Dự án tái định cư 35 hộ dân thuộc tộc người Đan Lai được thực hiện theo Quyết định 280/2006/QĐ-TTg ngày 16/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông”. Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát. Thực hiện nội dung này, khu tái định cư mới ở vùng Bá Hạ - Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đã được xây dựng với diện tích quy hoạch 100 ha, trong đó 1,40 ha đất ở, 95,19 ha đất sản xuất. Cùng với đó, 35 ngôi nhà sàn và nhiều công trình phụ trợ kèm theo đã được hoàn thành từ năm 2011.

Anh La Văn Tùng, người dân bản Búng, xã Môn Sơn: “Vì tương lai mà chấp nhận “rời cội””

“Sinh ra, lớn lên và lấy vợ, sinh con ở mảnh đất này. Dẫu xa xôi, cách trở, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đây là nơi chôn rau cắt rốn, là cội nguồn của mình. Giờ rời xa mảnh đất mấy chục năm gắn bó ai cũng buồn, tiếc nuối, bịn rịn. Nhưng vì tương lai của mình, của con cái mà chấp nhận ra đi.

Nhiều lần theo đoàn sang quê mới, tôi thấy cái gì cũng thuận tiện hơn: giao thông đi lại, khám chữa bệnh, đến chuyện học hành của con cái. Ngoài trồng lúa, trồng ngô, trồng keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ còn làm giàu nhờ buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát hay đi xuất khẩu lao động… nên thấy mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Đó là động lực để bà con dân bản “rời cội” mà đi”.

bna_thanh_nien_anh_quang_an5895137_3072019.jpg

Bà La Thị Phượng, bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, Con Cuông: “Hy vọng tương lai tươi sáng cho con, cháu”

“Gia đình ta có 2 hộ của 2 con gái di dời sang nơi ở mới. Sắp xếp, sửa soạn đồ đạc cho con, cho cháu mà rơi nước mắt. Sống xa con cháu cũng buồn, cũng nhớ, cũng thương con. Nhưng giờ có điện thoại, có xe máy, thi thoảng con cháu về thăm mình, rồi mình sang thăm chúng nó. Với lại, trong huyện cả, có phải mô xa ngái mà ngại…

Sang quê mới, các con có nhà ở vững chãi, có đất sản xuất, các con làm ăn khấm khá, ta cũng sang sau thôi”.

Em La Văn Sáng, 12 tuổi, bản Búng, xã Môn Sơn: “Đến nơi mới, thích nhất là được đi học gần nhà”

Năm nay em lên lớp 7, phải học nội trú ở Trường THCS Môn Sơn, cách nhà 20 km, đường sá đi lại khó khăn nên có nhiều khi 2 tháng mới về nhà một lần, những lúc mưa lũ thì đành chịu. Trọ học xa nhà, sống xa gia đình, nhớ bố, mẹ và các em. Nghe bố mẹ nói, sang quê mới, được đi học ở trường mới lại gần nhà nên em thích lắm”.

Ông La Văn Linh -  Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông): “Sang quê mới, mong bà con giữ lấy bản sắc văn hóa của tộc người”

“Đợt này, bản ta có 11 hộ di dời sang nơi ở mới. Bà con dân bản gắn bó với nhau bao đời nay, giờ các hộ sang định cư ở quê mới, phải rời xa bản làng, xa nơi chôn rau cắt rốn cũng thấy bịn rịn lắm. Những ngày qua, tôi cùng ban cán sự bản đến tận các hộ dân di dời vừa để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vừa là sẻ chia, gần gũi với bà con những ngày cuối ở bản.

Sang nơi ở mới, mong bà con sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất để có một tương lai tốt đẹp. Nhưng, cũng mong bà con hãy giữ lấy bản sắc văn hóa dân tộc mình, đừng để mai một…”.

Ông Lương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn (Con Cuông): “Mong bà con sớm ổn định, có cuộc sống tốt đẹp nơi quê mới”

“Bà con Đan Lai sống ở đây cả mấy đời nay, là một phần “máu thịt” của người dân Môn Sơn. Giờ bà con rời bản làng, rời quê hương sang vùng đất mới cũng thấy có chút hụt hẫng, lưu luyến. Nhưng, sang nơi ở mới, thuận lợi về cơ sở vật chất, hạ tầng, có đất sản xuất, mở rộng giao lưu… thì đời sống sẽ bớt đi khó khăn. 

Những ngày qua, chính quyền và các đoàn thể cấp xã ngoài việc vận động, làm công tác tư tưởng cho người dân di dời theo đúng kế hoạch thì còn bố trí nhân lực hỗ trợ bà con kiểm đếm tài sản, gói ghém đồ đạc, vận chuyển đến nơi ở mới. Đồng thời, tổ chức gặp mặt, chia tay bà con".