Hạnh phúc vì được làm thầy giáo

Nếu tính theo tuổi thực, thầy giáo Chu Cấp năm nay đã ngoài 80 tuổi, dù rằng lý lịch của ông ghi năm sinh là 1940. Hỏi ông về điều này, ông lý giải là bình thường, bởi ngày đó cũng như nhiều gia đình khác ở miền quê nghèo Yên Thành, gia đình ông rất đông con... Lần lượt 9 đứa con ra đời, bố mẹ ông không nghĩ gì đến việc làm giấy chứng sinh hay khai sinh như bây giờ... Mãi đến 8, 9 tuổi, ông mới bắt đầu vào lớp 1 và “cô hỏi gì thì khai nấy”... Sau này, trải qua nhiều trường lớp khác nhau, lý lịch ông còn thay đổi nhiều lần.

bna_114373651_20112019.jpg

Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hiện tại nhà giáo Chu Cấp còn khá minh mẫn và nhanh nhẹn. Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay, ông vừa có chuyến trở về Ninh Bình, về với những học trò ở ngôi trường cấp II Hùng Tiến - ngôi trường đầu tiên ông tham gia giảng dạy... Hơn 55 đã trôi qua, cuộc gặp gỡ này, kẻ còn người mất nhưng với nhà giáo Chu Cấp, hạnh phúc nhất của ông là lớp học trò ngày xưa sau này tất cả đều đã trưởng thành, có người là kỹ sư, bác sĩ, có người là Anh hùng lực lượng vũ trang. Còn với học trò Ninh Bình, thời gian có thể làm cho tóc người thầy giáo của mình bạc trắng, có thể làm cho người thầy của mình đã già đi nhiều nhưng trong ký ức của họ, thầy giáo Chu Cấp vẫn là một ông giáo Nghệ hiền lành, nhân hậu và rất thương học trò...

Quên sao được những năm chiến tranh ác liệt, dù phải làm việc trong vùng bị địch tạm chiếm lâu nhất nhưng ở hàng đêm người thầy giáo ở một mình trong khu nhà giáo viên vẫn kiên trì dạy chữ, truyền đạt kiến thức cho học trò...

Nói về quãng thời gian đáng nhớ này, thầy giáo Chu Cấp cũng chia sẻ rằng: Những năm năm mươi, trong làng chúng tôi chỉ có mấy người học lên lớp 8 ở Diễn Châu. Vì thế, khi đi học nghề, chúng tôi có rất nhiều sự lựa chọn. Riêng tôi, tôi chọn nghề giáo bởi tôi thấy thầy, cô rất hiểu biết và muốn theo thầy, cô chắp cánh tương lai cho thế hệ trẻ. Sau này, khi ra trường được phân công về Ninh Bình, tình yêu nghề, yêu trò với tôi lại càng được nhân lên bội phần bởi tôi cảm nhận được tình cảm của phụ huynh và học sinh nơi đây, đặc biệt là tấm lòng “tôn sư trọng đạo”, dù có ở trong bất cứ hoàn cảnh nào...

Trường học ở chốn lao tù

Những biến động của cuộc đời thầy giáo Chu Cấp bắt đầu từ những năm 1965, khi ông cùng hơn 2.000 nhà giáo phía Bắc cùng viết đơn xung phong đi B, lên đường vào Nam phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong thời gian này là lực lượng trí thức trẻ, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, thầy giáo Chu Cấp và nhiều thầy giáo khác được điều động vào vùng Tây Nam bộ (gồm các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Long An, Bến Tre, Kiên Giang) với nhiệm vụ ban đầu là đào tạo cán bộ nhà giáo, chuẩn bị các lực lượng để tiếp quản các trường sư phạm sau giải phóng. Năm 1969, khi được điều về Mỹ Tho với cương vị Phó Ty Giáo dục thì ông bị bắt khi đang làm nhiệm vụ sau một trận đánh du kích của giặc Mỹ... Ngay sau đó, ông được bắt về nhà tù Cai Bè và trải qua rất nhiều lần bị tra tấn, đánh đập dã man.

