(Baonghean) - Tôi biết đến cái tên Lương Khắc Thanh từ khá lâu, khi ấy, tôi tình cờ chép một bài thơ của ông in trên một tờ báo văn nghệ. Thế rồi, quả đất tròn đã cho tôi về đất Nghệ, có dịp gặp mặt nhiều nhà thơ mà tôi yêu quý, biết tiếng.
Viết để cảm ơn cuộc đời
Và tôi cũng có dịp gặp tác giả bài thơ mình từng chép trong sổ tay thời đi học này. Tôi khá ngạc nhiên khi biết những bài thơ nhiều buồn, nhớ ấy lại được viết bởi một người làm công tác tài chính (Lương Khắc Thanh, nguyên là chuyên viên Sở Tài chính Nghệ An).
Và trong buổi sáng đầy nắng bên mặt hồ Goong lãng đãng gió thu, ngồi cùng những người bạn văn chương, Lương Khắc Thanh khoe bài thơ mới viết bằng cách… hát nó lên. Ông nói, khi viết bài thơ này, ông đã nhẩm lại nó bằng nhạc điệu. Ông hồn nhiên gõ những ngón tay gầy lên trên mặt bàn gỗ quán cà phê và hát. Bài hát - bài thơ nói về vùng gió nắng phương Nam, một mảnh đất nào đó mà ông đi qua, và nặng ân tình với nó dù chỉ là thoáng gặp.Thế đấy, chỉ là thoáng gặp, Lương Khắc Thanh đã có thể yêu, có thể nhớ, mang cảm giác mắc nợ… Phải vì thế, mà Lương Khắc Thanh đã sống, đã viết như một cách để tạ ơn cuộc đời này - dầu nó đã từng mang tới không ít gian truân.
Nhà thơ Thạch Quỳ tiết lộ cho tôi hay, Lương Khắc Thanh “có khả năng xem tướng” đấy! Tôi tò mò hỏi ông về bí ẩn của những đường chỉ tay, những điều mà nó có thể mách bảo ông về vận mệnh. Ông đã cười lớn, giải thích cho tôi về những điều thuộc về linh cảm, về con người và những biến hóa cuộc đời, về sự cố gắng sẽ làm được những đổi thay, về lòng nhân sẽ chiến thắng ác tà… Những điều không mới, nhưng nó đã được ông nói thật giản dị. Hẳn ông cũng đã qua nhiều nỗi đoạn trường? Tôi hỏi thế, ông chỉ gật đầu nhè nhẹ…
Nỗi quê đau đáu
Rồi, trong những câu chuyện thân tình sau đó, tôi đã được Lương Khắc Thanh kể về tuổi thơ của ông. Tuổi thơ với nhiều nỗi nhọc nhằn trên những trảng cát bỏng Nghi Đức (Nghi Lộc xưa, nay thuộc TP.Vinh), nhưng cũng “đầy may mắn” như ông tự thấy vì cha của ông là một cụ đồ nho, có làm thuốc, rất coi trọng con chữ, hay dành tiền mua sách vở. Cái thế giới trong mỗi trang sách, nó thức dậy trong ông những mơ mộng, khao khát. Để sau này, nó giục bước chân ông đi. Nhưng cái tình nặng với quê hương, với những niềm thương không nguôi phía khoai sắn lại níu bước quay về: “Quê nghèo cát bỏng bàn chân/ Bước đi không dứt lại lần về quê”.
Ông nói rằng, cái ngày xưa ấy, cái đói, cái rét nó “thật” lắm. Nó như sờ được, như nhìn thấy ấy, chứ không phải là cảm giác đâu. “Mót khoai sái cả bàn chân/ Mà chưa qua nổi nhọc nhằn tuổi thơ”. Sinh năm 1954, khi đang dang dở cấp 3, Lương Khắc Thanh vào bộ đội, tham gia Đoàn 559. Sau giải phóng, ông học tiếp văn hóa trong quân đội, rồi học đại học Tài chính - Kế toán, ra trường làm giảng viên Sỹ quan tài chính. Năm 1987, Lương Khắc Thanh chuyển ngành, về tỉnh làm tại Sở Tài chính cho đến lúc nghỉ hưu. Nhưng ngay cả khi về sống giữa quê rồi, thì nỗi nhớ thương trong ông hình như vẫn không vơi bớt. Tất cả nỗi niềm ấy đã in dấu trong thơ ông.
Có thể nói, những bài thơ về quê hương, chính là những bài thơ giản dị, xúc động và hay nhất của Lương Khắc Thanh - người luôn nhận mình là kẻ “ngoại đạo”, kẻ đi vào “cuộc chơi thơ ca” một cách đầy nghiệp dư. Và trong“cuộc chơi” viết lách, ông đã in 2 tập thơ (hiện giờ trong tay ông không còn giữ một tập thơ nào của mình), cái tình với quê ấy đã được ông gọi tên thành tập “Ký ức làng”. Ông nói, mình đã viết như để tạ ơn cuộc đời, tạ ơn “Củ khoai với mấy quả cà/ Vít còng lưng mẹ, lưng cha một đời”, tạ ơn “mảnh hồn quê/ Nơi con diều giấy lộn về tuổi thơ”, tạ ơn những con người đã ngã xuống, như trong “Lá thư Truông Bồn” (bài thơ đã được nhạc sỹ Lê An Tuyên phổ nhạc)…
Chính vì vậy, Lương Khắc Thanh được bạn bè trong giới văn nghệ biết đến không chỉ ở vai một tác giả thơ. Ông còn là người mang nặng khát khao tìm về lịch sử, tìm về văn hóa xưa của cha ông. Đau đáu với những di tích cũ đã “biến mất” khỏi làng xã, ông lặn lội tìm cách phục dựng. Kiên trì thuyết phục, vận động, tìm mọi sự trợ giúp…, ông là một trong những người có công làm “sống dậy” di tích chùa Ân Hậu. Trong thơ ông, người ta vẫn gặp những nỗi trăn trở ấy: “Sân chùa cũng lắm đa đoan/ Ngô đồng lặng ngắt giữa ngàn lá rơi/ Đền xưa xã dỡ đi rồi/ Còn con nghê đá vẫn cười thản nhiên”.
