(Baonghean) -Dự án Thủy điện Hủa Na thuộc địa bàn xã Đồng Văn, huyện Quế Phong khởi công xây dựng vào quý 1/2008. Mặc dù chậm tiến độ 1 năm so với kế hoạch, nhưng sau 4 năm thi công, dự án có tổng công suất 180 MW, gồm 2 tổ máy đã cơ bản hoàn thành và dự kiến sẽ chạy thử vào ngày 29/1/2013. Lên Hủa Na những ngày này, bên cạnh niềm vui của đồng bào tái định cư khi được “an cư” trên quê hương mới, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số việc cần phải giải quyết để người dân nơi đây được “lạc nghiệp”.
Có mặt tại điểm tái định cư Piêng Cu thuộc xã Tiền Phong, một trong những điểm tái định cư sớm nhất của dự án Thủy điện Hủa Na, người dân về nơi ở mới đã được 2 năm. Điểm tái định cư này cách nơi ở cũ của bà con 17 km, gồm 160 hộ dân được chia thành bản Piêng Cu 1 và Piêng Cu 2. Anh Hà Văn Phòng (29 tuổi) - Trưởng bản Piêng Cu 1, cho biết: Bản có 75 hộ, 300 nhân khẩu. So với nơi ở cũ, cuộc sống bà con cơ bản ổn định khi nhà cửa, đường sá đi lại khang trang, sạch sẽ hơn, các công trình công cộng đầy đủ. Ngoài đường ống cung cấp nước sinh hoạt từ suối Nậm Niên, chủ đầu tư đã đào 10 giếng nước rải đều khắp bản cho bà con dùng. Tại bản Piêng Cu 2, trường mầm non mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2012, Trường Tiểu học Tiền phong 4 đang được xây thêm phòng để đảm bảo đủ phòng học cho học sinh.
Tuy nhiên, trưởng bản Piêng Cu 1 cũng bộc bạch: Mặc dù điều kiện ăn ở được đàng hoàng, no hơn (mỗi tháng được cấp 30 kg gạo/nhân khẩu) nhưng hiện bà con chưa biết làm thêm việc gì. Trước đây hoạt động khai thác cây lùng chưa bị cấm mỗi ngày bà con kiếm được từ 200 đến 300 ngàn đồng, nhưng từ tháng 10/2012 rừng đã đóng cửa nên tiền chi tiêu hàng ngày không có. Ngoài ra, bà con chưa được cấp giống và chia đất để sản xuất (dù đã có kế hoạch), nên bà con chưa biết về lâu dài sẽ ra sao...
Sau khi ổn định nơi ở, người dân bước đầu khôi phục nghề dệt thổ cẩm.
Ông Sầm Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong trao đổi: Xã tiếp nhận gần 400 hộ tái định cư về 4 bản là Piêng Cu 1, Piêng Cu 2, Na Cơng và Huổi Muộng. Nhờ tái định cư trên địa bàn huyện nên bà con ổn định cuộc sống rất nhanh và chưa có vấn đề gì lớn phát sinh. Riêng bản Na Cơng có 84 hộ tái định cư nhưng vẫn còn một số hộ phải ở tạm do nhà xây chưa xong hoặc xây xong nhưng chưa bàn giao, UBND xã đã kiến nghị cấp trên tháo gỡ khó khăn để sớm bàn giao nhà cho bà con vào ở. Về lâu dài, xã đang thu hút doanh nghiệp chế biến tăm hương từ khai thác lùng để tạo việc làm cho bà con.
Rời Tiền Phong, chúng tôi đến điểm tái định cư Huổi Sai, xã Thông Thụ. Điểm tái định cư này mới hoàn thành và tiếp nhận dân đến ở hơn 6 tháng từ bản Hủa Na, xã Đồng Văn - địa điểm nơi ngăn đập thủy điện chính. Tại đây, có trên 280 hộ được chia thành 2 bản là Hủa Na 1 và Hủa Na 2.
