Sáng 14/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo thi Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh, thành về Kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019.

bna_dong_chi_le_minh_thong_chu_tri_dau_cau_nghe_an9045888_1452019.jpgVề phía đầu cầu Nghệ An có đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia tỉnh Nghệ An cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan và các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Siết chặt an toàn kỳ thi THPT Quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh cho biết: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 vẫn là kỳ thi “2 trong 1” để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT Quốc gia và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học,  giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, kỳ thi năm nay có một số nét mới như quy định rõ nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT quốc gia, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Bộ cũng quy định, tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT Quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT, 30% điểm trung bình cả năm lớp 12) thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây để tăng ý nghĩa, tính chất của kỳ thi THPT Quốc gia.

Giờ ôn tập môn Ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Cửa Lò 2. Ảnh: Mỹ Hà

Để đảm bảo an toàn cho Kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ cũng có một số điều chỉnh về tổ chức và kỹ thuật trong kỳ thi năm nay như phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, thí sinh tự do, thí sinh là học viên GDTX phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT;  khu vực lưu trữ đề thi an ninh trực 24/24h.

Về chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng thi. Ở các bài thi tự luận, quy định chặt chẽ việc cách ly trong làm phách, bảo mật số phách, thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập.

Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành sư phạm

Liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục và Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho biết, năm nay cả nước có hơn 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký vào các trường đại học. Mặc dù tỷ lệ này giảm hơn năm học trước 6,3% nhưng không biến động nhiều vì số lượng thí sinh giảm hơn mọi năm. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký gần 4 nguyện vọng.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, năm nay chỉ tiêu cho các trường sư phạm cao hơn năm trước với khoảng 60.000 chỉ tiêu. Việc xét chỉ tiêu được căn cứ trên nhu cầu đào tạo giáo viên qua khảo sát của năm 2017.

Tư vấn về làm hồ sơ dự thi THPT Quốc gia cho học sinh Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh: Mỹ Hà

Theo đó, từ năm 2016 - 2020, cả nước cần phải đào tạo gần 190.000 giáo viên (trung bình mỗi năm 47.000 giáo viên). Riêng năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh tăng để đảm bảo không quá thiếu giáo viên cho các tỉnh và thành phố. Theo khảo sát, năm 2018, cả nước thiếu khoảng 75.000 giáo viên (chủ yếu là mầm non và tiểu học).

Thực tế cũng cho thấy, những năm qua, các trường chỉ tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt tuyển sinh đầu vào. Năm ngoái, điểm sàn của ngành sư phạm là 17 điểm.

Không tạo áp lực về kỳ thi THPT Quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia không mới và không nên tạo ra áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh và các nhà trường. Đây cơ bản là cuộc kiểm tra kiến thức kỹ năng trên diện rộng cho toàn học sinh lớp 12 trên toàn quốc và thí sinh chỉ cần ôn tập, bám sát đề thi tham khảo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Để kỳ thi diễn ra thuận lợi, cần phát huy tinh thần chủ đạo ở từng địa phương, phân công đúng người, đúng trách nhiệm, đúng quy trình, tuyệt đối không có tình trạng “linh hoạt”.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi như cơ sở vật chất, chọn đội ngũ coi thi đảm bảo nghiêm túc, trách nhiệm, xây dựng và triển khai phương án huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tổ chức thi. Đồng thời, có phương án dự phòng để giải quyết các tình huống bất thường có thể xảy ra, đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Dự kiến, trong kỳ thi này, ngoài đoàn thanh tra của các địa phương, Bộ cũng thành lập các đoàn thanh tra lưu động để kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các địa phương.

Tuy nhiên, dù kỳ thi có được chuẩn bị chu đáo thì Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương không được chủ quan, thực hiện đúng quy chế, đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo được niềm tin trong toàn xã hội.