(Baonghean) - Đó là điều mà chúng tôi nghĩ đến, khi đọc bài báo “Dự án giao thông nối đường N5 Khu Kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn - Đô Lương: Chậm vì những điểm vướng cục bộ” trên Báo Nghệ An số ra ngày 7/11/2016.
>>> Tuyến giao thông nối đường N5: Chậm vì những vướng mắc cục bộ
Là những người sinh sống trên đất Nghệ An, càng vui mừng vì tỉnh nhà đang khẩn trương triển khai những dự án trọng điểm được coi là động lực để thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh, của khu vực, chúng tôi lại càng thấy khó hiểu, thậm chí là bất bình, bức xúc, trước việc có 2 hộ dân cố tình chây ỳ, không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tạo thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng xây dựng đường N5 nối các trọng điểm kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án giao thông nối đường N5 Khu Kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn - Đô Lương, trong khi có đến 227 hộ dân đã hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án, thì hộ ông Nguyễn Văn Hải và hộ ông Nguyễn Văn Đề, đều ở xóm 6, xã Đại Sơn (Đô Lương), lại cố tình không chịu bàn giao 0,05 km cho chủ đầu tư để giải tỏa.
Ông Nguyễn Văn Hải có thửa đất số 61, mảnh trích đo số 02 có nguồn gốc khai hoang bị ảnh hưởng 650m2 trước năm 1993, là đất phi nông nghiệp do ông Hải đứng tên, nhưng lại đề nghị được hỗ trợ như đất Nhà nước giao theo Nghị định 64/CP và đề nghị mức hỗ trợ 200 triệu đồng/sào, tổng số tiền ông Hải đề nghị được hỗ trợ là 260 triệu đồng. Đất phi nông nghiệp nhưng lại đưa ra yêu sách phải được hỗ trợ như đất Nhà nước giao theo Nghị định 64/CP. Thật chẳng khác nào lợi dụng nhu cầu giải tỏa để đòi giao “củi”, tính tiền “quế”.
Còn với hộ ông Nguyễn Văn Đề, sau khi hội đồng đền bù đưa ra phương án hỗ trợ 800 triệu đồng cho 200m2, thì hộ ông này đề nghị phải đền bù số tiền là 1 tỷ 304 triệu đồng. Cái lý hộ ông này đưa ra là: Do khó khăn, nên
khi đi mua thửa đất 200m2 với giá 800 triệu đồng họ đã phải vay tiền lãi suất theo ngày ở chợ Ú, xóm 6, xã Đại Sơn là 800.000 đồng/ngày; mỗi tháng họ phải trả “lãi nóng” đến 24 triệu đồng, trong 21 tháng họ trả đến 504 triệu đồng. Và giờ họ yêu cầu phải hỗ trợ cả tiền gốc lẫn tiền “lãi nóng” (?!). Quả là những lý do nực cười. Bởi theo chúng tôi, đi vay nóng 100% tiền để mua đất với số tiền lãi phải trả hàng ngày là 800.000 đồng, với mức thu nhập của gia đình ông Nguyễn Văn Đề hiện nay, với mức sống và mức thu nhập bình quân theo đầu người trong vùng, liệu ai tin chuyện này là có thật? Đề nghị được hỗ trợ cả tiền gốc mua đất lẫn tiền “lãi nóng” mới chịu bàn giao đất giải phóng mặt bằng, thật đúng là kiểu “thấy bở đào mãi”, “được voi đòi tiên”... Mà lại cứ đòi bằng những căn cứ rất trời hơi đất hỡi!
Thực hiện dự án này, trong khi 227 hộ dân tự giác chấp hành nghiêm túc bàn giao mặt bằng đúng quy định pháp luật, thì chỉ còn 2 hộ dân cố tình dây dưa, chưa chịu bàn giao đất. Vậy phải chăng 2 hộ dân này tự cho mình cái quyền được sống “ngoài vòng pháp luật”? Về lý, đó là điều không thể chấp nhận và cơ quan chức năng cần phải tiến hành các biện pháp để đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Bất cứ người dân bình thường nào cũng thấy rõ rằng 2 hộ dân này đã vì tham tiền, hám lợi mà đưa ra những đề nghị vừa thiếu căn cứ pháp lý, vừa ngô nghê nực cười. Họ chẳng những không tôn trọng pháp luật, không chấp hành phương án hợp tình hợp lý của hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đưa ra, mà chẳng khác gì tự biến mình thành kẻ “ăn vạ”.
Về phương diện trách nhiệm, tình cảm, họ là những công dân được sinh sống, lao động trên mảnh đất này thì họ không thể thiếu trách nhiệm với sự nghiệp phát triển chung. Chậm bàn giao 0,05km để giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa với làm chậm tiến độ thi công chung của tuyến đường, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đồng thời gây ảnh hưởng đến uy tín của địa phương trong việc thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động.
Được biết, chỉ trong 5 năm qua, trên toàn tỉnh Nghệ An, trong phong trào nhân dân hiến đất làm đường đã có 5.658.749m2 đất (tương đương 1.665,7 tỷ đồng) đã được người dân tự nguyện hiến cho làng xóm, cho cộng đồng, cho xã hội. Họ đã vì ích nước lợi dân mà không mảy may nghĩ đến việc thu về một đồng. Có những hộ như hộ bà Lang Thị Lá, tại xóm Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) đã tự nguyện hiến 5.000m2 đất. Bà Lang Thị Lá là mẹ liệt sỹ Hà Văn Sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì Tổ quốc bà đã sẵn sàng hy sinh người con của mình, khi nước nhà độc lập, để trẻ em thuận lợi đến trường, người nông dân thuận lợi đi lại việc đồng áng, người người lưu thông thuận lợi, bà đã hiến 5.000m2 đất để làm đường nông thôn mới. Liệu khi nghĩ đến những việc làm này, các hộ ông Nguyễn Văn Đề, Nguyễn Văn Hải cảm thấy thế nào?
Quê hương, đất nước được hòa bình, xã hội ta đang luôn phấn đấu trở nên tốt đẹp, văn minh, là từ hành động hy sinh cống hiến của những người như bà Lang Thị Lá, như những người con của bà, và hàng vạn, hàng triệu những con người, những tấm lòng đang chung sức, chung tay cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước. Họ biết gắn lợi ích riêng hài hòa với lợi ích chung, đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của quê hương lên trên lợi ích của cá nhân, của gia đình. Như thế, thì đối với việc làm, đòi hỏi của những hộ dân như ông Nguyễn Văn Đề, Nguyễn Văn Hải ở xóm 6, xã Đại Sơn (Đô Lương), phải chăng đang cố đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của vùng đất cách mạng, phủ nhận những cống hiến chung của nhân dân chỉ vì suy nghĩ hẹp hòi, lợi ích vị kỷ riêng mình. Chắc chắn, nếu tiếp tục cố tình chây ỳ chấp hành phương án hỗ trợ của hội đồng giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng thi công dự án, thì đòi hỏi của 2 hộ dân nói trên không những không được chấp nhận, mà còn bị cộng đồng lên án, đồng thời đứng trước việc các vướng mắc sẽ phải được giải tỏa theo đúng quy định của luật pháp.
Do đó, với tư cách là người dân, chúng tôi nghĩ 2 hộ dân trên cần sớm chấp nhận phương án hỗ trợ của hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng, vì mục tiêu “ích nước lợi dân”, đừng “ích thân phương hại cộng đồng”!
Hiếu Dân(TP. Vinh)