1 tuần trước, giao tranh nổ ra ở Aden - thành phố ven biển của Yemen, nơi “đóng đô” tạm thời của chính phủ được quốc tế công nhận. Nhưng khác với những gì vẫn thường xảy ra trong 4 năm nội chiến đẫm máu ở quốc gia Trung Đông, lần này, 2 đầu chiến tuyến không phải là liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu và phe nổi loạn do Iran hậu thuẫn.

Thay vào đó, các phe phái trong liên minh chĩa vũ khí vào nhau, khiến hàng chục người thiệt mạng, đe dọa sự sống còn của sợi dây liên minh giữa Saudi Arabia và UAE.

phe_ly_khai_o_mien_nam_yemen_duoc_uae_hau_thuan_anh_afp9086290_1382019.jpgPhe ly khai ở miền Nam Yemen được UAE hậu thuẫn. Ảnh: AFP

 “Vụ đảo chính" tại Aden

Theo hãng tin CNN, đến Chủ nhật vừa rồi, Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) - phong trào ly khai tại Yemen dưới sự hậu thuẫn của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã giành kiểm soát địa bàn chiến lược Aden, sau vài ngày chiến đấu với các lực lượng ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận.

Vỏn vẹn 4 ngày trong số rất nhiều ngày giao tranh giữa phe ly khai ở miền Nam và các lực lượng của Tổng thống Hadi, 40 người đã thiệt mạng, 260 người khác bị thương.

Khi các phần tử ly khai chiếm ưu thế, liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp, nhằm bảo vệ chính phủ sở tại, tấn công vào một khu đất trống trong dinh tổng thống sau khi nơi này rơi vào vòng kiềm tỏa của phe ly khai.

Những kẻ ly khai gốc gác miền Nam Yemen xem vụ không kích trên là đòn cảnh cáo, nên sau đó đã rời khỏi dinh tổng thống, nhưng vẫn duy trì kiểm soát tại Aden.

Cứu hỏa dập tắt đáp cháy sau các cuộc giao tranh giữa các lực lượng thân chính phủ và phe ly khai tại Aden hôm 11/8. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Nội vụ Yemen Ahmed al-Maysary đã gọi diễn biến những ngày qua là một “vụ đảo chính thành công” khi thừa nhận thất bại trong một đoạn băng, trước khi gia nhập đội ngũ còn lại trong chính phủ của ông Hadi hiện đang sống lưu vong tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Theo ghi nhận của các phóng viên báo chí, tình hình tại thành phố Aden đã trở lại tương đối yên ổn, sau những ngày diễn ra các trận chiến trên đường phố, khiến dân thường “mắc kẹt” trong nhà không dám ra ngoài.

Vì đâu nên nỗi?

Cuộc chiến giữa phe ly khai miền Nam và chính phủ tại Aden chính là minh chứng cho mức độ phức tạp của cuộc xung đột tại Yemen, thậm chí đến mức có thể gọi là “nội chiến lồng nội chiến”.

Cần nhắc lại rằng, cả 2 bên “tham chiến” lần này đều là thành viên trong liên minh chống lại phe nổi dậy Houthi được Iran chống lưng ở miền Bắc, nhưng mỗi bên lại được hậu thuẫn bởi một quốc gia thành viên của liên minh ấy.

STC cho biết sẵn sàng đối thoại sau nhiều ngày giao tranh với lực lượng thân chính phủ tại Aden. Ảnh: AFP

STC có được sự giúp sức của UAE, còn chính phủ được Liên Hợp quốc công nhận của Hadi được chống đỡ nhờ Saudi Arabia, và 2 phe từng có “tiền sử” giao tranh liên quan đến quyền kiểm soát Aden.

Theo một số chuyên gia, STC từ lâu đã mưu cầu độc lập cho miền Nam Yemen, nhưng phải tạm gác lại khát vọng này khi lực lượng nổi dậy Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa hồi năm 2014.

Sau đó, STC gia nhập liên minh do Saudi Arabia đứng đầu, đồng ý hoạt động dưới trướng của chính quyền Hadi. Họ đã lập công lớn trong nhiều chiến thắng của liên minh suốt 4 năm qua, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc được góp mặt trong chính phủ hay hiện diện trong các cuộc hòa đàm.

