(Baonghean) -Chúng tôi đi theo chuyến xe Vinh-Quế Phong, dừng lại ở Kim Sơn, thị trấn của huyện miền địa đầu Tây Bắc xứ Nghệ. Từ đây vào Tri Lễ đã có xe khách lẫn xe ôm, thảnh thơi theo cung đường mạn ngược, vượt Bù Kẽm Phăng, Bù Chông Cha, những con dốc ấn tượng một thời, nay chỉ mất chừng hơn tiếng đồng hồ…
Từ vùng đất này, qua một đỗi đường biên là huyện Sầm Tớ của nước bạn Lào. Tri Lễ có 30 bản, trong đó có 8 bản người dân tộc Mông với 2.677 người trên 8.875 dân số toàn xã. Địa hình miền biên bao giờ cũng miên man núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, diện tích đất trồng thu hẹp lại và cây lúa, cây ngô gieo xuống cũng cỗi cằn, lại thêm nỗi đường sá vào từng bản còn khó khăn nên chuyện làm giàu vẫn như là một điều xa vời. Hơn thế nữa, trong nếp nghĩ, cách làm của người Mông còn mang nặng tính du canh, du cư, nhận thức về quốc gia, quốc giới còn nhiều hạn chế, coi nặng quan hệ thân tộc, dòng họ giữa hai bên biên giới. Chỉ tính riêng trong 9 năm trở lại nay, đã có 126 hộ/1.014 khẩu di dịch cư trái phép. Trước thực trạng đó, rất nhiều ngành đã cùng vào cuộc với tâm nguyện vì cuộc sống bà con. Nhờ vậy, số người hồi cư về tại địa bàn 8 bản Mông xã Tri Lễ đã có 111 hộ/922 khẩu. Khi người dân đã trở về quê xưa, nghĩa là biết chăm bẵm cho cuộc sống ngày mới, đất Tri Lễ dần đổi thay.
Trên những cung đường cheo leo qua mấy bản nhỏ, anh Vi Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, hồ hởi: “Xã mình bây giờ đã phần nào tự túc được rau xanh. Từ khi có mô hình rau vụ đông do Ban Dân tộc hỗ trợ, chỉ đạo xây dựng đồng bào đã biết trồng rau. Như bản Chiềng, không chỉ có rau ăn mà còn có rau để bán. Tết này bà con trong bản đã không còn phải mua rau nữa”. Ở bản Chiềng, ngoài rau cải, còn có cả xu hào, đậu... xanh mướt mát khắp nẻo. Chị Vang Thị Hòe, với bế rau nặng trĩu ngược chiều khoe: “Trước kiếm cây rau ăn khó lắm, khó như đi tìm lá ngải. Nay nhờ cán bộ bày cách, nhà mình có nhiều rau ăn, lại còn dành để bán”.
Ông Xồng Nỏ Lỳ, bản Pù Luông đang phơi cà núi dùng làm thuốc
Nói đến Tri Lễ, không thể không nhắc đến cây chanh leo. Đến nay, toàn xã đã nhân rộng được 16,49 ha, tập trung tại các bản Yên Sơn, San, Na Niếng, D1, D2, Tà Pàn. Chị Lương Thị Yên ở bản Yên Sơn bắt đầu trồng chanh leo từ cuối năm 2010, nay cây chanh leo đã phủ gần kín các giàn. Tuy mới đầu vụ nhưng gia đình chị Yên đã thu được gần chục triệu đồng từ bán quả chanh leo trồng trên diện tích gần 500m2. Chanh leo là loại cây trồng đã được khẳng định giá trị kinh tế trên vùng đất Tri Lễ. Vì thế, khi thành lập 2 bản mới của người Mông là D1, D2 thuộc Khu kinh tế mới Minh Châu, xã đã vận động, tuyên truyền người dân mạnh dạn đưa cây chanh leo vào trồng trên diện tích đất để hoang hóa. Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây chanh leo bước đầu đã đem lại thu nhập cho người dân tại 2 bản mới này. Anh Vi Văn Cường kể lại: Khi xã bắt đầu triển khai mô hình trồng chanh leo, việc vận động bà con trồng rất khó. Họ không tin là ở vùng đất cằn Tri Lễ, cây chanh leo lại có thể mang lại thu nhập lớn cho gia đình mình. Ngay cả với những hộ vốn có kinh nghiệm sản xuất cũng không khỏi hoài nghi về sự phù hợp với đất đai, khí hậu của cây trồng. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo xã và huyện nên cuối cùng đã chọn được 20 hộ tham gia mô hình, trong đó có 16 hộ đồng bào Thái, 2 hộ đồng bào Khơ Mú và 2 hộ đồng bào Mông”.
