Một ngày giữa tháng 10/2018, anh Nguyễn Hữu Vịnh - Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Thảo Thắng (phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai) đang làm việc ở công ty thì nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh.

“Anh ta nói hiện có một số văn bản mới liên quan đến Luật PCCC yêu cầu tôi mua để tìm hiểu, với giá 1,7 triệu đồng. Tôi đồng ý mua thì anh ta cung cấp địa chỉ để tôi gửi tiền thanh toán qua bưu điện, sách sẽ được gửi về sau. Vài ngày sau đó, tôi nhận được sách”, anh Vịnh kể.

bna_canh_sat_pccc_11570783_14112018.jpgCác tài liệu về PCCC được các đối tượng bán cho các cơ sở với giá cao gấp 5-7 lần theo quy định. Ảnh: H.T

Thấy anh Vịnh dễ lừa, chỉ ít ngày sau, một người đàn ông tiếp tục gọi vào số máy của anh Vịnh và xưng là lãnh đạo Công an tỉnh. Người này nói rằng, mấy hôm trước có cán bộ địa bàn đã gọi điện giới thiệu các tài liệu, văn bản, quy định mới nên thúc giục anh mua thêm.

Anh Vịnh thấy lạ nên đề nghị được trực tiếp vào TP Vinh để mua sách, tài liệu thì người đàn ông này từ chối và nói chỉ cần chuyển tiền qua bưu điện thì sẽ gửi tài liệu về. Nghĩ mình cũng cần các tài liệu này nên anh Vịnh tiếp tục chuyển gần 2 triệu đồng qua bưu điện. Tuy nhiên, lần này chờ mãi mà không thấy tài liệu về nên anh Vịnh mới biết mình bị lừa.

Trường hợp của anh Vịnh không phải là cá biệt. Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó Trưởng phòng PCCC&CHCN Công an tỉnh, tại một số địa phương như TP. Vinh, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… cũng đã xuất hiện tình trạng trên. Nhiều cơ sở đồng ý mua và đã chuyển tiền cho đối tượng để mua sách Luật và tài liệu tập huấn với giá thành cao hơn 5 - 7 lần quy định.

“Các đối tượng mạo danh là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an tỉnh Nghệ An gọi điện thoại cho chủ các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, đặt vấn đề nhận trọn gói làm hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; đề nghị chủ các cơ sở mua sách Luật PCCC để bổ sung vào hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua tài liệu phục vụ tập huấn nghiệp vụ PCCC với giá thành cao gấp nhiều lần… “, Thượng tá Hạnh nói.

Công an huyện Thanh Chương ban hành công văn cảnh báo thủ đoạn giả mạo cảnh sát PCCC để lừa đảo. Ảnh: P.B

Theo tìm hiểu, các đối tượng này thường lựa chọn các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, cơ quan, trường học… để lừa đảo, nhất là các cơ sở đang làm hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Các đối tượng không trực tiếp gặp mặt mà chỉ thực hiện giao dịch qua điện thoại và dịch vụ bưu điện.

Các đối tượng này đánh trúng tâm lý của các chủ cơ sở muốn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục giấy tờ đúng quy định hoặc các cơ quan, doanh nghiệp để đối phó với các đợt kiểm tra PCCC nên nhiều cơ sở đã “sập bẫy”.

Để đánh vào lòng tin của nạn nhân, ban đầu các đối tượng điện thoại cho chủ cơ sở hướng dẫn, nhắc nhở các hồ sơ liên quan đến PCCC, sau đó thông báo sắp tới có kế hoạch thanh, kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC hoặc mở lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC, đề nghị chủ cơ sở mua các tài liệu, văn bản pháp luật mới bổ sung vào hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, mua tài liệu phục vụ tập huấn...

Trung bình mỗi hồ sơ, tài liệu như vậy có giá từ 1 - 3 triệu đồng. Do số tiền không nhiều nên các chủ cơ sở không hề nghi ngờ mà đều sẵn sàng chi tiền để giao dịch. Ban đầu đối tượng vẫn gửi sách, tài liệu cho các chủ cơ sở, tuy nhiên, sau này thì không.

Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều, đến nỗi Công an huyện Thanh Chương phải ban hành văn bản để cảnh báo. Theo lãnh đạo Công an huyện Thanh Chương, đơn vị nhận được nhiều thông tin từ các cơ quan, cá nhân trên địa bàn huyện với nội dung: Có một số đối tượng mạo danh là cán bộ công an thuộc các đơn vị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn liên hệ qua điện thoại đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn, trường mầm non để bán sách có nội dung liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy.

“Công an huyện đã xác minh, làm rõ và kết luận các đơn vị PCCC và cứu nạn trong ngành công an không có văn bản hay quy định về việc liên hệ để bán sách có nội dung liên quan đến công tác PCCC”, Thượng tá Đặng Hồng Hải - Phó trưởng Công an huyện Thanh Chương khẳng định và cho biết thêm rằng, vấn đề này đã gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh và danh dự của ngành công an.

Trang thông tin của Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.B

Trước tình trạng lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều, Công an tỉnh đã có công văn cảnh báo thủ đoạn, phương thức lừa đảo của các đối tượng này. “Chúng tôi đề nghị công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các đối tượng lừa đảo này”, Thượng tá Hạnh cho biết và khẳng định, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù chưa gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng cảnh sát PCCC.

Cảnh sát PCCC Nghệ An thông báo, khi có người gọi điện đến đề nghị mua tài liệu, các cơ sở tuyệt đối không làm việc qua điện thoại, báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, hoặc cán bộ công an phụ trách địa bàn để kiểm tra, phát hiện và bắt giữ./.