(Baonghean) - Trong ngày 26/11, hai quốc gia hiện đang giữ vị trí là nền kinh tế nhất và nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều phải có những biện pháp mạnh tay đối với những vấn đề an ninh trật tự trong nước. Cảnh sát Hồng Kông đã bắt các thủ lĩnh của phong trào đòi dân chủ hòng “rút ngòi nổ” cho những hành động đe dọa bạo loạn bùng phát rộng lớn hơn. Còn tại Thị trấn Ferguson, bang Missouri của Mỹ, hơn 2.000 vệ binh quốc gia đã được điều đến để ngăn chặn ngọn lửa hận thù trong phân biệt đối xử, khi viên cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu được tuyên vô tội.

Sự tăng trưởng nhanh về kinh tế không song hành với việc giải quyết tốt các nguy cơ tiềm ẩn về chính trị - xã hội là nguyên nhân dẫn đến những xung đột xã hội phức tạp, đó là điều mà bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng phải quan tâm. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng tránh được, ngay cả với những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc. Tại Thị trấn Ferguson, bang Missouri, những cuộc biểu tình và bạo loạn đã kéo dài cách đây 3 tháng, kể từ khi viên cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da màu gốc phi Michael Brown.
 
Những đợt biểu tình ở khu vực có đông đảo cư dân gốc Phi sinh sống đã cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng phân biệt đối xử về sắc tộc lâu nay vẫn âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ. Tuy nhiên, hình như những cảnh báo đó đã bị phớt lờ. Bất chấp sự tức giận của những người người biểu tình, một công tố viên đã cho báo chí biết thông tin về việc bồi thẩm đoàn tại St. Louis, thuộc bang Missouri (Mỹ) đã tuyên vô tội đối với viên cảnh sát da trắng Darren Wilson. Như vậy, viên cảnh sát bị phong trào biểu tình phản ứng dữ dội này sẽ không phải đối mặt với bất cứ tội danh nào liên quan đến vụ án mạng của thanh niên da màu hồi tháng 8.

 

images1092757_141125_seattle_protest_lg2.jpgBạo loạn ở Thị trấn Ferguson (Mỹ). Ảnh internet
 
Thông tin này chẳng khác gì việc đổ thêm dầu vào lửa, làm cho phong trào biểu tình biến thành bạo loạn. Dòng người da màu và những người cho rằng có sự phân biệt đối xử về sắc tộc, về người nhập cư đã xuống đường gây bạo động với nhiều hành động nổi loạn, gây rối, phá hỏng và đốt cháy nhiều phương tiện giao thông và công trình xây dựng. Đích thân Tổng thống Obama đã phải phát biểu để cảnh báo, răn đe về những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều mà dòng người xuống đường mong chờ không phải là sự đe dọa, hay những lời “vuốt ve”. Cái họ cần là mọi công dân đều thực sự bình đẳng trước pháp luật, công lý phải được thực thi trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Chính vì vậy, khoảng 2.200 vệ binh quốc gia đã phải có mặt tại Thị trấn Ferguson để ngăn chặn xung đột. Đúng như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mệt mỏi lên tiếng: “Đây không chỉ là vấn đề của Ferguson mà là vấn đề của cả nước Mỹ”.
 
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), phong trào sinh viên đòi dân chủ những tưởng đã hạ nhiệt trước khi nước này tổ chức Hội nghị APEC 22 – 2014. Những tưởng nó chỉ được gợi nhớ lại trong lời phân trần của ông Obama tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC, rằng “Tôi chắc chắn rằng Mỹ không liên quan tới việc thúc đẩy các cuộc biểu tình ở Hồng Kông”. Nhưng sau khi Hội nghị APEC kết thúc, phong trào lại bùng phát trở lại. Lúc này, người ta lại không thể không nhớ đến một nội dung phát biểu của ông Obama, cũng trong buổi họp báo chung với ông Tập Cận Bình: “Về cơ bản, những vấn đề này phải do người dân Hồng Kông và Trung Quốc quyết định. Tuy nhiên, tôi đã tuyên bố rõ rằng, Mỹ sẽ khuyến khích quyền bày tỏ của người dân và rằng các cuộc bầu cử ở Hồng Kông là phản ánh nguyện vọng của người dân địa phương”.
 
Đến năm 2017, cuộc bầu cử ở Hồng Kông mới diễn ra, do đó, phong trào biểu tình đòi dân chủ, đòi cải cách cuộc bầu cử chắc chắn sẽ còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh trật tự và kinh tế chính trị của Hồng Kông. Do đó, nếu muốn “yên ổn” ít nhất là từ nay đến 2017, Trung Quốc không thể không có biện pháp để hóa giải những nguy cơ đến từ phong trào nói trên. Vì vậy, trong ngày 26/11, thủ lĩnh sinh viên của phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong là Lester Shum và Joshua Wong đã bị bắt giữ. Cùng với đó, cảnh sát đã mạnh tay giải tán người biểu tình tại một trong những điểm nóng nhất của đặc khu, xịt hơi cay, bắt 80 người biểu tình. Cảnh tượng người của nhà nước dọn dẹp đường phố nơi biểu tình mặc áo in dòng chữ “Tôi yêu Hồng Kông” và cảnh đoàn người biểu tình hô “Dân chủ toàn diện” là những tương phản trên đường phố Hồng Kông. Cách giải quyết của nhà cầm quyền cũng chỉ là biện pháp mạnh bằng vũ lực, uy quyền, chưa có sự “gặp gỡ” để giải quyết các xung đột một cách căn bản. 
 
Như vậy, Mỹ và Trung Quốc cũng chỉ mới đưa ra được những giải pháp mang tính tình thế. Đó là cách để “chữa triệu chứng” chứ chưa phải “chữa bệnh” cho những căn bệnh trầm kha trong lòng xã hội các nước này. Bằng chứng là người biểu tình ở HongKong vẫn chiếm giữ nhiều tuyến phố và đang lên kế hoạch chiếm giữ các toà nhà chính quyền một cách ráo riết hơn. Còn bạo loạn ở Thị trấn Ferguson, bang Missouri vẫn đang làm cho tình hình an ninh, chính trị nước Mỹ nóng lên – dù rằng trên toàn nước Mỹ, người dân đang phải chống chọi với cái lạnh tê cóng của mùa Đông và bão tuyết, có ít nhất 20 người đã chết và con số chưa dừng lại ở đó.
 
Chí Linh Sơn