Với sự hỗ trợ vật liệu như cọc, thép làm giàn từ mô hình, các hộ dân trong xã đã nhận trồng chanh leo trên tổng diện tích gần 2ha. Hơn một năm nay, cây chanh leo đã phát triển tốt và có thêm rất nhiều hộ trồng. “Một ha cây chanh leo phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng, bao gồm tiền giống, cọc bê tông, thép làm giàn và phân bón. Bù lại, cây chanh leo lưu gốc được khoảng 5 năm mới phải trồng lại nên hiệu quả của nó chắc chắn sẽ cao hơn nhiều loại cây công nghiệp hiện đang trồng tại huyện Quế Phong” – anh Vi Văn Cường khẳng định. Ngoài cây chanh leo, Tri Lễ đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây, con mới vào nuôi trồng để tăng năng suất, chất lượng. Tại 2 bản D1, D2, xã đã kết hợp với nhà máy đường trồng thử nghiệm 4,34 ha mía trên diện tích vốn là đất đồi để hoang. Hiện nay, cây mía đang phát triển tốt, hứa hẹn là cây trồng xóa đói, giảm nghèo của đồng bào. Ông Đàm Thiên Thương - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nếu so sánh Tri Lễ hiện nay với vài năm trước thì đã có một bước tiến dài. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 78%, thì mới đây, theo điều tra tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 63%. Đời sống của người dân đang từng ngày được nâng cao, nhất là đối với 8 bản Mông đã khởi sắc rõ nét.
Vượt suối, băng ghềnh, đi trên con đường vắt vẻo đỏ màu đất núi đại ngàn, gặp Pù Luông đúng giữa lúc mặt trời đứng bóng, cả bản yên ắng tịnh không một bóng người, chỉ còn lại những mái nhà gỗ samu xám nằm e ấp dưới triền núi. May mắn chúng tôi gặp được ông Xồng Nỏ Lỳ, trên lưng vẫn đeo nguyên “lù cở” (giỏ bằng mây địu sau lưng để đi rẫy) và con dao Mẹo truyền thống của người Mông. Hỏi, ông lau mồ hôi: “Giờ đang là vụ mùa, bà con lên nương hết rồi, đến tối mới về. Nếu cán bộ muốn gặp phải chờ đến khi mặt trời xuống núi mới gặp được”. Vừa nói, ông vừa nhanh tay đảo lại mấy nia cà núi (dùng để làm thuốc bắc, bán với giá khoảng 250.000đ/10kg). "Ta giờ vừa làm lúa nước, vừa trồng cà núi này, với làm vườn chanh leo, được rồi cán bộ ạ!".
Chiều đang nghiêng dần về phía miền Tây, chúng tôi cùng ông Lỳ Tồng Súa vào thăm ngôi nhà mới của con trai ông, nay là phó bản Minh Châu. Trong ngôi nhà nhỏ trên vùng đất mới này, nhiều bằng khen của tỉnh, huyện và cả Bộ đội Biên phòng treo trang trọng trên vách nhà. Chỉ tay ông bảo: “Mấy tấm bằng khen mình được Nhà nước tặng đó, nhưng mà vui nhất là thấy bản mình, xã mình khác xưa nhiều nhiều lắm. Trước muốn mua cái chi cũng phải mất cả ngày đường đi bộ về tận thị trấn. Giừ, xe khách đến tận nơi, chi cũng có trong buổi mà. Đồng bào mình giừ chỉ cần chăm chỉ làm ăn là cũng no ấm rồi”.
Đường từ Tri Lễ về với Kim Sơn còn hun hút xa, khách xuôi lại phải xuống núi để lại đằng sau dãy Pha Cà Tủn với những đồng bào hiền lành, mến khách. Lần này, rời Tri Lễ lòng tôi chợt thấy vui hơn, bởi trên đó có những nụ cười của ông Lỳ Tông Súa, ông Thò Chư Xa, nụ cười mới nơi miền biên viễn cuối năm đã làm ấm áp chặng đường về.