STC cũng thường chỉ trích nạn tham nhũng trong chính phủ sở tại và những thất bại của quân đội. Mới đây, STC đã cáo buộc lực lượng cảnh vệ dinh tổng thống của Hadi “bắt tay” với Houthi trong vụ tấn công dẫn đến cái chết của một trong số những lãnh đạo quân đội của họ.

Trong khi đó, chính phủ tuyên bố đang bảo vệ các thể chế nhà nước trước hàng nghìn người biểu tình. Chẳng mấy chốc, giao tranh lan xuống đường ở Aden, bỏ qua mọi lời kêu gọi bình tĩnh từ các nhà lãnh đạo khu vực.

Cuộc chiến ủy nhiệm giữa UAE và Saudi Arabia?

Phân tích của báo chí phương Tây “mổ xẻ” khoảnh khắc Bộ trưởng Nội vụ của Tổng thống Hadi một cách sâu cay “chúc mừng” UAE chiến thắng khi phát biểu thừa nhận thất bại, từ đó nhận định khả năng những diễn biến gần đây là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa UAE và Saudi Arabia.

Thẳng thắn mà nói, 2 bên vốn dĩ cũng sở hữu những bất đồng lâu nay trên phương diện chính trị. UAE bất hòa với Saudi Arabia về việc chính phủ của ông Hadi bao gồm các thành viên xuất thân từ đảng Islah - được cho là có liên hệ với nhóm Anh em Hồi giáo bị UAE xem là khủng bố.

Riyadh - thủ đô của Saudi Arabia mới là trung tâm thực tế đặt chính quyền của Yemen, và Hadi cùng các bộ trưởng trong nội các dành phần lớn thời gian tại Saudi Arabia.

Trong khi đó, UAE đã trao sức mạnh cho phe ly khai, dựa vào họ cũng những người khác để giành chiến thắng trong các trận chiến trên thực địa.

Hôm 12/8, ban lãnh đạo UAE và Saudi Arabia đã gặp gỡ để bàn về Yemen, nhưng có lẽ những hình ảnh về sự đón tiếp trọng thị đã nỗ lực để giấu nhẹm đi tác động của nguy cơ “nồi da nấu thịt” trong liên minh của họ.

Vậy cuộc chiến tại Yemen sẽ về đâu? Dù dư luận cho rằng hồi kết của cuộc chiến dai dẳng ở quốc gia Tây Á này sẽ đạt được thông qua sức mạnh quân sự hay hòa đàm, thì đến nay xung đột tại Aden cũng đã đẩy câu chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều.

Nội chiến đã diễn ra 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông Yemen. Ảnh: googlemaps

Một liên minh rạn nứt không đủ để khiến cán cân hiện hữu ngả về phía có lợi cho bất kỳ ai, thậm chí điều này còn đồng nghĩa chiến sự sẽ vẫn kéo dài, và có thêm sự can dự của nhiều bên.

Tính chính danh cùng uy tín của Hadi sẽ bị ảnh hưởng nếu ông không thể cất tiếng nói đại diện cho tất cả những gì ông từng hứa hẹn. Còn về khía cạnh nhân đạo, việc đứt kết nối với một cảng trọng yếu như Aden khiến công việc của các phái đoàn viện trợ cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay thêm gặp khó.

Ấy nhưng, chút ít điểm sáng có thể nhìn ra từ sự việc này. Đây có thể được xem như hồi chuông đánh thức các bên, khiến họ hiểu rằng bất kỳ giải pháp bền vững nào cũng cần phải giải quyết được nút thắt của tất cả các bên.

Hiệp định Stockholm hồi tháng 12 năm ngoái về vấn đề của Yemen có trọng tâm là những mục tiêu ngắn hạn, nhưng các cuộc đàm phán không bao hàm những quan ngại trực tiếp hay những mong muốn trong tương lai của phe ly khai ở phía Nam.

Đây là điều cần xét lại, một khi tình hình Aden tạm lắng, và các bên đồng ý tham gia các cuộc đối thoại dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia.