(Baonghean) - Hàng năm, cứ vào khoảng thời gian này, Lễ hội Làng Vạc lại được tổ chức tại xã Nghĩa Hòa (Thị xã Thái Hòa) đang trở thành hoạt động văn hóa tâm linh không chỉ của cộng đồng các dân tộc ở miền Tây Bắc Nghệ An…
Trước khi có Lễ hội Làng Vạc, thì từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX cho đến nay, địa danh này đã trở thành địa chỉ khảo cổ học vang danh trong và ngoài nước. Qua các lần khai quật, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản đã tìm thấy nhiều hiện vật, mộ táng có niên đại cách nay từ 2.000 - 2.500 năm. Thông qua các hiện vật, các nhà khảo cổ học đã minh chứng, Làng Vạc thực sự trở thành một trung tâm của văn hóa Đông Sơn trên lưu vực sông Cả. Bên cạnh những cứ liệu lịch sử, trong nhiều lần lên với mảnh đất làng Vạc, Nghĩa Hòa, tôi còn được những cụ ông, cụ bà là người dân bản địa kể cho nghe truyền thuyết về nàng Y La xinh đẹp, hiếu nghĩa - con của trưởng bản tên Xiềng Lằm để giải thích tên sông, tên làng và sự trù phú của mảnh đất Phủ Quỳ.
Trước nguy cơ mảnh đất quê hương xinh tươi, trù phú bị giặc giã xâm lăng, nàng đã tự nguyện làm vợ tướng giặc và chờ lúc sơ hở kết liễu tính mạng của tên tướng này. Nhờ đó, dân làng đã đánh thắng quân giặc, giữ bình yên cho bản làng. Nhưng cái giá phải trả là nàng Y La bị quân giặc giết để báo thù. Máu của nàng đã tô đỏ mảnh đất Phủ Quỳ cho đến mai sau. Sau sự hy sinh anh dũng của nàng Y La, dòng chảy qua khắp các bản làng Phủ Quỳ được đặt tên là sông Hiếu để mãi khắc ghi tấm lòng hiếu nghĩa của nàng; gươm giáo của giặc được nàng báo mộng cho dân làng đúc thành Vạc để nấu cơm mừng chiến thắng, từ đó tên làng cũng đổi thành Làng Vạc.
Cũng chẳng ai có thể xác tín được có bao nhiêu chi tiết trong truyền thuyết là sự thật nhưng câu chuyện về nàng Y La đã trở thành một phần trong kho tàng văn hóa dân gian của người dân Phủ Quỳ. Cùng với đó, các giá trị lịch sử to lớn thông qua khai quật mảnh đất Làng Vạc đã được các nhà khoa học chứng minh cho thấy mảnh đất này từ xa xưa đã là một trung tâm cư ngụ của người Việt cổ. Tổng hòa những giá trị lịch sử và văn hóa dân gian đó, Làng Vạc trong tâm thức người dân Thái Hòa, Nghĩa Đàn và cả vùng Phủ Quỳ có một vị trí hết sức quan trọng. Với tầm vóc đó, năm 1999, Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc được cấp bằng Di chỉ khảo cổ học Quốc gia. Từ đó, đền thờ Làng Vạc được xây dựng để thờ 18 vị Vua Hùng, Quốc mẫu, Cao Sơn, Cao Các... cùng nhiều vị thần khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Thanh Sơn, Trưởng phòng văn hóa Thị xã Thái Hòa cho biết: “Từ lâu, đền thờ Làng Vạc đã trở thành địa chỉ tâm linh của người dân Thị xã Thái Hòa và du khách thập phương. Bởi về với Làng Vạc là về với vùng đất của người Việt cổ, về với cội nguồn lịch sử truyền thống của cha ông hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Trên tinh thần đó, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh của người dân Thái Hòa, Nghĩa Đàn và du khách thập phương, Hội Cựu chiến binh thị xã phối hợp với Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã xin phép Ban Quản lý Di tích Đền Hùng, Phú Thọ rước tượng của Vua Hùng về thờ tại đền thờ Làng Vạc. Cùng với đó, từ năm 1999, Lễ hội Làng Vạc được tổ chức và trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu không chỉ của người dân Phủ Quỳ mà còn ở nhiều địa phương khác tìm về”.
Thực vậy, trong những ngày ra Xuân, có dịp đến với Làng Vạc, chúng tôi được chứng kiến không khí chuẩn bị hết sức sôi động và chu đáo của các địa phương thuộc Thị xã Thái Hòa cho Lễ hội Làng Vạc. Những ngày này, ông Đặng Công Chất và các thành viên của ban phụ trách tế lễ cho Lễ hội Làng Vạc lần thứ 16, bận rộn với những bài tập nhằm chuẩn bị chu đáo cho phần lễ của lễ hội. Dù đã có thâm niên 3 năm đảm trách vị trí chủ xướng nhưng lần nào cũng vậy, cứ vào dịp này, tâm trạng ông luôn chộn rộn, hồi hộp.
Tranh thủ dừng luyện tập trong chốc lát, ông cho biết: “Năm nay, đội lễ được trang bị mới từ dụng cụ đến trang phục làm lễ nên mọi người rất phấn khởi. Các thành viên của đội bắt đầu tập luyện từ đầu tháng 2 âm lịch. Đến nay, mọi công việc xem như đã hoàn thành, chỉ chờ ngày lễ hội diễn ra. Mọi người ai cũng phấn khởi và cố gắng làm tốt công việc của mình để góp phần giúp lễ hội thành công tốt đẹp, xứng đáng với tầm vóc, giá trị lịch sử của mảnh đất này, cũng như tấm lòng thành kính của nhân dân về với lễ hội”.
Còn với ông Hà Sông Hương, một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bá Thước, Thanh Hóa nhưng có nhiều cơ duyên gắn bó với Nghĩa Hòa, Lễ hội Làng Vạc thực sự là khoảng thời gian đặc biệt trong năm. Bởi, như một duyên số tiền định, ông là người trực tiếp chứng kiến các đợt khảo cổ học lớn diễn ra trên địa bàn làng Vạc trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Từ năm 1984, ông chuyển ngạch từ quân đội sang làm ở xã và trong nhiều nhiệm kỳ làm chức danh Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hòa cho đến khi nghỉ hưu năm 2013. Trong khoảng thời gian công tác, ông là người trực tiếp đọc diễn văn tại lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học Làng Vạc và cũng là người trực tiếp đứng ra tổ chức Lễ hội làng Vạc vào những lần đầu tiên khi lễ hội còn tổ chức ở cấp xã.
Qua 15 lần chứng kiến sự phát triển của Lễ hội Làng Vạc, ông Hương không giấu được niềm tự hào: “Làng Vạc giờ đây đã thực sử trở thành một địa chỉ tâm linh không chỉ của người dân địa phương và còn của du khách thập phương tìm về thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên của người Việt. Cùng với đó, sức lan tỏa của khu di tích Làng Vạc không chỉ trong những ngày lễ hội mà vào các dịp lễ, tết, ngày rằm, đặc biệt là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, du khách thập phương tìm về dâng hương, tỏ lòng thành kính rất nhiều. Vì vậy, tôi cũng rất mong muốn, lễ hội sẽ được nâng lên một tầm cao mới, khu di tích cũng được đầu tư xây dựng để xứng đáng với tầm vóc lịch sử và là địa chỉ để người dân hướng về nguồn”.
Hẳn nhiên, đó không chỉ là trăn trở của cá nhân ông Hương hay những chủ nhân của Làng Vạc hôm nay mà còn là của các cấp lãnh đạo Thị xã Thái Hòa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Phúc Ân, Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa cho biết: “Theo định hướng của thị xã, sau Lễ hội Làng Vạc lần thứ 16, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc hội thảo có sự tham gia của các nhà chuyên môn và các nhà quản lý. Từ đó, có một kết luận cụ thể và rõ ràng về giá trị lịch sử của di tích Làng Vạc trong dòng chảy của dân tộc Việt Nam. Qua đó, mong muốn nâng tầm Lễ hội Làng Vạc trở thành một lễ hội cấp tỉnh”.
Thật vậy, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, đó cũng là định hướng đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương này. Bởi Thị xã Thái Hòa được xác định là một cực phát triển, là trung tâm dịch vụ, thương mại và du lịch ở vùng Tây Bắc Nghệ An. Dựa trên những tiềm năng và lợi thế về du lịch của Thái Hòa, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình bảo tồn Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc gắn với du lịch và quyết định đầu tư tại Khu Di tích lịch sử Bác Hồ về thăm xã Đông Hiếu.
Trải qua 15 lần tổ chức, Lễ hội Làng Vạc đã thực sự có những bước tiến mạnh mẽ trong công tác tổ chức cũng như thu hút du khách thập phương. Nó không chỉ dừng lại ở vị trí là sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi hội tụ, kết đoàn của nhân dân Phủ Quỳ mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong tâm thức của mỗi người dân trong tỉnh và cả khu vực Bắc Trung bộ. Những kết quả đó xuất phát từ bản thân giá trị của di tích, đó là nơi để người dân tỏ lòng thành kính hướng về cội nguồn, với các bậc tiên tổ của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc nâng tầm Lễ hội Làng Vạc thiết nghĩ cũng là điều cần thiết và nên làm!
Nhật Lệ