(Baonghean) - Hồi đi học, có lần thầy giáo nói với chúng tôi: “Các em ạ, các nhà khoa học vừa đưa ra một thông tin khá thú vị: Càng sạch sẽ, con người lại càng yếu ớt và dễ mắc bệnh. Họ thử nghiệm trên các nhóm người có tần suất tắm rửa khác nhau. Những người sạch sẽ nhất tắm 2 lần một ngày, những người “bẩn” nhất tắm 1 lần một tuần. Kết quả là những người “ở bẩn” hầu như hiếm khi bị ốm vặt, cảm cúm,... khác với những người ưa sạch sẽ kia...”. 

Cả lớp ngồi im phăng phắc, đứa nào đứa nấy ngẩn người ra vì thông tin lạ lùng mà thầy giáo vừa nói. Chờ một hồi lâu, thầy nhìn quanh và hỏi: “Không ai có ý kiến gì sao?”. Tôi rụt rè giơ tay lên: “Thưa thầy, các nhà khoa học nước nào nói vậy ạ?”. Thầy phá lên cười khiến tôi và cả lớp ngạc nhiên hết sức. Riêng tôi thì lo ngay ngáy không biết liệu mình có vừa đặt ra một câu hỏi quá ngớ ngẩn không. 

images1732021_bna_5817e5ce58c38.jpgẢnh minh họa

“Nếu thầy không viện dẫn các nhà khoa học mà nói rằng đó là kết luận của thầy thì chắc các em đã lên tiếng phản đối rồi. Hoặc, nếu người nói ra điều đó không phải là thầy mà là một bạn trong lớp thì có khi các em đã cho đó là điều ngớ ngẩn. Các em nhớ lấy, thông tin - riêng mình nó - chưa hẳn đã có giá trị. Để một thông tin được xác thực và công nhận, người đưa ra thông tin hay những căn cứ viện dẫn rất quan trọng. Bây giờ các em mở sách ra, bài về thành ngữ tục ngữ. Ví dụ đầu tiên của chúng ta sẽ là thành ngữ “Nói có sách, mách có chứng”.”

Rất lâu sau này, bài học thú vị của thầy thỉnh thoảng vẫn hiện lại trong tâm trí tôi. Đó là trong cuộc đối thoại mà tôi được nghe kể những chuyện “người ta nói rằng”. Đó là những bản báo cáo mà căn cứ được viện dẫn là “theo một cuộc khảo sát” mơ hồ nào đó.

Đó là những bài báo mở đầu bằng “dư luận xôn xao, cộng đồng mạng nổi bão”... Những thông tin lướt qua mắt tôi nhưng khó có thể đọng lại một ấn tượng lớn lao nào cho tâm trí, tôi xếp chúng vào ô “thông tin phiếm chỉ”.

Thế nhưng, loại thông tin đó vẫn không “nguy hiểm” bằng những thông tin được viện dẫn theo kiểu “râu ông nọ chắp cằm bà kia”. Những thông tin kiểu này cũng có nhiều cấp độ. Nhẹ thì một cô hot girl (tự phong) lấy ảnh mạng nhưng nhận là của mình để khoe khoang về cuộc sống xa hoa (trong tưởng tượng).

Nghiêm trọng hơn thì kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt nhưng lại dùng ảnh từ cách đây mấy năm. Thậm chí, kiểu thông tin này còn có thể phục vụ cho mục đích lừa đảo, bóp méo sự thật, bôi nhọ người khác. 

Ảnh minh họa

“Nói có sách, mách có chứng” - nhưng trong thời buổi thông tin đại chúng như hiện nay, kể cả khi có “sách”, có “chứng” rồi cũng chưa hẳn đã là đáng tin. Hãy tập cho mình thói quen xem xét vấn đề bằng cái nhìn đa chiều, đặt ra câu hỏi về tính xác thực của nguồn tin. Hãy tập nghi ngờ và thận trọng với thông tin, bởi một nửa sự thật chưa chắc đã là sự thật!

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN