Trong danh sách những địa điểm đón năm mới tuyệt vời nhất thế giới, quảng trường Thời đại (New York, Mỹ) luôn đứng số 1. Nghi thức thắp sáng quả cầu pha lê trên quảng trường trong phút giao thừa có những chi tiết ít biết đầy thú vị.
Theo chuyên trang du lịch - khám phá National Geographic, quảng trường Thời đại ở thành phố New York, Mỹ đứng đầu trong top 10 địa điểm đón năm mới tuyệt vời nhất thế giới. Không khí háo hức đón năm mới của hơn một triệu người có mặt trên quảng trường luôn được xem là lăng kính đẹp nhất, thâu tóm được sự háo hức của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
Mỗi năm, sự kiện đón năm mới trên quảng trường Thời đại luôn được các kênh truyền hình Mỹ phát sóng trực tiếp, thu hút hàng trăm triệu người xem trên khắp thế giới, rất nhiều người ước mình được có mặt tại nơi náo nức ấy. Đó cũng là lý do tại sao, trong số hơn một triệu người có mặt trên quảng trường Thời đại, có rất nhiều người là du khách nước ngoài.
Khoảng một triệu người cùng nhau đứng chen chân trên quảng trường rực rỡ ánh đèn neon biển hiệu. Quảng trường Thời đại vốn được xem là “cái rốn” của New York, một tâm điểm sôi động thể hiện tinh thần của thành phố “trái táo lớn”.
Trong thời khắc giao thừa, một triệu người cùng có mặt tại đây để được chứng kiến cảnh quả cầu pha lê hạ xuống từ nóc tòa nhà trước đây vốn là trụ sở của tờ tin tức New York Times. Thực tế, cái tên “Times Square” (Quảng trường Thời đại) cũng được sinh ra từ đây.
Nghi thức thắp sáng quả cầu pha lê đã có từ hơn 100 năm nay. Thực sự, điều gì khiến quả cầu xuất hiện trên quảng trường Thời đại đặc biệt đến vậy? Hãy cùng tìm hiểu…
Nghi thức đón năm mới đầu tiên được tổ chức trên quảng trường Thời đại diễn ra vào năm 1904, với mục đích nâng cao tầm vóc cho trụ sở mới của tờ tin tức New York Times, khi tờ báo lâu đời này tìm được một vị trí “đắc địa” để “an cư”.
Muốn việc mình chuyển tới trụ sở mới thu hút sự chú ý hơn, chủ bút của tờ New York Times lúc bấy giờ - ông Adolph Ochs - cho rằng thời điểm giao thừa chính là lúc lý tưởng nhất để tiệc tùng “tân gia” cho tòa báo.
Vậy là 200.000 người đã được mời tới trước tòa nhà One Times Square - nơi có trụ sở tòa báo, để cùng tiệc tùng nguyên một ngày cuối năm trên đường phố, sự kiện kết thúc với màn pháo hoa khi năm mới đã điểm. Lúc này, quả cầu ánh sáng vẫn còn chưa xuất hiện.
Quả cầu trên quảng trường Thời đại lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1907. Khi đó, chủ bút của tờ New York Times - ông Adolph Ochs - muốn sự kiện tổ chức thường niên của báo thêm phần rực rỡ, ngoạn mục, vì vậy, ông yêu cầu kỹ sư điện và chuyên gia thiết kế của báo cùng hợp tác.
Lấy cảm hứng từ những quả cầu thời gian cổ xưa thường được sử dụng trên những con tàu cổ, họ đã thiết kế ra một quả cầu nặng hơn 300kg, có đường kính 1,5m, được làm từ sắt và gỗ, và được gắn 100 chiếc bóng đèn điện 25watt.
Trong đêm giao thừa, quả cầu này được treo lên đỉnh cột cờ ở trên tầng thượng của tòa nhà, khi quả cầu hạ xuống đến sàn tầng mái, một tấm biển lắp đèn neon sẽ bừng sáng lên báo hiệu năm mới đã đến, lúc này pháo hoa liền được bắn. Truyền thống này được thực hiện tới năm 1920.
Có tất cả 6 quả cầu từng xuất hiện trên quảng trường Thời đại vào mỗi dịp năm mới:
Tòa nhà One Times Square giờ đây không còn là trụ sở của tờ New York Times nữa, những đơn vị đến thuê sau đó không đem lại điều gì đặc biệt mới mẻ và ấn tượng cho tòa nhà giống như những gì mà ông chủ bút của tờ tin tức từng làm được cho One Times Square.
Hiện tại, nguồn doanh thu lớn nhất mà tòa nhà này có được đến từ việc cho thuê biển quảng cáo với số tiền ước tính thu về mỗi năm lên tới 23 triệu USD (523 tỷ đồng), chiếm 85% tổng thu.
Quả cầu ánh sáng từng được hạ xuống trong nhiệt độ thấp nhất hồi năm 1917 khi nhiệt độ xuống -17 độ C. Nhiệt độ trung bình về đêm của New York là 1 độ C. Nhiệt độ lý tưởng nhất là vào năm 1965 và 1972, khi nhiệt độ lên tới 14 độ C.
Một tấn hoa giấy sẽ được thả xuống đám đông có mặt trên quảng trường trong thời khắc giao thừa. Qua nhiều năm, những người có mặt trên quảng trường Thời đại dần có một thói quen, đó là viết những điều nguyện ước lên tờ hoa giấy mà họ bắt được.
Mỗi khi sự kiện đón giao thừa trên quảng trường Thời đại kết thúc sẽ có khoảng 50 tấn rác bị bỏ lại. Các công nhân vệ sinh sẽ phải mất tới hai ngày mới có thể dọn sạch. Hoạt động dọn vệ sinh bắt đầu ngay sau khi đám đông thưa dần. Có khoảng 150 công nhân, 25 giám sát, 2 sĩ quan cảnh sát và 2 quản lý được huy động đến để dọn dẹp “bãi chiến trường”.
Theo Dantri