Tựa vào thơ…
Lương Khắc Thanh nói rằng mình đến với thơ hồn nhiên lắm, như một cách ghi lại cảm xúc vậy, từ thời thơ trẻ. Với ông, “thơ như gió”, để làm mát, để xoa dịu, để sẻ chia, để vỗ về… Có khi chỉ là để “ru” chính mình thôi. Chính vì vậy, ngoài mảng thơ quê hương, Lương Khắc Thanh còn có mảng thơ thế sự rất đáng đọc, mà ở đó ông cũng chia sẻ không ít ngẫm ngợi.
Lương Khắc Thanh nói ông đã tin ở phận số. Mà cuộc đời ông, mọi thứ đã diễn ra theo sắp đặt, theo “phân công”. Dường như ông không tự chọn, tự quyết định được điều gì, đi bộ đội, rồi sau đó theo phân công quân đội ông đi học, ra trường cũng theo phân công để đi làm…, chỉ duy nhất có đến với thơ, là dường như gần với sự “cưỡng lại” của những sắp đặt. Mà với thơ, ông đã được nâng đỡ, đã được tựa vào nó để đứng lên trong cuộc sống vốn không ít đau buồn, bất trắc, trái ngang… “Tôi tin, phàm đã là thi sỹ thì không thể làm ác được”, Lương Khắc Thanh nói vậy.
Với thơ, ông thấy rằng mình “được luyện mình để vươn tới cái đẹp, cái cao thượng” và quan trọng hơn nữa, ông được giãi bày. Trong cái “vũ điệu sinh tồn” quay cuồng ấy, ông đã thấy: “Sân khấu đến lớp trò ảo thuật/ Chớp mắt thôi phù thủy hóa tiên…”, “Đâu cũng gặp dạng hình người phờ phạc/ Lao như điên về cuối hoàng hôn”. Rõ ràng, ông, cũng như nhiều người làm thơ khác, với những trải nghiệm và nhạy cảm của mình đã nhìn trực diện vào cuộc sống với những va đập khôn cùng ấy, để gọi tên lên những “trò phù thủy”, để dặn mình rằng: Cuộc sống nó vốn là như thế, “một không, một sắc, một bờ chiêm bao”, làm sao để sống đúng mình, yêu, tin đúng người, và bao dung tất thảy. Có buồn không? Hẳn rằng buồn chứ: “Thế gian cái ác không già/ Nỗi buồn mọc rễ nay đà nhú xanh”, hay “Trò đời vẫn phải mua vui/ Ngờ đâu chén rượu phanh phui nỗi buồn” nhưng rồi: “Nòi tình lại nảy cho xao cõi người”.
Đọc thế sự trong thơ Lương Khắc Thanh, tôi đã luôn gặp một kẻ “giật mình” tự vấn, một kẻ đi qua giông bão và trải nghiệm nhìn lại quãng đường đã qua, tỉnh ngộ và bước tiếp những bước thận trọng hơn, nhân ái hơn… “Nấm mộ ven đường” là một bài thơ như thế. Đó là lần tác giả đi qua một nấm mộ mà dân gian truyền tụng lại là nấm mộ một ông ăn mày, đã không thôi suy tưởng: “Người nằm đấy là ai? Cái thiện - ác giữa đời này vẫn thế”, ông nghĩ về những gì đã sinh ra và mất đi giữa đời, nghĩ về phận người, nghĩ về mình đã “từng quên những ngày giỗ ông bà”, những lơ đãng, vội vàng của con người thực tại cuốn vào vòng xoay cơm áo, vòng xoay của ảo tưởng… Sống mà tưởng chừng mình có đủ sức mạnh để quên đi quá khứ. Sống mà tưởng chừng mình đã sắp chạm tới tương lai. Có biết rằng “Phù du trên mọi nẻo đời/ Bể dâu con tạo vẫn lời người xưa/ Chiều hoang vàng giọt nắng thưa/ Trăm năm danh lợi như đùa thế gian…”. Nhưng, người thơ ấy cũng bàng hoàng nhận ra, dù mấy lỗi lầm, dù đã ngỡ lãng quên, thế nhưng lòng bao dung thì vẫn còn đó. Vẫn có “nón lá nghiêng chờ”, vẫn có “con đò nghiêng đợi”, “Vẫn còn nguyên một bờ ngâu”… Tất cả vẫn còn, cuộc sống vẫn mang đến những bất ngờ tốt đẹp, và con người hãy trải lòng để cảm nhận nó.
Và tôi, trong giờ phút nắm bàn tay gầy của tác giả thơ Lương Khắc Thanh để tạm biệt ông, cái thời khắc mà thành phố đã lên đèn, lao xao người về trên những nẻo đường thành phố, tôi đã cảm nhận rất rõ hơi ấm của một trái tim luôn khắc khoải nỗi đời, tự nhận vào mình những “ba chìm bảy nổi” để chắt chiu hạnh phúc... Những dòng thơ của ông, bất chợt lúc nào đó lại ngân lên, khi trong bữa gặp mặt bạn bè văn chương, lúc trong câu hát. Và với người thơ “nghiệp dư” Lương Khắc Thanh: Vậy là quá đủ!
Thùy Vinh