Thực trạng

Những ngày qua, TP. Vinh hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, tại các khu tập thể cũ nằm rải rác trên địa bàn, người dân đang phải gồng mình chống chọi trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp và có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Khu tập thể Công ty Dệt may Hà Nội (còn gọi là tập thể Cọc Sợi), thuộc địa bàn 2 khối 7 và 9, phường Bến Thủy, có diện tích hơn 27.000m2 với 22 dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Tại đây hiện có 246 hộ dân đang sinh sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ, nhất là khi mùa mưa bão đã đến.

bna_image_9133983_18102021.jpgKhu tập thể Cọc Sợi có tuổi đời hơn 40 năm vốn đã nhếch nhác, xuống cấp, lại càng trở nên xập xệ hơn trong mùa mưa bão. Ảnh: Tiến Đông

Ông Trần Văn Thi - cư dân khu tập thể này cho biết: khu tập thể này tiền thân là tập thể Nhà máy sợi Vinh, được xây dựng vào năm 1978. Sau nhiều năm, nhà đã bị xuống cấp, ẩm, dột, đường nội bộ thì nhỏ hẹp, chỉ cần trộ mưa nhỏ là ngập lênh láng. 

Ông Tưởng Đăng Bằng – Khối trưởng khối 7, cũng là một trong số các hộ dân đang sống tại khu tập thể này cho biết: Cách đây hơn 10 năm, khi có Đề án 109, người dân khu tập thể này rất hào hứng để xóa bỏ khu tập thể cũ, để quy hoạch và phân lô lại. Tuy nhiên, do nhiều người không thống nhất giá tiền phải nộp cho Nhà nước và nhiều hộ có nhà tập thể ở mặt đường Phong Định Cảng hiện đã chia ra nhiều ki-ốt cho thuê, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng, họ sợ sẽ phải bốc thăm và chuyển vào trong nên không muốn làm.  

Mỗi khi mưa gió, người dân tại khu tập thể Cọc Sợi lại phải chằng chống nhà cửa rất khổ sở. Ảnh: Tiến Đông

Cũng theo ông Bằng, bản đồ quy hoạch đã vẽ xong, thậm chí có 59 hộ đã bốc thăm, nhưng do bảng giá thuế đất trên địa bàn đã thay đổi nên cũng đang phải dừng lại.

Theo tổng hợp của UBND TP. Vinh, hiện nay tại phường Bến Thủy, ngoài khu tập thể Công ty Dệt may Hà Nội với 246 hộ dân thì còn có 4 khu tập thể của Dệt kim Hoàng Thị Loan tại các khối 10, 12 và 14 với 64 hộ dân, mặc dù cũng nằm trong danh sách thực hiện của Đề án 109 nhưng vẫn chưa giải quyết xong.

Ông Nguyễn Xuân Huân – Chủ tịch UBND phường Bến Thủy cho biết: Hiện tại Đề án 109 đã hết hạn, nhưng nhiều hộ vẫn sinh sống trong các khu tập thể, một số hộ đã bán, sang nhượng cho các hộ chuyển từ nơi khác đến. Hiện tại phường đang chờ thành phố cho phép lập dự án chỉnh trang đô thị để thực hiện tiếp. 

Chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm cho khu tập thể Cọc Sợi bị ngập nước lênh láng. Ảnh: Tiến Đông

Tại phường Cửa Nam, ngoài 2 khu tập thể thuộc Đề án 109 vẫn còn đang giải quyết dang dở, thì tại đây còn nhiều khu tập thể cũ cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tại khu tập thể của Công ty CP Tổng Công ty GTVT & TM Nghệ An (tập thể Công ty Sông Biển), thuộc tổ 9, khối 11, phường Cửa Nam, có 13 hộ dân đang sinh sống. 

Bà Nguyễn Thị Thanh – tổ trưởng tổ 9, cho biết: các hộ dân ở đây trước là công nhân xí nghiệp gạch của Công ty Sông Biển, hiện tại ở khu tập thể có một số hộ dân đang sống trong cảnh nhà ở xuống cấp nghiêm trọng như hộ nhà bà Lê Thị Thiện có 7 nhân khẩu, bà Võ Thị Khương có 6 nhân khẩu hay bà Nguyễn Thị Thu sống một mình. 

Bà Nguyễn Thị Thanh - tổ trưởng tổ 9, khối 11, phường Cửa Nam, cũng là một trong số 13 hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể Công ty Sông Biển mong muốn sớm được các cấp chính quyền làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ đất. Ảnh: Tiến Đông

Được biết, vào ngày 14/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 258/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.894,79m2 (toàn bộ khu vực tập thể), của Công ty CP Tổng Công ty GTVT&TM Nghệ An. Sau khi thu hồi, UBND tỉnh cũng đã giao cho UBND TP. Vinh quản lý toàn bộ diện tích này để đưa vào sử dụng theo quy hoạch. 

Ông Trần Văn Trí - Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết: Mặc dù tỉnh đã thu hồi đất của Công ty CP Tổng Công ty GTVT&TM Nghệ An và giao về cho UBND thành phố quản lý, tuy nhiên để làm thủ tục cấp bìa cho các hộ dân thì còn phải chờ lập dự án quy hoạch đất ở mới thực hiện được.

Đề án giải quyết nhà ở tập thể cũ trên địa bàn TP. Vinh đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 189/2007/NQ-HĐND ngày 25/7/2007 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 109/2007/QĐ-UBND ngày 21/9/2007. Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay, các nhà ở tập thể cũ trên địa bàn cơ bản được giải quyết để giao đất, cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, góp phần tạo nên bộ mặt khang trang cho đô thị. 
Một căn nhà tập thể cũ nát tại dãy tập thể Công ty Sông Biển ở khối 11 phường Cửa Nam. Ảnh: Tiến Đông

Tìm hướng giải quyết

Hiện nay, Đề án giải quyết nhà ở tập thể cũ đã kết thúc, Quyết định số 109/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã hết hiệu lực. Còn 18/156 khu tập thể trong đề án đang còn giải quyết dở dang do nhiều vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, trước tình trạng xuống cấp, nhếch nhác của các khu tập thể cũ, việc quy hoạch lại để làm đẹp hơn cho thành phố và nhất là đảm bảo an toàn cho người dân là điều hết sức cần thiết.

Theo tìm hiểu, phần lớn người dân tại các khu tập thể đều có nguyện vọng được giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ để sửa sang, nâng cấp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do quy định về việc xử lý các trường hợp thanh lý, hóa giá chưa rõ ràng; giấy tờ nộp tiền thanh lý, hóa giá không đầy đủ; người dân có nhiều ý kiến không đồng ý (về nguồn gốc, thời điểm thanh lý, hóa giá, giá giao đất, quy hoạch, tái định cư…). Chưa kể quỹ đất khu tập thể nhỏ hẹp, không đủ bố trí tại chỗ, chính vì thế việc giải quyết thủ tục để giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân còn gặp không ít khó khăn. 

Khu tập thể may mặc Việt Đức thuộc khối 12, phường Hồng Sơn với 186 hộ dân sau khi thực hiện theo Đề án 109, được quy hoạch lại đã trở nên khang trang hơn. Ảnh: Tiến Đông

Ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh cho biết: trước thực trạng còn nhiều khu tập thể cũ chưa xử lý xong, UBND thành phố đã kiến nghị với UBND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện quy trình thủ tục để xử lý. Trong đó, đối với các khu tập thể đang giải quyết dở dang thì đề nghị được cho phép tiếp tục thực hiện quy trình thủ tục quy định tại Quyết định 109 để hoàn thành việc giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ cho người dân.

Đối với các khu tập thể hiện nay mới làm các thủ tục để giải quyết và các khu tập thể còn tồn tại trên địa bàn thành phố nhưng không có danh sách trong Đề án 109 thì đề nghị giao cho các phường, xã làm chủ đầu tư lập dự án nhằm chỉnh trang đô thị - ông Chiến cho biết thêm./.