cỏ lạc, cỏ lúa ngoài đồng trưa trật mới chạy sấp chạy ngửa về nhà chị gái đón con, rồi vội vội vàng vàng lo cơm nước, bón cơm cho cha, cho chị gái… Nhưng từ ngày có bé Hằng, dù cuộc sống có vất vả hơn gấp nhiều lần, chị Luyên thấy mình thật hạnh phúc. Lần đầu tiên, nghe con gọi tiếng “Mẹ” – chị đã ôm chầm lấy con mà khóc nức nở. Bởi chỉ vì một tiếng “Mẹ” giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng ấy mà chị đã đánh đổi tất cả: dư luận, tủi hờn, danh dự của chính chị và gia đình. Với chị, vui nhất là lúc đêm xuống, khi mọi việc đã xong xuôi, hai mẹ con lại tíu tít bên nhau chuyện trò, chị có dịp kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích. Và những câu chuyện ấy không biết thấm đẫm tâm hồn cô bé có nhiều không, chỉ biết bé Hằng càng lớn càng ngoan. Có lẽ em cũng cảm nhận được sự thiếu thốn trong gia đình nên rất hiếm khi Hằng nhõng nhẹo, đòi quà.

Khi tôi hỏi “Làm mẹ đơn thân chị lo lắng điều gì nhất?”, chị cho biết: “Đó không phải câu hỏi “Bố con là ai?” hay dư luận bàn tán bởi chị tin lớn lên con chị sẽ hiểu và thông cảm cho mẹ. Điều khiến chị lo lắng nhất là liệu mình có đủ sức để nuôi con khôn lớn học hành đến nơi đến chốn hay không. Đời chị đã khổ, đã nghèo, đã nếm trải đủ buồn vui và cả bất hạnh, khi sinh cháu ra là gái, chị sợ con mình sau này cũng khổ như mẹ”.

Chị Nguyễn Thị Hải – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Yên, cho biết: Trong 30 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân của xã thì chị Luyên là trường hợp đặc biệt nhất. Năm 2012, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội Phụ nữ xã đã vận động chị em đóng góp tiền, ngày công được 10 triệu đồng hỗ trợ xây dựng “Mái ấm tình thương” cho mẹ con chị Luyên. Tôi nghĩ, phụ nữ nào cũng có quyền trở thành một người vợ, một người mẹ và nếu người phụ nữ đó không thể tìm cho mình một người chồng, thì họ vẫn có quyền được có con do chính mình sinh ra. Từ khi chị Luyên có thai  đến khi sinh bé Hằng, chị em chúng tôi đã động viên rất nhiều, chủ yếu là tinh thần để chị Luyên vững tâm nuôi con và không e ngại bất cứ điều gì.

Chia tay mẹ con chị Luyên trong bóng chiều chạng vạng, chúng tôi vui lây với những dự định sắp tới của chị: nuôi thêm đàn gà để lấy trứng cho con, trồng thêm ít cây ăn quả trong vườn… với hy vọng cuộc sống của hai mẹ con ngày càng tốt đẹp hơn.


Thanh Thủy