Rút kinh nghiệm từ các điểm tái định cư trước, hạng mục đường nội bộ được làm sau khi đã hoàn thành các công trình nên được bảo quản nguyên vẹn. Điểm tái định cư này được thiết kế thành 2 vùng riêng biệt là vùng ngoài dành cho nhà xây và vùng trong dành cho các nhà sàn từ nơi cũ chuyển ra. Trái với hình dung ban đầu của chúng tôi, bản tái định cư Hủa Na hiện ra thật trù phú và sầm uất. Bên cạnh nhà văn hóa, trường học được thiết kế, xây dựng hiện đại, các khu nhà sàn người Thái hay nhà xây đều được thi công, bố trí theo lô khoảnh rất đều và đẹp…
Chúng tôi dạo quanh một vòng, nhận thấy tiện nghi sinh hoạt một số gia đình rất sang trọng và đắt tiền, một cán bộ tư vấn giám sát như hiểu ý chúng tôi đã giải thích: “Bình quân mỗi hộ dân được nhận tiền đền bù từ 700 - 800 triệu đồng, thậm chí có nhà trên 1 tỷ đồng. Ngoài việc mua sắm, hộ nào có kế hoạch chi tiêu và có thêm nghề, việc làm hàng ngày thì không bao giờ lo cái đói”.
Ông Ngân Văn Thi, đảng viên và là người uy tín của bản Hủa Na 2 cho biết: Từ khi ra ở nơi bản mới, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại hơn hẳn nơi cũ. Ngày trước, trong bản có nhà chỉ tranh tre tạm bợ, bản thì thiếu điện và nước sạch thì nay đã có điện và nước sạch dùng hàng ngày. Nhà văn hóa, trường học kiên cố, khang trang hơn, con em được đi học gần nên bà con dân bản rất phấn khởi… Tuy nhiên, theo ông Thi, bản vẫn còn tới 2/3 số hộ chưa được nhận tiền đền bù đợt 2 nên người dân rất mong chủ đầu tư bố trí trả sớm. Về lâu dài, ông cũng kiến nghị sớm được cung cấp giống và triển khai kế hoạch giao đất cho bà con để sản xuất, hạn chế việc vào rừng khai thác lâm sản...
Ông Lô Văn Chiến, đại diện Hội đồng BTHT và tái định cư Thủy điện Hủa Na cho hay: Dự án phải di dời 1.362 hộ nhưng thuận lợi là tái định cư tại huyện, chỉ có 60 hộ tự nguyện tái định cư ngoài địa bàn huyện. Để kịp thời bàn giao nhà cho dân, UBND huyện Quế Phong ráo riết chỉ đạo, đôn đốc BQL Dự án tái định cư Thủy điện Hủa Na bố trí cán bộ làm việc cả ngày thứ 7 để đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, tại 13 điểm tái định cư của dự án (kế hoạch ban đầu là 16 điểm) hầu hết các hộ dân vào ở ổn định. Tính đến 22/1/2013, chỉ còn 41 nhà chưa hoàn thành (đã xây được trên 90%), trong đó 11 nhà chưa xây. Các nhà đã xây xong sẽ được bàn giao trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ…
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, lý do chậm bàn giao nhà là do chủ đầu tư chưa thanh toán tiền cho các nhà thầu nên chưa có kinh phí hoàn thiện nhà và chưa thể bàn giao. Bên cạnh đó, có một thực tế, sau khi gấp rút chi trả tiền để vận động dân di dời khi tích nước thì gần đây, ngoài lý do phải điều chỉnh dự toán thì chủ đầu tư cũng có biểu hiện chậm chuyển tiền để chi trả tiền đền bù, hỗ trợ ổn định đời sống cho bà con. Điển hình là khoản kinh phí hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp điểm tái định cư Piêng Cu và một số hạng mục khác như khai hoang đồng ruộng, kè chống sạt lở… dù đã được UBND huyện phê duyệt khá lâu, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa chuyển tiền, khiến các phòng, ban của huyện Quế Phong chịu rất nhiều sức ép vì quá trình vận động di dời đã hứa với dân.
Ông Trịnh Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hủa Na, cho biết: Dự án đã bước vào giai đoạn sắp hoàn tất và do tổng mức đầu tư của dự án vượt 1.200 tỷ đồng (7.100 tỷ đồng/kế hoạch là 5.900 tỷ đồng) nên nhiều hạng mục chưa được thanh toán. Hiện nay, Công ty đang làm thủ tục trình Hội đồng quản trị và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí (chiếm 83% cổ phần) xem xét, quyết định.
Hy vọng, cùng với việc nỗ lực đưa dòng điện hòa vào lưới điện quốc gia, chủ đầu tư và các bên liên quan sẽ phối hợp quan tâm giải quyết thấu đáo quyền lợi, chính sách về bồi thường, hỗ trợ để người dân tái định cư thủy điện Hủa Na cùng với việc “an cư” còn được “lạc nghiệp” trên quê hương mới.