(Baonghean) - Hướng nghiệp cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng, giúp các em hiểu về nghề, hiểu về chính bản thân mình để có thể lựa chọn ngành nghề tương lai phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu thực tế của xã hội. Theo đó, giáo dục hướng nghiệp ngày càng được đề cập nhiều trong các trường học. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay…
Bảy năm trước, Lương Thị Thanh (phường Hưng Phúc, Thành phố Vinh) nộp đơn thi vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Công đoàn. Trượt đại học chỉ vì thiếu một điểm, thay vì tiếp tục ôn thi năm thứ 2, Thanh nộp hồ sơ theo nguyện vọng 2 vào một trường đại học ở Nha Trang cùng chuyên ngành. Học xong, ra trường Thanh hồ hởi nộp hồ sơ xin việc, thế nhưng đi đến đâu Thanh cũng nhận được cái lắc đầu, bố mẹ em cũng đã nghĩ đến việc “lo lót” để tìm cho cô con gái một chỗ ngồi chắc chắn ở một đơn vị nhà nước. Tuy vậy, đã gần bốn năm trôi qua, Thanh vẫn chưa xin được việc mà còn bị người môi giới lừa mất gần 40 triệu đồng… Hơn một năm nay, em xin bố mẹ vốn rồi mở một cửa hàng thời trang nhỏ.
Chưa một lần được vào đại học, nhưng anh Nguyễn Đình Bình ở xóm 4, xã Nghi Liên có thể tự hào vì tài sản mình làm ra. Ở xóm trồng hoa cây cảnh này, nhiều người còn gọi anh là triệu phú trẻ bởi chỉ riêng tài sản mà anh hiện có cũng đến tiền tỷ. Nói về cuộc đời mình, anh Bình cười: “Nhiều thăng trầm lắm em ạ, nhưng nếu không được đi học nghề hoa cây cảnh thì anh chẳng bao giờ được như hôm nay”. Ngày còn đi học, anh tự nhận mình “học hành không đến nơi đến chốn”. Do đó, vừa trưởng thành anh đã sớm đi làm. Nhưng vì không có nghề nghiệp ổn định nên dù đã trải qua nhiều nghề như thợ xây, đi đổi sắt vụn, đi sửa chữa…, nhưng cuộc sống của anh vẫn bấp bênh, nay đây mai đó. Cơ hội đến với anh vào đầu năm 1997 khi Hội làm vườn tỉnh có chỉ tiêu cho con em Nghi Liên đi học nghề hoa cây cảnh ở Xuân Mai. Sau ba tháng được đào tạo những kỹ năng cơ bản về nghề trồng hoa cây cảnh, anh mạnh dạn bàn với gia đình chuyển hướng từ trồng cây cảnh có giá trị thấp như cây bụi, cây bóng mát, cây xanh sang trồng cây cảnh cao cấp, loại cây mà trước đó, ở Nghi Liên chưa ai dám đầu tư... Gần 10 năm chuyên tâm với loại cây này, sản phẩm của anh Bình đã đến với nhiều gia đình, nhiều cơ quan trong tỉnh. Sản phẩm cũng không thua các nghệ nhân lành nghề ở các tỉnh phía Bắc là mấy.
Giờ thực hành chế biến món ăn của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Thương mại Nghệ An.
Theo anh Bình, học đại học không phải là con đường duy nhất để làm giàu: Cái “dở” của thanh niên hiện nay là chọn nghề theo phong trào, theo “hứng”, thích những công việc hào nhoáng và ngại những công việc vất vả “chân lấm tay bùn”, không biết rằng đã chọn nghề thì điều đầu tiên là phải yêu nghề - anh tâm sự. Ngay như ở cơ sở hoa cây cảnh của gia đình anh có những khi phải thuê 10 - 15 người làm việc nhưng trong số đó anh chưa tìm được một ai thực sự đam mê để anh có thể truyền nghề. Xóm 4, xã Nghi Liên dù là một làng hoa cây cảnh có tiếng, vậy nhưng theo ông Thái Phi Dũng, xóm trưởng: Hiện chỉ có duy nhất anh Bình là người có nghề và được đào tạo bài bản và cũng chỉ riêng anh Bình mới có thể tạo dáng cho cây. Những gia đình khác, muốn kinh doanh cây cảnh cao cấp, hoặc là phải nhập từ ngoài Bắc vào, hoặc là phải mời nghệ nhân vào uốn nắn, giá của mỗi ngày công xấp xỉ 1 triệu đồng.