Thời điểm đó, thầy giáo Chu Cấp đã có sự chuẩn bị tư tưởng kỹ càng từ khi xác định vào Nam nên cũng như nhiều đồng đội khác, thầy giáo Chu Cấp “càng bị tra tấn lại càng gan dạ”. Do không có được thông tin nên 3 tháng sau ông lại được điều về nhà giam Chí Hòa và tiếp tục những tháng ngày bị cai tù đánh đập, tra tấn với mức độ ngày càng dã man hơn... Tuy nhiên, đây cũng là ngày ông nhớ nhất trong những tháng ngày lao tù, bởi ở đó dù có nhiều đối tượng tù khác nhau, có người là tù chính trị, có người là “đầu trộm đuôi cướp” khét tiếng ở Sài Gòn. Nhưng khi đã vào lao tù thì “một miếng bánh cũng chia đôi”, “áo quần xẻ nửa”... Điều đó càng có ý nghĩa hơn với một người tù “tha hương” như ông, một người đã bị cắt đứt mọi liên lạc với người thân ở quê nhà và chưa từng có người thăm nuôi. Trong thời gian ở nhà giam Chí Hòa, ông cùng với các bạn tù cũng nhiều lần tập trận vượt ngục và đã nhiều lần ông được mọi người ưu ái tạo điều kiện vượt ngục trước. Nhưng nhà giam Chí Hòa với mệnh danh là “trận đồ bát quái” với chỉ có một cửa ra vào duy nhất, được gọi là “cửa tử” mọi cuộc vượt ngục đều bất thành. Một thời gian sau, ông lại bị đưa lên tàu và bị đưa ra nhà tù Côn Đảo - nơi được ví là chuồng cọp, giam giữ những tử tù hoặc tù chính trị cực kỳ nguy hiểm.

Côn Đảo cũng chính là nơi thử thách sự kiên trung của những người cộng sản và điều duy nhất để làm nên sức mạnh cho họ chính là sự lạc quan, yêu đời, không ngại gian khó và tinh thần đoàn kết, một lòng hướng về Tổ quốc. Trong thời gian ở Côn Đảo, nhà giáo Chu Cấp cũng được gọi tên với bí danh là Nguyễn Thành Nghệ (người Yên Thành - Nghệ An) và được nhiều bạn tù gọi là ông giáo Nghệ...

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhà giáo Chu Cấp rất ít khi nói về những tháng ngày ở chốn lao tù nhưng đọc lại những lời xác nhận của những bạn bè đồng nghiệp mới thấy được những việc làm to lớn mà ông và các người bạn của mình đã cố gắng, nỗ lực khi được đảm nhận phụ trách công tác thanh niên - dạy văn hóa, văn nghệ cho thanh niên và anh em tù chính trị. Đồng thời, ông còn tham gia để đấu tranh chống đàn áp, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đấu tranh chống xử án, đấu tranh diệt ác... Thầy giáo Chu Cấp cũng không nói nhiều đến những đòn roi, đến những phương thức tra tấn dã man bằng “gậy gộc, lựu đạn cay, lựu đạn gây phỏng, đến những xà lim u tối, hôi tanh”... mà ông và những người đồng chí của mình đã phải trải qua... Nhưng với ông chưa bao giờ quên kỷ niệm của những lần lên lớp, dạy những người bạn mình học thuộc Di chúc Bác Hồ, những bài thơ hay của các nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm và dạy chữ cho những người bạn chưa từng được đến trường...

Năm 1974, ông được trao trả và được điều về thành phố Hồ Chí Minh. Hòa bình, ông từng được điều về Ủy ban quân quản quận 1 làm trưởng tiểu ban giáo dục, rồi điều sang làm chuyên gia giáo dục ở Campuchia... và sau này lại được điều về quê làm Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thành cho đến ngày nghỉ hưu.

Trọn một cuộc đời theo cách mạng, theo nghề dạy học, ngẫm lại thầy giáo Chu Cấp không nuối tiếc điều gì... Ông cũng là một tấm gương sáng về tinh thần của kiên trung, chịu thương, chịu khó, một người “sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần”... Và học trò yêu quý ông, đồng nghiệp nể phục ông cũng vì một lẽ đơn giản đó!