(Baonghean) - Ở Thị trấn Kỳ Sơn trong vòng bán kính 1km có tới 4 trường học: Trường THPT Kỳ Sơn, TTGDTX, Trường Dạy nghề và Trường THCS DTNT huyện, đủ biết nhu cầu học sinh trọ học đông đến mức nào. Và những dãy trọ gần trường vẫn được các em ưu tiên lựa chọn. Những dãy nhà trọ mọc lên một cách tạm bợ, chật chội. Và vì nhiều lý do, học sinh không có quyền lựa chọn được cho mình một nơi ăn chốn ở thoải mái…
Đến thăm nhà trọ của em Hạ Y Nu ở xóm Tượng Đài. Đó là một ngôi nhà ghép bằng ván gỗ, rộng chỉ 6m2 nhưng có tới 8 người ở. Một căn phòng không giá sách, không bàn học, không ghế ngồi, không bếp nấu, không nhà vệ sinh. Có một bóng đèn, 2 chiếc giường (thực ra là những tấm ván ghép lại). Căn phòng này còn có một cặp vợ chồng đang học cấp 3: Đó là Hờ Y Hua (lớp 10) và Hạ Bá Nhống (lớp 11). Hai giường ngăn cách bằng một tấm ri đô mỏng. Giường còn lại là chỗ ngủ của 6 học sinh cấp 2 và cấp 3, trong đó có cả nam và nữ. Nhìn căn phòng chật chội mà có tới 8 con người đủ biết sinh hoạt bất tiện như thế nào. Theo Y Nu ra phía sau hiên nhà nhóm bếp cho bữa cơm chiều để thấy cuộc sống của học sinh trọ học vùng cao. Củi các em tự kiếm, rau và gạo mang từ nhà ra. Bữa chiều của 8 anh chị em là một nồi cơm và một nồi rau cải nấu canh chỉ có tí dầu, tí muối. Các em cho biết, mỗi tháng bố mẹ cho nhiều thì 50 ngàn, ít thì 20 ngàn đồng tiền mua thức ăn. Bữa ăn được dọn ngay trên chiếc giường. Thì ra, chiếc giường trong nhà trọ này nó mang nhiều chức năng: là chỗ ăn cơm, là nơi để học, là nơi để sách vở, quần áo và đêm thì dùng để ngủ.
Thầy và trò chuẩn bị bữa tối. Ảnh: Thu Hương (ảnh minh họa)
“Thoát li” khỏi gia đình là cơ hội để các em tự lập nhưng đó cũng là một thách thức mà không ít em trượt ngã trước khi ước mơ đơm hoa kết trái. Tuổi mới lớn thích khám phá, học đòi. Khi không có sự quan tâm đúng mực của cha mẹ, các em rất dễ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực… Sau hơn nửa học kỳ I, gặp lại em Vi Thị Hoài Linh giữa sân trường, tôi không tin nổi vào mắt mình. Một cô gái má trắng, môi hồng, quần bò mài chỗ thủng chỗ xơ, áo phông rộng thùng thình, túi vải kiểu của những tiểu thư ăn chơi. Tôi tròn mắt ngạc nhiên, như hiểu ý tôi em nói: “Lên cấp 3 khác với cấp 2 cô ạ, ở đây ai cũng sành điệu hết, nếu em không theo họ thì sẽ không còn có bạn chơi nữa”.
Ghé sang phòng trọ học trò người Mông bên cạnh. 5 chàng trai đang ngồi bấm điện thoại nghe nhạc, chơi game và cười đùa vui vẻ. Không thấy một ai cầm sách vở học bài chuẩn bị cho ngày mai. “Không chỉ chơi game trên điện thoại mà có rất nhiều học sinh dành thời gian ngồi quán internet nhiều hơn thời gian đi học, thậm chí có em chơi đến quên ăn, quên ngủ”, thầy Thông, giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn cho biết: Ngay cả tiêm chích ma túy cũng đang diễn ra trong giới học sinh nam.
Nhưng, có nhiều em vì gia đình khó khăn, không được bố mẹ chu cấp vài chục mỗi tháng, hàng ngày đã tự xoay xở cuộc sống. Hầu hết các em ở trọ đều một buổi đi lấy củi, tìm thêm thức ăn cho bữa cơm đơn sơ của mình. “Bọn em thường vớt rêu dưới sông về nấu canh, thỉnh thoảng đi tắm bắt được cá, ếch trong khe về nướng. Nhưng rau trên rừng là thường xuyên nhất vì dễ kiếm. Những loại rau đó khi ở nhà bọn em ăn quen rồi”, đó là chia sẻ của em Vi Thị Nang, học sinh lớp 11 Trường THPT Kỳ Sơn. Sau giờ học buổi chiều, Nang còn phụ giúp việc cho chị Dung rán bánh “để có cơ hội giao tiếp với nhiều người cho bớt ngại ngùng”. Còn Kha Thị Hương thì tranh thủ đi trông em cho những gia đình có con nhỏ vào những buổi không đi học, một tháng cũng có thêm vài trăm ngàn để sắm dụng cụ học tập và trả tiền nhà.
Bạn Lương Văn Lay ở Bảo Thắng không được chế độ nội trú khi vào cấp III nhưng 3 năm nay, em đã cố gắng để san sẻ bớt gánh nặng cho cha mẹ bằng cách làm việc giúp chủ nhà như đi củi, nấu rượu, bốc hàng… để có chỗ ăn, chỗ ngủ miễn phí. Nhìn cậu học sinh với làn da đen rắn rỏi, tôi hỏi: “Làm nhiều việc thế chắc vất vả lắm?” em cười và bật mí kế hoạch tương lai: “Những việc em làm đâu khổ bằng cảnh cha mẹ cả đời làm rẫy, chặt gỗ trên rừng. Chỉ cần học hết cấp III, em sẽ đi học nghề sửa xe máy, về mở quán ngay tại xã mình. Bảo Thắng có đường ô tô cách đây 2 năm, dân mua xe máy rất nhiều, em không sợ thất nghiệp đâu”. Vất vả như thế nhưng Lay vẫn luôn đứng vị trí thứ nhất của lớp 12D, Trường THPT Kỳ Sơn.
Tôi còn nhớ một câu nói thật hay rằng “đời người như hòn đá, ai chăm mài giũa thì có ngày viên đá sẽ thành ngọc, còn không thì suốt cuộc đời vẫn chỉ là hòn đá rêu phủ mà thôi”. Những học trò vùng cao tôi gặp hôm nay, các em sẽ ươm nên những mầm xanh trên đá để thành viên ngọc sáng giữa đời.
Tuệ Vũ (Trường THCS DTNT Kỳ Sơn)