Ngày 13/11, phiên sơ thẩm xét xử ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cùng 91 đồng phạm tiếp tục với phần công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ khẳng định, việc vận hành game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cùng đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc quyết định vào Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục C50).
Tướng công an “chống lưng” cho "ông trùm"
Theo đại diện VKS, khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh đã lợi dụng việc Bộ Công an cho phép thành lập công ty bình phong thuộc Cục C50, ký ban hành quyết định công nhận công ty CNC là công ty bình phong trái quy trình.
Là người đứng đầu cơ quan được Nhà nước giao cho trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhiều lĩnh vực, trong đó tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao và trật tự xã hội thì Phan Văn Vĩnh phải là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc, tội đánh bạc để còn có trách nhiệm đấu tranh trực tiếp và hướng dẫn đối với cấp dưới.
Thế nhưng, sau khi nhận được đề xuất của Nguyễn Văn Dương về việc "thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC”, có nghĩa Nguyễn Văn Dương đang đề xuất cho công khai việc kết nối, phục vụ cho game bài đánh bạc nhưng cùng ngày Phan Văn Vĩnh bút phê: “Kính chuyển đồng chí Cục trưởng và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất”.
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo ông Lục soạn thảo Công văn số 1155/C50-P1 ngày 20/5/2016 để Nguyễn Thanh Hóa ký, đề xuất Phan Văn Vĩnh nội dung trên để Phan Văn Vĩnh trình cấp trên.
Ngày 22/5/2016, Phan Văn Vĩnh bút phê: “Đồng ý đề xuất, giao đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát, tổ chức thực hiện đảm bảo hoạt động thí điểm và các thủ tục pháp lý đúng yêu cầu pháp luật và kiểm soát tình hình hoạt động của tội phạm về lĩnh vực này, có đề xuất tiếp trình Tổng cục và Bộ”.
Việc cho phép nêu trên của Phan Văn Vĩnh là hoàn toàn trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 quy định:
Dấu hiệu đặc biệt lưu ý của sự “chống lưng” cho Nguyễn Văn Dương thực hiện tội phạm tổ chức đánh bạc của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa còn ở chỗ, cho Công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám để vận hành hệ thống đánh bạc; không những thế, trong trụ sở làm việc của Công ty CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu ghi: “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng”.
Điều này đã thể hiện, chính người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện tội phạm, đồng thời ngăn cản có hiệu quả đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.
Hành động trợ giúp cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc của Phan Văn Vĩnh không chỉ dừng lại ở đó, mà còn ký văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Công ty CNC;
Đồng thời, ông Vĩnh còn chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất cho Công ty CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc (vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.Club).
Văn bản báo cáo lần hai, vẫn không đúng sự thật
Lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành 2 game bài Rikvip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo nhưng Phan Văn Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo.
Đến khi có văn bản lần thứ 2 sau 50 ngày, bị cáo mới chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tham mưu lập báo cáo lãnh đạo Bộ Công an. Đối tượng báo cáo không đúng sự thật và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc mà còn chỉ đạo ông Nguyễn Công Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của Công ty CNC.
Về phần mình, với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Công an giao đấu tranh phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, Nguyễn Thanh Hóa không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, mà trực tiếp tham mưu cho Phan Văn Vĩnh thành lập công ty bình phong CNC trái với Quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Đồng thời, ông Hóa còn đề nghị lãnh đạo Tổng cục cảnh sát cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc không ngăn chặn, xử lý mà ông Hóa còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý,…
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai rằng cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo "nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm là một nhiệm vụ chiến lược của C50". Tuy nhiên, thực tế hơn hai năm Công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng nhưng không có một khoản tiền nào được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu (chi 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD) cho C50./.