Nơi lớp học có 2 chiếc bảng, cô giáo giặt áo cho học trò
(Baonghean.vn) - Nằm ở đầu nguồn khe Mọi, thuộc địa bàn xã Lục Dạ (Con Cuông), điểm trường bản Thịn có 14 học sinh, được phân thành 2 lớp ghép. Sự học còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng giáo viên và học sinh luôn nỗ lực khắc phục, vượt qua.
14/06/2020 - 09:43
Điểm trường bản Thịn (còn gọi là Thỉn) thuộc Trường Tiểu học Lục Dạ 2 nằm giữa đại ngàn Pù Mát, cách xa điểm trường chính gần 20 km đường rừng, việc đi lại khó khăn, vất vả. Điểm trường có 14 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, được phân thành hai lớp ghép (lớp 1 và 2, lớp 3 và 4) do thầy Hoàng Đình Thảo và cô Phạm Thị Huệ phụ trách. Ảnh: Công Kiên Cô Phạm Thị Huệ phụ trách lớp 1 và 2, lớp có 7 học sinh (3 em lớp 1 và 4 em lớp 2). Vì là lớp ghép nên được bố trí 2 chiếc bảng ở đầu và cuối lớp, học sinh cũng quay theo hai hướng khác nhau, còn giáo viên đi lại như "con thoi" khi làm nhiệm vụ. "Dạy lớp ghép phải soạn 2 giáo án, công việc cũng gấp đôi, thời tiết lại nóng bức nên vô cùng vất vả" - cô Huệ cho biết. Ảnh: Công Kiên Thầy Hoàng Đình Thảo được giao nhiệm vụ phụ trách lớp 3 và 4 (lớp 3 có 3 học sinh và lớp 4 có 4 học sinh). Thầy Thảo có hơn 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, nhưng cũng như cô Huệ, thầy Thảo chia sẻ dạy lớp ghép thực sự vất vả, khối lượng chương trình tăng gấp đôi so với bình thường. Ảnh: Công Kiên Phần lớn học sinh ở điểm trường bản Thịn là con em tộc người Đan Lai, điều kiện kinh tế còn khó khăn, khả năng tiếp nhận hạn chế hơn so với học sinh vùng điểm trường chính. Vì vậy, trong quá trình dạy học, giáo viên phải vừa bám sát chương trình, vừa dành thời gian ngoài giờ để rèn luyện thêm kỹ năng cho học sinh, nhất là các em lớp 1. Trong ảnh: Cô Phạm Thị Huệ hướng dẫn học sinh lớp 1 tập đọc. Ảnh: Công Kiên Được thầy, cô giáo kèm cặp tận tình nên các em học sinh Đan Lai tiến bộ rõ rệt, các em học sinh lớp 1 giờ đã đọc thông viết thạo, không thua kém học sinh ở điểm trường chính. Ảnh: Công Kiên Đặc biệt, được rèn luyện thường xuyên nên chữ viết của các em khá đẹp, ngay ngắn và thẳng hàng. Trong ảnh: Chữ viết của các em học sinh lớp 1, điểm trường bản Thịn. Ảnh: Công Kiên Vì điều kiện kinh tế khó khăn, phụ huynh không có thì giờ quan tâm việc học của con cháu, khoán hết cho thầy cô. Các em thiếu đủ thứ, thầy cô phải sắm từ áo quần, sách vở, giấy bút… Những bộ đồng phục trong ảnh được các tổ chức thiện nguyện trao tặng, thường mặc vào ngày đầu tuần và ngày lễ. Mặc xong, cô Huệ gom lại để giặt sạch, phơi và cất vào phòng. “Nếu để các em đưa về, quần áo sẽ không được giặt giũ kịp thời nên nhanh cũ và bị đổi màu, khi không để ý có thể bị mất” - cô Huệ cho biết. Ảnh: Công Kiên Dù còn nhiều khó khăn, thầy cô vẫn mải miết với công việc “gieo chữ”, và những đứa trẻ người Đan Lai vẫn luôn nỗ lực trên con đường học tập để đi đến tương lai tươi đẹp. Ảnh: Công Kiên