Nhiều doanh nghiệp vượt khó
Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An là đơn vị kinh doanh đa ngành, có nhiều công ty con ở các tỉnh. Năm 2021, Tổng Công ty gặp khó khăn do dịch Covid -19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thu hồi công nợ khó, vận tải hàng hóa, xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng, các dự án mới như nhà máy nước đóng chai ở Nam Đàn, dự án măng Tây ở Ninh Thuận bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty vẫn nộp được hơn 10 tỷ đồng tiền thuế, doanh thu đạt khoảng 450 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng Công ty được hỗ trợ chính sách giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Cảng Nghệ Tĩnh trong 9 tháng đầu năm 2021 cũng gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chỉ số của cảng vẫn tăng trưởng. Sản lượng hàng hóa thông qua 9 tháng năm 2021 ước đạt 3.571.041 tấn, tăng 14,17% so với 9 tháng năm 2020 và đạt 81,84% so với kế hoạch năm 2021.
Trong đó: Sản lượng hàng xuất, nhập khẩu 9 tháng năm 2021 ước đạt 1.294.223 tấn, tăng 35,41% so với 9 tháng năm 2020 và tăng 7,85% so với kế hoạch năm 2021. Bên cạnh một số mặt hàng có tỷ trọng tăng trưởng ổn định thì trong 9 tháng năm 2021 các mặt hàng như (quặng barite, container, gỗ tròn, tôn cuộn…) đều giảm so với 9 tháng năm 2020.
Lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh cho biết, hàng quặng barite sản lượng 9 tháng ước đạt 21.000 tấn, giảm 48,88% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt hàng này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, Trung Đông và theo thông tin khách hàng trao đổi mặt hàng này tạm thời dừng thông qua cảng do ảnh hưởng của dịch Covid -19, mỏ tạm dừng khai thác. Mặt hàng container do ảnh hưởng của dịch Covid 19 đã gây khó khăn cho thị trường vận chuyển hàng hóa cả 3 khu vực Bắc, Trung và Nam, đặc biệt lượng hàng xuất từ các tỉnh phía Nam giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến lượng hàng container thông qua Cảng Cửa Lò.
Bên cạnh đó, gỗ tròn, tôn cuộn cũng giảm mạnh. Doanh thu từ hoạt động khai thác cảng 9 tháng năm 2021 ước đạt 171.040 triệu đồng, tăng 16,93% so với 9 tháng năm 2020 và đạt 83,43% so với kế hoạch năm 2021. 9 tháng Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh nộp được 7,363 tỷ đồng.
Đợt dịch thứ 4 cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2021 kéo dài đã tác động nặng nề đến việc sản xuất, kinh doanh. Vượt lên khó khăn đó, cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An vừa sản xuất, kinh doanh vừa phòng, chống dịch đã cố gắng nỗ lực trong nộp ngân sách, đóng góp khá cho tỉnh nhà.
Toàn tỉnh cấp mới cho 77 dự án mới, điều chỉnh quy mô cho 102 dự án, 22.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nộp ngân sách lớn cho tỉnh như Tập đoàn Thiên Minh Đức (chiếm khoảng 10% số thu nội địa của tỉnh), Công ty Xăng dầu Nghệ An nộp hơn 750 tỷ đồng…
Tiềm ẩn nhiều khó khăn
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ khoảng tháng 6 đến nay, hoạt động du lịch gần như “đóng băng”. Doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 1.049 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động vận tải nói chung, đặc biệt là vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do các biện pháp siết chặt để phòng, chống dịch. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, ngừng sản xuất, phá sản, đứt gãy chuỗi cung ứng; việc xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề...
Tại cuộc gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm tốt các chính sách miễn giảm thuế, mặt bằng, các hiệp hội doanh nghiệp là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, với thị trường, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động; Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, địa phương để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch và kịch bản tăng trưởng năm 2021 trong điều kiện bị tác động bởi dịch Covid-19; Triển khai mạnh mẽ hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021, tạo đà cho năm 2022, ngành Thuế và Hải quan tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và thực hiện hoàn thuế GTGT theo Công văn số 9877/BTC-VP của Bộ Tài chính ngày 27/8/2021, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để gian lận, lập hồ sơ khống, quay vòng, sử dụng hóa đơn giả... nhằm thu hồi đầy đủ số tiền thất thoát vào ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, điều hành thu - chi ngân sách theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, chi ngân sách theo tiến độ thu, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến con người, an sinh xã hội; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ đọng chế độ, chính sách trên địa bàn. Kịp thời xử lý kinh phí phòng, chống dịch bệnh và tiếp tục thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và hỗ trợ người dân gặp khó khăn.