Thành phố Vinh hiện có 164.941 người trong độ tuổi lao động (chiếm 47,126% dân số), trong đó số người có việc làm là 156.160 người và còn khoảng gần 9000 người đang thất nghiệp, số lao động được đào tạo cũng chỉ chiếm 71,18%. Con số này cũng cho thấy, dù là một địa phương có nền kinh tế phát triển nhất của cả tỉnh nhưng để kiếm việc làm ổn định không phải là dễ, nhất là một khi học sinh, sinh viên ra trường học không đúng ngành nghề đào tạo, không đúng với nhu cầu của xã hội. Tình trạng “thừa thầy” nhưng lại “thiếu thợ” cũng là một vấn đề tồn tại nhiều năm nay ở thành phố, nhất là trong thời điểm các trường đại học ngoài công lập, các lớp đào tạo đại học liên kết, đại học tại chức mở ngày một nhiều, việc vào đại học không chỉ dành cho học sinh có học lực khá giỏi như những năm trước nữa.
Về phía các gia đình, nhiều người vẫn có quan niệm “cố” để con em mình học đại học để bằng bạn, bằng bè mà không chú ý đến đầu ra, không quan tâm đến ngành nghề ấy có thiết thực với xã hội hay không. Điều đó, cũng lý giải vì sao tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề ở thành phố hiện nay học sinh theo học lại đa phần là từ các địa phương khác về học, dù cơ hội việc làm hiện nay rất nhiều, đặc biệt là các ngành sửa chữa xe máy, công nghệ ô tô, sửa chữa điện lạnh, công nghiệp. Làm công tác tuyển sinh đã lâu, ông Nguyễn Huy Lương, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật công nghiệp Vinh cho rằng: Quan niệm về lựa chọn nghề nghiệp của học sinh thành phố khác với nông thôn, trong khi học sinh các địa phương khác muốn học nghề để có thể kiếm được việc làm ổn định, còn học sinh thành phố vì phần lớn gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn nên các em vẫn thích vào học đại học. Tuy nhiên, không ít trường hợp học xong đại học lại chuyển sang học nghề vì không kiếm được việc làm.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan trên, nhìn vào thực tế đào tạo ở một số trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề hiện nay trên địa bàn thành phố cũng cho thấy nhiều trường giáo trình và chương trình đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các chủ cơ sở kinh doanh, chủ doanh nghiệp trong thành phố. Đơn giản như nghề may, dù thời điểm này ngành may mặc thời trang khá phát triển, nhu cầu tuyển dụng của một số cơ sở may mặc tư nhân có tiếng của thành phố còn khá cao nhưng đa phần các đơn vị phải tuyển người chưa biết tay nghề về rồi tiếp tục đào tạo.
Trong khi đó, chương trình dạy nghề may ở các trường chỉ đào tạo được công nhân may công nghiệp hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng của các công ty, chậm đổi mới, chậm thích nghi với yêu cầu thực tiễn. Hay nghề cắt tóc, là nghề cho thu nhập cao nhưng thợ làm tóc trên địa bàn Thành phố Vinh lại chủ yếu từ các tỉnh thành khác về, ở Nghệ An chưa có một cơ sở đào tạo uy tín nào về nghề này. Nghề mà nhiều người dân trồng hoa cây cảnh đang muốn được học là nghề làm vườn thì cũng chẳng trường nào có ý định mở và mời nghệ nhân về dạy… Sự bất cập đó, khiến cho học sinh không mặn mà với học nghề, chưa thấy hứng thú với học nghề. Các trường đại học cũng “mạnh ai nấy tuyển”, cùng một lúc có nhiều trường đào tạo ngành sư phạm, khối kỹ thuật, khối sư phạm cũng đào tạo ngành kinh tế… vì thế chất lượng sinh viên ra trường không cao, không tạo được uy tín đối với các đơn vị tuyển dụng.
Thực tế này đòi hỏi thời gian tới, Thành phố Vinh cần tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nắm bắt rõ hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về mục đích của công tác đào tạo nghề đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các trường học cần quan tâm đến công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh và tư vấn việc làm, sớm định hướng cho các em việc chọn trường, chọn nghề. Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo và dạy nghề. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất và giới thiệu việc làm cho lao động sau khi học nghề. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo các trường để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của học sinh, sinh viên và người lao động.
(Còn nữa)
Mỹ Hà